Sao Huyện Bạch Sơn Vẫn Chưa Lên Hot Search - Phù Tha Nịnh Mông Trà - Chương 7
Họ vẫn đứng nơi vũ trường đó. Ánh đèn sáng rực hắt lên khuôn mặt mọi người, bao phủ tất cả trong mơ màng, những cô nàng tiếp viên ngồi sát vào khách nam, tiếng hát bị tiếng nhạc nhẽo nuốt trọn.
Một cậu thanh niên mặc đồng phục đi học đứng trước mặt anh. Ngoài sàn nhảy người đông như kiến, nhưng sắc mặt của nó rất lạnh lùng, trông như một con quái vật không thuộc về nơi đây.
Anh nhìn xuống cậu thiếu niên nhỏ hơn mình một hai tuổi kia: Cụ Triều bảo anh dẫn dắt nhóc.
Người nọ không lên tiếng, vẫn như cũ nhìn bóng người trên sàn nhảy.
Anh hỏi: Muốn đi dẩy à? Mục tiêu lần này của chúng ta đang ở bên đó nhưng mà nhìn không rõ lắm, phải đợi ông ta tách ra trước đã.
Anh lại hỏi: À này, nhóc tên là gì? Anh tên Phó Vĩnh Quý.
Cậu thiếu niên vẫn im bặt, một mình tiến vào sàn nhảy. Những người đàn ông và phụ nữ ăn vận lộng lẫy cùng nhảy múa theo tiếng nhạc chói tai, đám đông từ từ nuốt chửng bóng dáng cậu ta.
Một lát sau, khi tiếng nhạc dần đi đến đoạn kết, cậu từ trong đám đông trở lại bên cạnh anh. Vẫn vẻ mặt vô cảm ấy, lặng im đứng cạnh bên.
Phó Vĩnh Quỳ gượng cười: Này, theo quy củ trong giới thì anh là đại ca của nhóc, nhóc phải gọi anh là anh Vĩnh Quý. Truyện Truyện Teen
Cậu thiếu niên: Anh Vĩnh Quý.
Nhạc hết, dòng người vãn dần, ai nấy quay về chỗ ngồi của mình. Đám đông giải tán xong mới có người chú ý đến người đàn ông ngã rạp trên sàn nhảy với một con dao đang găm vào bụng.
Phó Vĩnh Quý sững sờ, đầu thuốc ngậm trong miệng rơi xuống lúc nào cũng không hay biết. Giữa tiếng la hét kinh hoàng của mọi người, cậu thiếu niên ung dung dựa vào bức tường kính bên cạnh sàn nhảy, lấy quyển từ vựng ra đọc nhẩm dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn bảy sắc. Trên quyển sách có ghi rõ mã thẻ học sinh và họ tên.
Cát Thăng Khanh, lớp 10-3 trường THPT Bạch Sơn cơ sở 2.
Giấc mơ về lần đầu gặp nhau của nhiều năm trước bừng tỉnh, Phó Vĩnh Quý trở lại với thực tại. Dưới tầng hầm tối tăm, có một bóng người đang cầm thanh sắt nóng đỏ dí sát vào ngón tay anh….
–
Ngồi trong văn phòng giáo viên giản dị, Cát Thăng Khanh đốt điếu thuốc thứ hai của sáng nay.
Tiếng cười của đám trẻ trong sân vọng đến, bọn nó đang chơi đá bóng. Kể từ đêm qua đã chẳng thể liên lạc được với “thầy giáo thể dục” Phó Vĩnh Quý.
Một xấp giấy tờ đang nằm yên trên bàn làm việc của y. Đó là tài liệu liên quan đến chuyện gộp hai ngôi trường lại làm một, cột “chữ ký của giáo viên phụ trách” vẫn để trống.
Điếu thuốc này cũng sắp cháy tàn rồi.
Y dập tắt tàn thuốc, sau đó hít một hơi thật sâu rồi cầm lấy xấp giấy tờ rời trường.
