Mẹ đơn thân phải lòng sếp tổng (Lan Rùa) - Chương 77
Bách Niên Tâm Ý [77] – KẾT
…
Chỉ là mộng thôi, cớ sao lại có thể khiến em sợ hãi đến vậy? Em còn chưa kịp nguôi ngoai thì đã bị cuốn vào một kiếp sống khác. Ở nơi ấy, em cũng được gả cho sếp. Ngày mới vào phủ, sếp lạnh nhạt với em lắm, nhưng em dựa vào sự kiên định của mình, rốt cuộc cũng cảm hoá được sếp. Chỉ là, chẳng hề có chuyện hạnh phúc trăm năm. Em đã trông thấy sếp ôm em, gương mặt sếp lộ rõ vẻ thất kinh, sếp đau đớn gọi tên em trong tuyệt vọng. Nghe tiếng gọi thê lương ấy, tim em đau như bị dao cắt. Cả người em lạnh toát, em cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi những giấc mộng tàn khốc, nhưng chúng cứ lặp đi lặp lại, bức em đến kiệt quệ. Em sợ lắm chúng sẽ cuốn em đi mãi. Em sợ em sẽ không bao giờ được gặp lại sếp nữa. Em sợ cảnh chia ly mà không được nói lời từ biệt. Thật kỳ lạ là trong cơn hoảng loạn, em vẫn cảm nhận được có người đang xoa đầu em, dịu dàng vỗ về em:
– Ý của Tâm mơ thấy gì vậy? Một giấc mộng không đẹp à em? Đừng sợ. Chỉ là mộng thôi, không phải thực. Không sao đâu em. Trong thực tại, tôi vẫn luôn ở đây, bên em.
– Ý! Em ở ngay bên cạnh tôi, vì đâu tôi lại nhớ em nhiều đến thế?
– Ý à! Ý nhớ Tâm chứ?
Em rất nhớ Tâm! Nhớ lắm! Em rất muốn nhìn thấy gương mặt thân thương ấy. Tiếc rằng, mi mắt em trĩu nặng. Em như bị rơi vào một chiếc hố đen không đáy. Ở đó, em lạc lối chẳng thể tìm thấy đường ra, em khóc nấc. Hình như trong thực tại, nước mắt em cũng chảy. Em cảm nhận được đôi môi mềm mại của sếp chạm vào má em.
– Ý! Em nghe thấy tôi nói, phải không?
Ước gì em có thể đáp lời sếp, nhưng em cứ như một khúc gỗ im lìm. Nước mắt em chảy nhiều hơn. Sếp hôn môi em, nhẹ nhàng động viên:
– Không sao. Không sao đâu. Sẽ ổn thôi em. Tôi và em… chúng ta… dù ở kiếp nào đi chăng nữa…cũng sẽ ở bên nhau thôi.
Sếp nắm chặt tay em. Có lúc, sếp xoa tay cho em. Có lúc, sếp hôn nhẹ lên mu bàn tay của em. Đôi khi, em lại cảm thấy như là đôi bàn chân của mình đang được xoa bóp. Sự hoảng loạn dần được thay bằng cảm giác bình an. Chỉ là, có vẻ như sự yên ắng của em đã khiến sếp mất bình tĩnh. Em nghe thấy giọng nói đầy xót xa của người thương:
– Ý này! Thực ra… trước kia… em đã đánh giá tôi hơi cao rồi. Tôi không phải là kiểu người trong bất kỳ tình huống nào cũng có thể giữ được bình tĩnh như em tưởng đâu. Tôi chỉ cố làm ra vẻ như thế thôi. Những lần chúng ta bất đắc dĩ phải chia xa, những lần em ở bên Tú, và cả những lần em thân thiết với đồng nghiệp khác giới, tôi đều không ổn.
– Em đoán xem, hiện tại, tôi có ổn không?
– Tôi đang rất hối hận. Lẽ ra, tôi đi đâu cũng phải đem theo em. Lẽ ra, tôi nên ở bên cạnh em, mọi lúc, mọi nơi.
