Một Đời Vấn Vương - Huân Y Thảo - Chương 44 - Kẻ Biến Thái
Điện thoại tôi bị hư hỏng nặng, không thể sửa chữa. Sau khi đổi sang cái mới, mặc dù vẫn giữ được số di động cũ. Nhưng đáng tiếc, tôi bị mất toàn bộ liên lạc trong danh bạ đã lưu trước đó.
Vì vậy tôi chẳng thể chủ động gọi cho Thời Mộng, càng không biết cô ấy đang làm gì, ở đâu. Đây cũng là lần đầu tiên Thời Mộng giận dỗi lâu như thế, cho nên tôi có chút bất an.
Về phần Lệ Phong, tôi ắt hẳn anh ta đã nguôi ngoai, nói không chừng đang tận hưởng kỳ nghỉ phép tại nơi nào đó có gió biển và nắng vàng.
Một sáng của ba ngày sau, khi tôi đang ngồi trên ghế đan mây đặt trước sân nhà, chăm chú với sấp báo tuyển dụng việc làm, thì nhận được cuộc gọi từ số lạ.
Tôi chẳng nghĩ ngợi nhiều và bắt máy. Đầu dây bên kia là giọng của một cậu thanh niên trẻ:
“Xin lỗi vì đã làm phiền. Cho hỏi cô có phải là Vu Phù Vân không?”
“Vâng là tôi đây.”
Cậu thanh niên nhanh chóng đáp lời:
“Chào cô Vu, tôi là người bên dịch vụ tổ chức sự kiện.”
Tôi lấy làm lạ, ngạc nhiên hỏi:
“Không biết anh gọi tìm tôi là có chuyện gì?”
Cậu ta từ tốn:
“Khoảng một tuần trước, anh Tịch có đến chỗ chúng tôi đặt thiết kế trang trí, chuẩn bị một buổi cầu hôn, cũng đã thanh toán trước tất cả chi phí.
Nhưng đến ngày hẹn chẳng hay vì lý do gì hai người không ai xuất hiện. Một tuần qua chúng tôi không thể liên lạc được cho anh Tịch.
Dựa vào thông tin mà anh Tịch để lại khi yêu cầu thiết kế sân khấu hoa hồng, chúng tôi có đến nhà tìm nhưng được biết hai vị đã chuyển sang nơi khác. Một người hàng xóm gần nhà cô đã đưa số điện thoại này cho chúng tôi.”
Tôi ngỡ ngàng, đầu óc hơi mơ hồ:
“Ý anh là Tịch Đông?”
“Vâng.”
“Xin lỗi, có phải các anh đã nhầm lẫn gì đó rồi không?”
Cậu thanh niên kia khẳng định:
“Không thể nhầm lẫn. Trong vòng ba tháng trở lại đây chúng tôi chỉ nhận trang trí cho một sự kiện cầu hôn, cũng là của anh Tịch.
Hơn nữa, buổi cầu hôn này vô cùng đặc biệt, anh Tịch yêu cầu tất cả hoa trang trí đều phải sử dụng hoa hồng thật, lựa chọn tỉ mỉ và đã hoàn toàn loại bỏ gai nhọn.
Địa điểm ngoài trời tại đồi cỏ cách trường trung học phổ thông Nguyễn Tín hai ki lô mét, lối mòn lót sỏi thủy tinh trải dọc từ chân đồi lên đến sân khấu ở đỉnh đồi.”
Tôi kinh ngạc tột độ, nhớ đến hôm phát hiện mình mang thai, trước đó đã cùng Thời Mộng đi ngang qua ngọn đồi cũ, từng nhìn thấy cảnh đẹp như mơ ngập trong sắc hoa hồng và thầm ngưỡng mộ.
Bàng hoàng chưa nguôi, tôi khó lòng phân biệt những lời bên tai đâu là thật, giả.