Trên đoạn đường đi qua trung tâm thành phố, Cát Thăng Khanh nhìn thấy trường tiểu học và trung học Long Trì. Long Trì là trường tư thục do Tập đoàn Bạch thị đầu tư và xây dựng nên, nổi tiếng cả ở khu lân cận với trình độ giảng dạy cao. Ngôi trường nằm ngay khu trung tâm sầm uất nhất của thành phố, với những tòa nhà mang phong cách châu Âu, nổi bật hẳn so với kiến trúc ở nơi đất huyện cỏn con này.
Nghe nói ở đây có lắp thang máy, máy lọc nước, điều hoà nhiệt độ…. Có cả nhà kính, phòng nghiên cứu khoa học, nhà hát, phòng tập nhảy. Mấy năm nay các phương tiện truyền thông phát triển, nhà trường còn xây dựng phòng thu âm và quay phim để học sinh khám phá những điều mới mẻ ngoài kia.
Có tới 97% giáo viên có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, tất cả đều tốt nghiệp trường có tiếng ở Bắc Kinh, Thâm Quyến, còn có cả giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh, tiếng Nhật. Nhà ăn có chuyên gia dinh dưỡng chuyên nghiên cứu thực đơn, đầu bếp được mời đến từ nhà hàng Michelin cao cấp.
Con cháu trong nhà họ Bạch tất thảy đều đi học ở Long Trì, từ tiểu học học thẳng lên cấp hai. Ngoài con cháu nhà họ Bạch, trường học cũng tuyển cả học sinh bên ngoài nhưng học phí cực kỳ đắt đỏ. Cổng trường có mấy em học sinh đang ra vào, ai nấy đều khoác trên mình bộ đồng phục kiểu tây sáng bóng, áo sơ mi thắt cà vạt, đi giày da, đeo cùng một loại cặp sách bằng da bóng loáng.
Nghe nói giá của một bộ này là 23 ngàn tệ, đều là hàng đặt làm riêng với Burberry. Con nhà bình dân nếu muốn học ở đây không khéo ngay cả set đồ đi học thôi cũng chẳng mua nổi chứ chưa nói đến học phí. Vả lại, bọn trẻ cũng phải mua cả đồng phục cho lớp năng khiếu, chẳng hạn như khiêu vũ, đấu kiếm hoặc võ thuật.
So với bọn nhỏ ở trường Bạch Sơn, đám trẻ này chẳng khác gì hoàng tử và công chúa.
Ngồi trên xe, Cát Thăng Khanh nhìn chằm chằm trường Long Trì một lúc lâu. Mãi cho đến khi xe buýt tiếp tục lăn bánh, vượt qua một ngã tư. Nghe nói chỗ này hôm qua xảy ra một vụ tai nạn, nhưng báo đài địa phương lại không hề đưa tin.
Nhìn qua mặt kính phản chiếu vẫn có thể thấy tấm biển lớn ở cổng trường Long Trì. Ngoài video giới thiệu trường còn có cả lý tưởng dạy học của Long Trì chiếu trên đó. Bỗng nhiên tầm mắt Cát Thăng Khanh như bắt được thứ gì đó, ngó đầu ra ngoài xem.
“Bắt đầu từ năm nay, Học viện Long Trì quyết định thành lập Quỹ Học bổng Phi Long,
Tài trợ cho càng nhiều em học sinh nhập học,
Tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học có hộ khẩu ở các huyện Bạch Sơn, Châu Lưu, Dân Hợp đều có thể tham gia.
Đường dây nóng tuyển sinh nhập học/ hoàn tất thủ tục chuyển trường vui lòng gọi….”
–
Mười lăm phút sau, Cát Thăng Khanh đẩy cửa văn phòng chủ tịch huyện. Kiều Chân bảo y ngồi xuống trước, hiển nhiên đã rõ tại sao y lại đến đây.
Kiều Chân: Thực ra tôi cũng thấy không thích hợp lắm, nói cho cùng thì trường Bạch Sơn được xây dựng cũng có cái lý riêng của nó, không thể để nhiều học sinh nội trú như thế đến Long Trì….
Cát Thăng Khanh bỏ xấp giấy tờ lên bàn, thái độ kiên quyết: Cháu sẽ không ký tên đâu. Mấy đứa nhỏ không thể chuyển sang Long Trì được.