Tội nghiệp sếp, có phải lỗi của sếp đâu, tại em khờ dại không đề phòng kẻ ác để rồi rước hoạ vào thân mà. Sếp chắc bị đả kích ghê lắm nên lúc em tỉnh lại, sếp ôm em rất chặt. Mặt sếp ghé sát vào mặt em, mũi cọ mũi, môi cọ môi, mắt sếp đỏ hoe. Sếp thủ thỉ nịnh em:
– Giỏi lắm bé! Thương em lắm!
Em ứa nước mắt. Các chị của sếp nhao nhao trêu chọc:
– Khiếp thôi! MV của chị đứng top trending mấy tuần liên tiếp mà cũng chẳng được cậu út khen giỏi. Cậu út thiên vị em Ý quá đi mất thôi!
– Dì sáu lại so sánh khập khiễng rồi. Người ta vượt qua cơn nguy kịch nó phải khác cái top trending hư ảo của dì chứ.
– Đâu có nguy kịch đâu chị tư! Bác sĩ bảo hai em bé vẫn ổn, mẹ Ý ngoài vết thương ở vai ra thì cũng không có gì nghiêm trọng mà.
Em thở phào nhẹ nhõm, theo bản năng đặt tay lên bụng vỗ về con. Bàn tay rộng lớn của sếp ôm lấy bàn tay nhỏ bé của em, tình cảm vô cùng.
– Thì ai chả biết thế, nhưng cái giống yêu nhau là chúng nó hay thích thổi phồng vấn đề lên lắm. Dì không thấy anh út nhà mình đau đớn quằn quại như thể sắp mất vợ đến nơi rồi à? Đối với anh, vợ rụng một sợi tóc thôi cũng là nguy kịch. Vợ húp được thìa cháo ấy chính là thiên tài.
Em cứ tưởng chị tư chỉ nói quá lên thế thôi, ai ngờ sếp em so với lời chị phản ánh thì cũng một chín một mười. Lúc đút cháo cho em, sếp thường hay khen ngợi:
– Ý của Tâm giỏi ghê!
Bà Nương cười tủm. Bấy giờ, em mới để ý thấy bà Nương, ông Tựa, ba mẹ sếp cùng các chị đều đến bệnh viện thăm em. Hồi nhỏ, em bị thiếu thốn tình thương nên bây giờ có nhiều người quan tâm đến mình, em vui lắm luôn. Em hồi phục nhanh thần tốc. Nghe chị sáu và chị bảy buôn dưa, em mới biết vào ngày em gặp nạn, sếp họp xong, gọi cho em hơn chục cuộc nhưng không được. Sếp sốt ruột gọi cho hai chị, nhờ các chị tới cửa hàng váy cưới Bình Yên tìm em, còn sếp thì tức tốc bay về nước.
Lúc hai chị tới cửa hàng, con Su đang nằm bất tỉnh trên sàn nhà, trán nó đầy máu. Thấy chiếc thang gấp bị đổ và chiếc chổi nhỏ trong tay nó, chị bảy đoán nó bị ngã trong lúc quét mạng nhện. Chị sáu tìm thấy em đang hôn mê trong phòng thay đồ. Chị bảo nom chiếc váy trắng tinh bị dính màu máu đỏ thẫm, chị tí xỉu. May mà có chị bảy vẫn đủ bình tĩnh gọi xe cấp cứu đưa em và con Su vào bệnh viện. Cô Sâm hay tin dữ, xót con khóc quá trời. Cô sang phòng em xin xỏ:
– Na! Cô thay mặt Su xin lỗi con rất nhiều nha Na! Su ra nông nỗi này là tại cô tham tiền, nhẫn tâm bóc phốt nó, dồn nó đến đường cùng chứ không phải tại con. Cô đã xin lỗi Su rồi. Dạo này, nom nó gầy như que củi, cô xót quặn thắt ruột gan. Hai mẹ con cô biết sai rồi Na ạ. Cô biết hành động của Su là không thể chấp nhận được. Nhưng mà, lúc đó nó say rượu nên bị mất kiểm soát con à, nó cũng bị quả báo rồi. Tình trạng của nó hiện tại rất tệ, cô rất lo. Cô sợ phen này nó lành ít dữ nhiều. Cô cắn rơm cắn cỏ cô lạy con, mong con tha thứ cho nó, để nó đỡ nghiệp xấu. Chỉ cần nó qua được ải này, khi nào nó khỏe mạnh trở lại, cô nhất định sẽ bắt nó chịu trách nhiệm về những việc nó đã làm.