Cậu nhân viên nói thêm:
“Trong quá trình thiết kế sân khấu, anh Tịch lên ý tưởng lắp đặt pháo hoa phóng theo ký tự tên cô, còn yêu cầu chúng tôi làm một bó hoa hồng gồm chín mươi chín đóa, tượng trưng cho “tình yêu vĩnh cửu”, bên trong có kèm hộp nhẫn.
Hiện tại, chiếc nhẫn vẫn đang ở chỗ chúng tôi, chính vì lý do này nên chúng tôi đã liên lạc với anh Tịch, nếu buổi cầu hôn không thể tiếp tục, chúng tôi muốn trao trả lại nó.”
Cơn sững sờ qua đi, cảm xúc trong tôi đang nghẹn ứ, chưa dám tin rằng những điều tuyệt vời ấy Tịch Đông từng muốn dành tặng cho tôi.
Hóa ra tôi cũng từng là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời, chỉ đáng tiếc hoa chưa kịp nở đã sớm phải lụi tàn.
Tôi cung cấp cho anh ta địa chỉ mới, ngay chiều hôm ấy gói đồ được giao đến trước cổng nhà tôi.
Bất ngờ thay, vật cầu hôn bên trong hộp nhung chính là chiếc nhẫn “một đời vấn vương”. Siết chặt nó vào lòng, tôi ngỡ thứ quý giá ấy hóa thành hòn than cháy đỏ, dần dần thiêu đốt tâm can mình.
Ít ngày sau đó, tôi tìm được công việc thu ngân trong một cửa hàng bán quà lưu niệm, mỗi ngày bắt đầu đến chỗ làm vào sáu giờ sáng và tan ca lúc sáu giờ ba mươi chiều.
Hôm nay cửa hàng khá đông khách, phải hơn bảy giờ tối tôi mới được tan làm.
Một mình đi bộ về nhà, tôi đứng trên vỉa hè ở ngã tư chờ đèn đỏ, dòng xe cộ đổ xô ra các tuyến đường, đông đúc và náo nhiệt.
Khi tín hiệu dành cho người đi bộ sáng đèn, tôi chạm chân lên vạch vôi băng qua đường.
Bỗng nhiên từ bên phải có luồng ánh sáng trắng lóa mắt chiếu xộc tới, tôi gấp gáp che mặt, ngoảnh đầu. Nhìn thấy một chiếc ô tô đang lao thẳng đến với vận tốc thật nhanh, thoáng chút đã rất gần, bánh xe lăn qua khỏi vạch dừng chờ đèn đỏ, dường như nó không có dấu hiệu phanh lại và cũng chẳng hề bấm còi.
Lúc phát hiện ra điều bất thường thì khoảng cách đã thu hẹp vào vùng nguy hiểm, không còn kịp để tôi tránh đi nữa.
Tôi sững người trong giây phút đối mặt với tử thần, tay vô thức che chắn trước bụng, bộ não gần như ngừng hoạt động chỉ còn là một khối trắng phau, vô dụng.
Thình lình có bóng người vụt tới, trước mắt tôi phủ kín màu đen kịt, không nhìn thấy gì, ai đó đã kéo tôi nằm ngã vào trong lề đường.
Tiếng động cơ rú lên rồi chạy vèo qua khiến tôi kinh hồn bạt vía, khi âm thanh đáng sợ ấy đi xa tôi mới biết cơ thể mình đang run rẩy, tay chân lạnh toát như vừa bước ra từ nhà xác.
Định thần lại, tôi ngước nhìn người vừa cứu mạng mình, anh ta dùng cánh tay to lớn bao bọc lấy tôi, bằng lòng làm chiếc đệm thịt nâng đỡ tôi khỏi va chạm xuống mặt đường sần sùi, thô cứng.
Trong ánh đèn đường nhập nhoạng thiếu sáng, tôi không thể nhìn kỹ được mặt đối phương.
