Ngôi Trường Hạnh Phúc - Vương Linh - Chương 4: Ký túc xá
Kể cũng gan, chắc tại ở đông nên chả đứa nào sợ mặc dù cổng có khi còn chả mấy khi khóa, chỉ móc dây sắt vì khóa cứ hỏng liên tục, nhìn bấm thế thôi chứ giật mạnh là bung khóa. Cửa phòng cũng ọp ẹp, cảm giác đạp phát là bật ra nên đứa nào đóng mở cửa cũng rất nhẹ nhàng. Phòng nào sang thì còn cửa sổ, còn không thì kê giường tránh nó ra để mưa khỏi hắt vào. Tường nhà năm nào cũng vôi ve lại nhưng ẩm và dễ bong nên đứa nào cũng dán tường, phòng 12 đứa thì 12 ô tường khác màu nhau, nhưng nhìn cũng không hoa được mắt vì phòng rất tối, bóng tuýp cứ mờ mờ. Gần trăm người, lúc nào cũng vui như hội. Kể cũng tài, toàn bọn con gái mà họa hoằn lắm mới thấy tranh luận, còn nói chung là rộn tiếng cười.
Nước luôn là vấn đề nóng ở mọi ký túc xá, đến giờ bơm nước là lũ con gái tay xô, tay chậu, xếp dàn ra sân. Đứa nào nhanh chân thì tranh được nhà tắm trước, còn lại phải xếp lốt (slot), đứa nào xong trước thì giặt quần áo như chớp, mặt tưng bừng hỉ hả. Đứa nào chậm thì cố mà đợi vì nước chảy róc rách, giặt được chậu quần áo cũng mất cả tiếng, có khi chúng nó đi ăn tối rồi có đứa vẫn lọ mọ, chổng mông lên hứng nước, rồi đi ăn sau, cái gì cũng hết, cá còn toàn đuôi, canh gạn xoong, cơm hơn nửa là cháy, đen toàn tập. Đúng là số phận do mình tạo ra, hôm sau phải rút kinh nghiệm ngay.
Buổi sáng còn ầm ĩ hơn vì tranh nhau nước để đánh răng rửa mặt còn đi học, đến khổ. Bọn chim ri ý cứ ầm ĩ, đến là mệt, Trúc lựa chọn thức khuya và dạy muộn, lúc chạy ra bể nước là mình ta một bầu trời, 2 phút là xong. Sau đấy cắm đầu cắm cổ đến trường, vừa chạy vừa nhai bánh mỳ, lúc nào cần gặm là đi, gặm vào mồm là lại chạy, nhìn chắc hài hước lắm. Thế mà không bao giờ muộn học nhé, lúc nào cũng đến trước khi chú Thủy đóng cổng tận 2 phút, mình nể mình quá cơ, hihi.. và ăn nốt bánh mỳ trước khi cờ đỏ kịp ló mặt vào lớp, không thừa phút nào.
Được cái không sợ ma nên Trúc chuyên thức khuya học bài. Đêm nào cũng nghe chim lợn hót ngoài cửa sổ, ngay cuối giường, có hôm chắc con chim mệt, hót hoài mà thần chết không túm được ai nên buồn bã đậu vào cửa sổ, thỉnh thoảng lại hót đứt quãng, chắc hót lắm cũng đói. Có lần bọn trong phòng bàn luận tìm hiểu xem thịt chim lợn có ngon không để còn bẫy nhưng đến lúc bạn ý bay ra hót thì đã lăn ra ngủ hết cả.
Trong ký túc còn một đội quân nữa chuyên hoạt động về đêm là chuột, bẫy chả ăn thua, may mắn lắm thì túm được một hai con ốm nhách, bọn to béo thì xổng hết. Cả chuột nhắt lẫn chuột cống, chạy nô nhau rinh rích, vui đáo để. Thỉnh thoảng đêm hôm lại có đứa hét lên vì chuột chạy qua người, đấy chính là đứa ngủ gật chưa kịp mắc màn. Cái giường tầng bằng gỗ kẽo kẹt, trèo lên đu xuống cảm giác như sắp gẫy, không có bậc thang, thanh trụ có một mẩu gỗ nhỏ gá vào, đặt được 3 ngón chân, thế mà quen rồi là leo thoăn thoắt như khỉ. Mấy đứa điệu đà toàn thích chọn tầng 1 để còn diện váy cho nữ tính, mấy đứa vào sau hoặc thích yên tĩnh như Trúc thì chọn tầng 2 cho yên ả, cao ráo. Hồi đầu vào ký túc cũng lười, cóc thèm mắc màn, muỗi đốt cho đỡ béo, chết sao được, giường tầng 2 chắc chuột không thèm lên đâu, leo thế mệt lắm chứ. Thế rồi một đêm chuột bò qua chân, giật mình tưởng ma khều chân, đèn học vẫn sáng, mở mắt ra ngây ngốc nhìn em chuột nhắt cuối giường, đá văng em xuống đất. Tưởng em sợ không ghé chơi nữa nên đêm buông màn hờ hững không thèm ghép, đối phó với muỗi thôi, sáng hôm sau thấy em đu đưa trong màn, ngay trên mặt mình, không đến mức hét lên nhưng sự bất ngờ làm Trúc tỉnh nhanh như sáo. Vậy là phải ghép màn tử tế rồi.
Phòng bên cạnh có con bé Diệu, điệu chảy nước, nó học chuyên Văn, nói nheo nhéo suốt ngày, chắc thừa enzyme tại khoang miệng nên mồm phải há ra liên tục cho khô bớt nước bọt chứ lớn thế ai đeo khăn dãi nữa. Khổ thân, nghe còn thấy mệt, chắc nó nói cũng mệt mỏi lắm. Thế mà nó có bạn trai đầu tiên trong ký túc. Anh kia gần nhà thầy u, nghe nói năm nhất đại học, cứ vài tuần lại về thăm em Diệp.
– Ôi anh lại đến chơi đấy ạ.
Diệp lớn giọng như cho cả ký túc nghe thấy, nghe giọng nó có vẻ vui lắm.
– Lại tặng hoa em nữa, cảm ơn anh nhé.
Cái Lam bảo Trúc: “Chắc yêu nhau rồi mày ạ”. Trúc bảo:
– Tao không nghĩ thế, nó giả vờ lịch sự thôi, mày không nghe nó reo “Ôi anh..” chứ không phải “A anh..” à?
Bọn trong phòng cười ầm lên:
– Ờ, có lý, có lý.
Thế mà Trúc đoán đúng thật. Vài anh nữa nó cũng thế, cứ yểu điệu vớ vẩn thôi, nó bảo nó còn phải thi đại học, yêu đương gì.