Em chẳng yêu quý gì con Su đâu, nhưng em vẫn chấp nhận tha thứ cho nó, cũng chính là cho bản thân em một lối thoát. Bởi vì, em còn hận nó thì em còn phải nghĩ đến nó. Em không muốn dành thời gian quý báu của mình cho một kẻ không xứng đáng. Em chả thèm chửi nó, cũng chả thèm chủ động nhắc đến nó. Mấy tháng sau, nghe con Đậu báo tin nó ở trong trại giam ngày ngày thực hành sám hối, em chẳng có cảm xúc gì đặc biệt cả, không thương xót, cũng chẳng hả hê. Vai em khỏi đau nhức rồi, đối với em, nó bây giờ chỉ là một cái bóng vô tri mà thôi.
Có ai ham hố như em không? Bụng chửa to tướng rồi mà vẫn chăm chỉ lên kế hoạch tổ chức đám cưới. Sếp khuyên em đẻ xong rồi cưới cho thư thả, nhưng em nhất quyết không chịu. Cưới chồng đẹp trai là phải cưới liền tay mấy chị ơi, lâu la kề cà sốt ruột lắm, em chịu không nổi. Do đám cưới của em diễn ra trước ngày dự sinh nửa tháng nên sếp cẩn thận thuê ba bà đỡ rồi đích thân đưa bọn họ về quê với em. Em phì cười ca thán:
– Sếp của em lo xa như ông già ý!
– Nếu ông già này không thương bé thì cũng chả phải lo thế đâu.
Nghe cái giọng là biết dỗi rồi, em phải thơm cho mấy cái mới chịu cười tủm.
– Thôi, muộn rồi, sếp mau lên Hà Nội đi cho nó sớm sủa, mai còn về quê rước dâu.
– Chả rước nữa.
Sếp trêu. Em bĩu môi bảo:
– Không rước thì mất cả trâu lẫn nghé!
Sếp phì cười. Sếp ôm em mãi rồi mới chịu rời đi. Chị Hoài trêu bọn em:
– Khiếp thôi! Mai lại gặp nhau rồi mà Tâm làm Hoài tưởng như Tâm chuẩn bị xa vợ cả thế kỷ ý!
Chị Hoài là người thiết kế váy cưới cho em. Chị bảo ai chứ vợ Tâm thì chị phải chăm sóc chu đáo rồi. Có chị ở đây, em cũng an tâm, ngày mai nếu váy vóc có vấn đề gì thì chỉ cần ới chị. Chồng chị, anh Niệm là đối tác lâu năm của sếp em. Chị Hoài không về cùng anh Niệm, nhưng chị cũng có thèm nhớ chồng đâu mà. Chị ngồi đánh bài với bọn em hăng máu lắm. Tầm mười giờ tối, anh Niệm bất thình lình xuất hiện, rón rén đi tới bên chị, ngồi ngay đằng sau chị. Ngặt nỗi, chị vô tư chẳng biết gì sất. Phải nửa tiếng sau, anh Niệm giận dỗi véo má vợ, chị mới giật mình, quay lại hỏi han:
– Ơ? Tưởng đấy bận ký hợp đồng lớn?
– Ký xong rồi.
– Ký xong rồi sao không về nhà nghỉ ngơi? Lọ mọ về quê em Na làm gì? Nhớ đây quá hả?
– Thèm vào mà nhớ. Người ta sợ đấy đánh bài ngu, thua ê chề nên mới chiếu cố về đây để giúp đấy thôi.
– Vậy à? Thế thì đây cũng xin thừa nhận luôn là đây đang thua thật, tại bé Na và bé Đậu đánh bài hay quá. Đây và Mía bị dập cho không ngóc đầu lên được.