Chỉ biết đó là một người đàn ông cao gầy, mặc một bộ đồ thể thao tối màu, mũ áo khoác trùm qua khỏi đầu và đeo khẩu trang đen. Cảm giác hơi quen thuộc, đặc biệt là mùi hương dìu dìu tỏa ra trên người anh ta. Thứ tôi ghi nhớ sau cùng là đôi mày thanh dài đẹp như điêu khắc.
Khi mọi thứ đã an toàn, người đàn ông lập tức bật dậy, không nói câu nào liền xoay lưng rời đi.
Tôi vụng về đứng lên, đuổi theo anh ta:
“Anh ơi, cảm ơn anh…”
Người đàn ông tiếp tục tiến về phía trước, đầu chẳng ngoái nhìn, cứ như không nghe thấy gì.
Tôi lấy làm lạ, phải chăng giọng mình chưa đủ lớn? Nghĩ thế, nên tôi chạy theo anh ta, muốn nói một tiếng “cảm ơn” cho đàng hoàng. Nhưng càng gọi, người đàn ông đó càng bước nhanh hơn, cứ như sợ tôi sẽ đuổi kịp.
Đến ngã tư tiếp theo, anh ta vội lẫn vào đám người đi bộ đang dừng chờ đèn đỏ trên vỉa hè, rồi hoàn toàn biến mất.
Tôi đành lững thững trở về nhà, suốt đêm ấy hình ảnh nguy hiểm vừa rồi luôn hiện lại nhiều lần trong tâm trí, đặc biệt là dáng vẻ của người đàn ông kia, khiến tôi suy nghĩ mãi không thôi.
Cũng bắt đầu từ hôm đó, xung quanh tôi có vô số chuyện kỳ lạ xảy ra.
Một ngày trong tuần, tôi đi ngang qua cửa hàng bán quần áo, trông thấy họ trưng bộ váy bầu rất đẹp, là sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng chuyên thiết kế trang phục dành cho mẹ và bé.
Tôi đã định mua nó, nhưng nhìn xuống bảng giá bên dưới khiến tôi hơi xót ví. Nghĩ đến lúc sinh con sẽ tốn kém rất nhiều chi phí, nên biết tiết kiệm một chút, dùng tiền vào chuyện quan trọng hơn.
Vậy là tôi tự an ủi mình, gói ghém yêu thích cất giữ trong đáy mắt, đứng ngắm hồi lâu trước cửa hàng quần áo mới tiếc nuối rời khỏi.
Đến chiều tan làm, tôi lại đi ngang qua cửa hàng đó, không nhịn được đã nhìn thêm lần nữa.
Tôi há hốc mồm, phát hiện bộ váy có giá trị bằng cả tháng lương thu ngân của tôi đã bất ngờ giảm đến chín mươi phần trăm. Ngớ ngẩn tới mức tôi đã tự vỗ mạnh vào mặt mình, còn ngỡ bản thân đang bị hoa mắt.
Cô chủ cửa hàng vui vẻ nói với tôi rằng nhân dịp sinh nhật hai tuổi của con mèo cưng nhà cô ấy, nên đã quyết định giảm giá để ăn mừng.
Điều khó hiểu nhất là, người bị dị ứng với lông thú cưng lại thích nuôi mèo. Cô chủ cửa hàng quần áo liên tục hắt hơi, trên tay nổi đỏ những vết cào cấu từ móng vuốt của nó, nhưng cô ấy khẳng định vẫn yêu chú mèo không mấy thân thiện của mình.
Mua được giá hời, tôi chẳng nghĩ ngợi nhiều, lập tức mang bộ váy xinh đẹp khiến tôi vương vấn đó về nhà. Cả ngày hôm ấy tâm trạng tôi vui như được mùa.