Kiều Chân: Cán bộ huyện cũng đã tiếp xúc với Tập đoàn họ để bàn bạc vấn đề này rồi. Thứ nhất là cân nhắc đến chi phí học tập ở Long Trì, học phí trường tư thục quá cao. Nhưng mà người nhà họ Bạch cũng tỏ thái độ rằng là để bồi dưỡng nhân tài cho huyện ta, có thể miễn toàn bộ học phí và các khoản chi phí khác cho học sinh trường Bạch Sơn.
Kiều Chân: Đây cũng coi như chuyện tốt. Bọn họ cũng đồng ý đón nhận thầy, ký hợp đồng 5 năm. Thầy xem….
Cát Thăng Khanh: Cháu không xem gì hết! Chú à, bọn trẻ không thể sang Long Trì được!
Kiều Chân: Nhưng cũng đâu có ai tổn thất gì. Bọn trẻ được miễn học phí, môi trường học hành tốt hơn, thầy cũng có công việc ổn định, lương giáo viên bên đó cao gấp chục lần ấy chứ! Còn trường cũ thì xây khu nghỉ dưỡng mới, vừa kích cầu kinh tế vừa là cần câu thu hút đầu tư, sao thầy….
Cát Thăng Khánh xé xấp giấy tờ, vò cho nhàu nát rồi ném vào thùng rác: Chú Kiều, hai năm trước chú được điều đến huyện Bạch Sơn, tại sao lại đánh giá cho cháu là giáo viên giỏi trước chứ không phải đám giáo viên xuất sắc ở Long Trì?
Kiều Chân: Là vì… vì điều kiện của trường Bạch Sơn quá khó khăn, một giáo viên trẻ như thầy có thể kiên trì chăm sóc dạy dỗ bọn nhỏ ngần ấy năm cũng không dễ gì….
Cát Thăng Khanh: Bọn nhỏ ngoài việc phàn nàn cháu nghiêm khắc và quản chặt ra còn có gì không vừa lòng không?
Kiều Chân: Không có, tôi cũng là người vùng núi nên hiểu rất rõ nỗi vất vả của thầy. Vạch xuất phát khác nhau, bọn trẻ phải chịu nhiều khổ cực hơn nên đáng thương lắm, nhưng không chịu khó chịu khổ thì lại không có cơ hội thoát ra được.
Cát Thăng Khanh gật đầu: Vậy bọn trẻ vào Long Trì rồi thì còn ai bắt tụi nó chịu khổ nữa?
Kiều Chân im lặng một lúc, gật đầu.
Cát Thăng Khanh: Giờ cháu không phân giàu nghèo cao sang mà đối xử bình đẳng với bọn trẻ. Chu Tiểu Thu là con gia đình đơn thân, bố mẹ Lê Tử Huân đều là đồ khốn nạn, Đồ Tiểu Phán chậm phát triển, bị bỏ lại ngoài cổng viện phúc lợi…. Cháu có thể kể chú nghe hoàn cảnh của từng đứa một. Cháu sẽ không từ bỏ đứa nào hết – vạch xuất phát không giống nhau, có người sinh ra trong lâu đài hoàng cung, nhưng cũng có đứa khác – chẳng hạn như Ngọc Đông Tuyết – mẹ nó mới 18 đã sinh nó ra, sinh xong vứt luôn trong nhà vệ sinh.
Cát Thăng Khanh: Nhưng trong thế giới bất công này, cháu có thể cố hết sức đem lại sự công bằng cho chúng nó. Sự công bằng này được gọi là, cháu cho chúng nó cơ hội nỗ lực hết mình. Chú Kiều, chú cũng đến từ vùng núi, chú biết rất rõ giáo dục kiểu đó là thuốc độc với đám trẻ. Bọn nó vào Long Trì là coi như chết chắc!
Kiều Chân ngẩng đầu, nhìn thẳng vào mắt y, rồi lại gật đầu: Thầy nói không sai. Tôi biết thầy sẽ nói thế nên lúc người của Bạch thị với Tiền Chứng Minh đến văn phòng tìm tôi, tôi nói với họ là thầy đồng ý thì tôi mới đồng ý.