– Đây biết năng lực của đấy đến đâu mà, không cần đổ tại ai cả.
– Đây chỉ có thế thôi! Đấy giỏi thì đấy thể hiện đi!
Chị Hoài thách thức. Anh Niệm cười khẩy ngồi vào chiếu bài. Có anh Niệm hỗ trợ, con Mía tự tin dập em và con Đậu tới bến. Tụi em phải gọi là thua thảm hại, thua không ngóc đầu lên được. Mía yêu cầu Đậu nhảy múa quanh nhà. Bị phạt mà Đậu vui dễ sợ, lâu lắm rồi em mới thấy nó cười rạng rỡ như hôm nay. Hồi đại học, em ngưỡng mộ nó lắm, thi thoảng cứ ước sẽ có ngày mình được xếp thứ nhất như nó. Bây giờ, em mới hiểu ra đứng ở vị trí nào cũng có mưa và có nắng. Thành tích của nó ở công ty nổi bật quá nên suốt ngày bị soi mói thôi. Nhiều khi cùng một câu đó, người khác nói thì không sao mà cứ hễ nó thốt ra liền bị quy cho tội con trẻ ranh ngáo quyền lực không tôn trọng đồng nghiệp. Càng lên cao càng áp lực, muốn đạt được hạnh phúc thực sự thì thay vì dựa dẫm quá nhiều vào những thứ hạng hào nhoáng bên ngoài, chúng ta cần phải học cách cảm nhận vị ngọt của cuộc sống thông qua những điều bình dị nhất.
Em đang mang bầu nên con Mía tha cho vụ nhảy múa, cơ mà nó lại chơi khăm bắt em phải thử thách chú rể của mình, xem sếp tin tưởng em đến đâu. Nó lên kịch bản hết rồi, em chỉ cần diễn theo thôi. Sáng sớm hôm sau, bạn bè em về đông đủ cả, đứa nào cũng tấm tắc khen kịch bản của con Mía chất như nước cất. Toàn các nền anh nền chị có vị trí rất cao trong sự nghiệp rồi mà vẫn còn trẻ trâu, thấy chú rể vào buồng đón dâu liền như kiến bu kín bậu cửa sổ, hồi hộp hóng hớt. Thôi thì em cũng chiều lòng tụi nó, em mếu máo diễn:
– Sếp! Em… có một chuyện… trước khi chúng ta cưới nhau… em nhất định phải nói… thực ra… trong thời gian yêu sếp… có một dạo… em rất hay qua đêm ở nhà thằng Tú.
Em diễn dở quá hay sao mà em thấy khoé môi sếp khẽ cong lên. Tuy nhiên, sếp vẫn bình thản bảo:
– Thảo nào dạo đó mặt em có nhiều vết muỗi đốt.
Sếp không hề nổi điên, cũng không tra khảo đầu cua tai nheo, hại em ứ thể triển khai kịch bản của con Mía. Em nhìn nó cầu cứu. Nó khẽ lắc đầu như thể muốn bảo em rằng mày tuỳ cơ mà ứng biến đi Na. Em rối quá nói liên thiên:
– Cũng tại nhà thằng Tú không có màn sếp ạ.
– Vậy sau này, nếu qua đó ngủ, em nhớ mang màn theo.
– Vâng… ơ… còn có sau này… cơ ạ? Sếp không giận em à?
– Không em ạ, tôi nào dám.
– Vậy sếp có ghen không?
– Nhờ em chuyển lời tới bạn Mía rằng tôi có biết ghen là gì đâu.
Mọi người cười ồ lên. Sếp tủm tỉm chìa tay ra. Em cũng tủm tỉm nắm tay sếp. Chú rể của em đẹp trai kinh dị luôn các chị ơi. Vì lý do công việc, sếp mặc vest thường xuyên, nhưng chả hiểu sao trông thấy sếp trong bộ vest chú rể, em cứ bị rung rinh chứ. Người đâu mà phong độ quá thể đáng, hại em không thể rời mắt được.