Hàng xóm cạnh nhà tôi có thói quen hát karaoke vào mỗi chiều đến hơn chín giờ tối mới chịu dừng. Nhưng dạo gần đây anh ta thất nghiệp, rảnh rỗi ở nhà nên chiếc loa hoạt động không ngừng nghỉ.
Mấy ngày liên tục hát hò đến tận hai, ba giờ sáng, khiến tôi chẳng sao ngủ được, lúc nào đi làm cũng trong bộ dạng phờ phạc, không có chút tinh thần.
Dù những hộ sống gần có góp ý bao nhiêu lần, người đàn ông đó vẫn dửng dưng bỏ ngoài tai.
Đến một ngày anh ta đột nhiên vô cùng yên tĩnh. Hỏi những người khác sống cạnh mới biết, hai ngày trước anh ta đã bán căn nhà ấy rồi, nhưng chủ mới không biết mua lại để làm gì, chẳng thấy dọn đến cũng không cho thuê.
Sáng nay khi tôi chuẩn bị tới chỗ làm, vừa ra khỏi cổng mới phát hiện ổ khóa đã hỏng, định bụng chiều sẽ gọi cho thợ đến sửa.
Nhưng kì lạ là, sau khi tôi tan làm về nhà, ổ khóa bỗng nhiên bình thường trở lại, giống như chưa từng bị vấn đề gì cả.
Tôi bắt đầu hoài nghi, sang hỏi thăm thím Chu đang sống bên cạnh. Thím ấy nói lúc sáng có thấy một người đàn ông trẻ tuổi, anh ta giới thiệu là bạn tôi, bảo rằng đến giúp tôi sửa ổ khóa.
Nghe qua những gì thím Chu miêu tả, tôi mơ hồ phác họa dáng vẻ anh ta trong đầu mình, có thể là một “người quen cũ”.
Nhưng trong tình hình hiện tại vì lý do gì khiến anh ta tìm đến tận đây? Cách nghĩ này thật quá hoang đường. Nói không chừng là Lệ Phong thì sao.
Tôi bắt đầu suy nghĩ xa hơn, đáng sợ hơn. Liệu tôi có đang bị người nào đó theo dõi, một kẻ lạ thích trêu chọc bằng những trò đùa oái oăm, cũng có khi là một tên biến thái.
Mười giờ đêm, tôi buông quyển sách đang đọc xuống sô pha, lúc chuẩn bị tắt đèn đi ngủ, tôi thoáng nhìn qua cửa sổ, phát hiện có một người đang đứng lấp ló ở trước cổng nhà mình.
Linh tính mách bảo, hắn rất có thể là kẻ đã làm những chuyện kỳ quặc xung quanh tôi mấy ngày qua. Tôi chợt nảy ra một ý, quyết định vạch trần anh ta.
Tôi vờ như mọi khi, đóng cửa lại và tắt đèn đi ngủ. Rồi âm thầm lẻn ra ngoài sân sau, cẩn thận di chuyển ra bên hông nhà nấp ở khóm hoa nhài xum xuê lá. Cầm theo gậy gỗ để phòng vệ.
Chậm rãi đi tới phía sau lưng anh ta, tôi cố gắng bước thật nhẹ không để phát ra bất kì âm thanh nào. Vừa hồi hộp vừa lo sợ, tim tôi đập thình thịch như đánh trống. Người đàn ông vẫn chưa hay biết gì, đang thò đầu quan sát vào trong nhà.
Tôi lấy hết can đảm, vừa hét lên, vừa đánh túi bụi vào người anh ta:
“Biến thái, có biến thái.”
Người đàn ông bị đánh trúng nhiều nhát gậy, anh ta túm được cây gỗ trong tay tôi.
Lúc hai bên giằng co kịch liệt, tôi nhanh chóng kéo khẩu trang của anh ta xuống. Vừa nhìn thấy gương mặt người đàn ông, hô hấp của tôi gần như ngừng lại.
Môi tôi mấp máy:
“Tịch Đông, sao lại là anh?”