Hai người nhìn nhau trong giây lát rồi cùng bật cười. Cát Thăng Khanh giờ mới nhận ra, khi nãy y quá kích động vừa nói vừa đập bàn, làm lớp sơn gỗ của chiếc bàn trong văn phòng tróc cả ra.
Kiều Chân cười, không để bụng mà còn lấy tách trà đặt lên vết nứt để che nó đi. Ông mở ngăn kéo rút ra một tệp tài liệu. Cát Thăng Khanh cầm lênxem, là tài liệu liên quan đến kinh phí dự tính của cuộc thi hát đồng ca chào mừng ngày lễ.
Kiều Chân phê “dự tính lại” lên trên.
Nói rồi ông kéo y lại gần, thì thầm vào tai y: Thầy đừng nói ra ngoài nhé. Tôi định tiết kiệm ngân sách từ cuộc thi hát để xây sân thể dục mới cho trường Bạch Sơn, cái kiểu có cả đường chạy với sân bóng rổ ấy.
–
Cát Thăng Khanh rời khỏi văn phòng. Y đang rất vui, trên môi nở nụ cười tươi rói.
Lúc y ra ngoài bắt gặp thư ký Tô và nữ trợ lý của Tiền Chứng Minh. Thấy y mặt mày tươi rói đi ta, cả hai đều bồn chồn thấp thỏm. Thư ký Tô đi theo y: Thầy Cát, thầy đã nói chuyện với chủ tịch rồi à?
Cát Thăng Khanh: Ừ, trường Bạch Sơn sẽ không di dời đi đâu hết, bàn ổn thoả cả rồi.
Thư ký Tô: Nhưng mà chuyện kêu gọi đầu tư….
Cát Thăng Khanh ngắt lời anh ta: Đầu tư đầu năm gì đó tôi không hiểu, đừng có tìm tôi.
Nói xong, y nghênh ngang rời đi, mặc kệ thư ký Tô lầm bầm chửi bới sau lưng mình. Cát Thăng Khanh bắt xe chuẩn bị về trường, tâm trạng vui vẻ bước lên xe thì điện thoại bỗng đổ chuông.
Là số lạ. Nhưng chỉ cần liếc nhìn thôi y cũng biết là ai gọi đến.
Y bấm nghe, quả nhiên đầu bên kia là giọng nói của Bạch Hựu Tất.
Bạch Hựu Tất: Anh Thăng Khanh, tối nay em sắp xếp một bữa cơm để anh với sếp Tiền gặp mặt nói chuyện một lát.
Cát Thăng Khanh cười khẩy cúp máy. Số điện thoại kia rất nhanh đã gọi lại.
Bạch Hựu Tất: Em nói thật, chỉ gặp mặt cái thôi.
Giây tiếp theo, đầu dây bên kia truyền đến giọng người đàn ông đang kêu gào thảm thiết. Là giọng của Phó Vĩnh Quý.
Cát Thăng Khanh còn chưa kịp trả lời, người bên kia đã cúp máy. Y ấn gọi lại mãi một lúc lâu Bạch Hựu Tất mới nghe, chỉ có điều trong ống nghe không còn nghe được tiếng của Vĩnh Quý nữa.
Cát Thăng Khanh: … Mày tính làm gì?
Bạch Hựu Tất: Hử? Vừa nãy là Hạo Hạo nó đang xem hoạt hình mở tiếng hơi to. Anh Thăng Khanh, chuyện bữa cơm….
Cát Thăng Khanh: Nói tao biết Vĩnh Quý đang ở đâu thì tao sẽ đến.
Bạch Hựu Tất khẽ bật cười: Em đang tính nói với anh này, không may là tối nay sếp Tiền có hẹn khác rồi, bữa cơm này chắc phải hủy thôi.
Có lẽ nghe được tiếng nghiến răng của Cát Thăng Khanh, nụ cười của hắn lại càng tươi hơn.
Đầu kia điện thoại có tiếng trẻ con truyền đến, là giọng của thằng cháu Bạch Vân Hạo đang đọc tiếng Anh.
Bạch Hựu Tất: Tuy là bữa cơm này không thành rồi, nhưng mai anh Thăng Khanh có rảnh không, đến dạy kèm cho cháu Hạo nhà em nhé?