– Biết thế em đợi đẻ xong mới cưới cho đỡ béo, đứng cạnh sếp cho nó bớt phèn.
Sếp bẹo má em, ngọt giọng dỗ dành:
– Béo xinh mà.
– Vậy gầy không xinh ạ?
– Gầy cũng xinh.
– Thế lúc nào không xinh ạ?
– Miễn là Ý thì lúc nào cũng xinh.
Cháu rể của bà Nương có khác, phát ngôn chất quá cơ. Bà Nương cũng chẳng hề kém cạnh đâu nhá!
– Kính thưa các nền anh nền chị, khi quyết định tổ chức đám cưới cho bé Na ở quê, thật lòng em có chút lăn tăn. Tại cháu nó sắp đẻ rồi, em sợ các nền anh nền chị dè bỉu nó. Nhưng sau một hồi cân nhắc, em lại ứ sợ nữa. Cuộc sống đa sắc màu, mỗi người một quan điểm, ai chê thì họ cứ chê, việc của mình thì mình cứ làm thôi. Phàm là những kẻ hay mở mồm ra chê bai người khác thì cũng có tốt đẹp gì đâu mà em phải lấy họ ra làm thước đo, sống theo chuẩn mực của họ. Các nền anh nền chị thấy có phải không ạ?
Mọi người đồng thanh hô to chị Nương nói chỉ có chuẩn, rôm rả kinh khủng. Trong khoảnh khắc náo nhiệt nhất, hai đứa nhà em lại đòi ra mới oái oăm chứ. Em lại đẻ trước ngày dự sinh rồi các chị ơi. Vẫn như lần trước, còn chưa kịp đến bệnh viện, em đã đẻ xong rồi. May mắn là lần này mẹ tròn con vuông, mừng rơi nước mắt các chị ạ. Ba bà đỡ cứ trêu em phước lớn, phụ nữ nhiều người đau đẻ mấy ngày, còn em đẻ dễ như ăn kẹo. Công nhận, phước của em lớn thật, em có người chồng thương em quá chừng. Em mệt, mắt hơi lờ đờ thôi mà cũng khiến sếp căng thẳng.
– Ý! Em sao vậy Ý? Ý!
Bà Nương tươi cười bảo:
– Đàn bà dù khoẻ đến đâu thì đẻ xong cũng mất sức mà, không sao đâu cháu rể cưng!
Sếp thở phào giãi bày:
– À vâng, con lo quá nên quên mất ạ!
Sếp em lắm lúc cũng buồn cười. Em ngủ một giấc sâu, tỉnh dậy thấy khoan khoái hết cả người, em rủ sếp mau về nhà chồng thôi mà sếp ứ chịu. Sếp ở quê chăm con với em. Một tháng sau, tụi em mới về nhà sếp. Các chị trêu sếp có quả rước dâu lâu nhất trong lịch sử gia đình. Ba mẹ chồng em trước đó đã về quê thăm cháu mấy lần rồi, nhưng khoảnh khắc Tâm Hoan đẹp trai và Tâm Lạc xinh gái chính thức về nhà, ông bà vẫn xúc động nghẹn ngào. Được bà Nương, mẹ Lành và chồng yêu ra sức tẩm bổ nên sữa mẹ về nhiều, hai bé bụ bẫm lắm luôn. Em từng làm mẹ đơn thân, hiểu rõ chăm con nít một mình vất vả như nào nên em thấy trân quý từng khoảnh khắc trong hiện tại, khi mà bên em luôn có một người đàn ông ấm áp, sẵn sàng bao bọc và che chở cho ba mẹ con em. Các cụ nói cấm có sai, phải nếm trải khổ đau thì mới biết mùi hoan lạc. Có người để thương, có người thương mình, chúng ta cùng ở bên nhau, sống một cuộc đời thong dong, tự do, tự tại, đối với em vậy là may mắn rồi.
Hai đứa con nhà em lanh lợi lắm.
Mới lên hai tuổi, mồm mép tụi nó đã liến thoắng suốt ngày. Hai bé thích Tết thôi rồi, tại Tết thì anh chị nhà các bác kéo về đông đủ, tụi nó thích náo nhiệt mà. Em cũng thích Tết lắm. Em mê cái không khí se se lạnh của những ngày giáp Tết ở miền Bắc. Em yêu lắm những cơn mưa phùn dịu êm, những chồi lộc non xanh mơn mởn và cả những giây phút hớn hở chạy theo sếp đi cắt cành đào về trưng bày. Trong vườn đào Tâm Tình có một tấm bảng gỗ cũ kỹ. Em nghe đồn thuở xưa, có người đã dùng kiếm khắc chữ lên tấm bảng này, sau đó hắn dùng chính máu của mình để tô đậm từng nét chữ. Em không biết đọc chữ cổ. Trong suốt những năm qua, em đã luôn tò mò, nhưng phải đến tận hôm nay, sếp mới chịu tiết lộ cho em biết tâm tư của người xưa.
“Kiếp này, ta vì cố chấp mà bỏ lỡ nàng. Vạn kiếp sau, nếu có duyên gặp gỡ, ta nguyện một lòng thương nhớ, chỉ xin nàng đừng thờ ơ.”
Sống mũi em cay cay. Em hỏi sếp trong vạn kiếp sau, liệu họ có duyên gặp gỡ? Sếp hôn trán em, dịu dàng bảo người còn trong tim, ắt sẽ có ngày tái ngộ. Em an tâm mỉm cười, gió xuân đưa hương hoa đào thoảng qua chóp mũi, tiết trời sao mà trong veo đến thế?
Em có chút áy náy vì em gặp các chị trong giai đoạn em còn chưa chín chắn. Giá như em giác ngộ sớm hơn thì có lẽ em sẽ mắc ít sai lầm hơn, các chị cũng không phải muộn phiền khi nghe em kể về những đắng cay của cuộc đời mình. Nhưng biết làm sao đây? Bao nhiêu phen trầy trật trong quá khứ mới nhào nặn nên em kiên cường của ngày hôm nay. Đi qua hàng vạn đau thương cùng một tấm lòng hướng thiện mới tạo nên một trái tim rộng lớn biết bao dung. Gặp được nhau âu cũng là do duyên số, biết đâu duyên phận cho chị em chúng mình gặp gỡ lúc gian truân, để chúng mình cùng nâng đỡ nhau thì sao?
Đời người lên voi xuống chó, có thăng thì phải có trầm, ai cũng muốn ngọt bùi thì cay đắng để phần ai? Đôi khi chúng ta khổ là bởi vì chúng ta chịu không nổi cảnh ngoài kia ai cũng thuận buồm xuôi gió, chỉ có chúng ta phải đối diện với bão giông. Nhưng biết đâu chúng ta đang có một thiếu sót gì đó nên vũ trụ mới phải gửi nghịch cảnh tới để dạy cho chúng ta một bài học thì sao? Có người nghĩ rằng vật chất danh vọng đổ về dồn dập mới là một năm thành công, còn khi bị thiệt hại một trong những thứ đó thì cuộc đời sẽ xuống dốc. Em thấy không hẳn là như vậy, mất đi những điều kiện thuận lợi nhưng chị em chúng mình vẫn điềm nhiên mỉm cười thì chứng tỏ trái tim của chúng mình vững chãi biết bao, sự mạnh mẽ này dù có bao nhiêu của cải cũng không đánh đổi được.
Cảm ơn các chị vì đã đồng hành cùng em trên chặng đường đầy chông gai này. Em thực sự không muốn nói lời chào tạm biệt, nhưng cuộc đời có hợp có tan. Thế sự vô thường, người cho dù không gặp gỡ, vẫn luôn ở trong tim. Chỉ cần chị em chúng mình bình an thì chuyện khó đến đâu rồi cũng sẽ có cách tháo gỡ. Em mong các chị dẫu đi trên đoạn đường nào cũng sẽ vẫn giữ được tâm sơ như thuở ban đầu. Em hy vọng các chị dẫu đứng trên đỉnh cao danh vọng, trong tim vẫn còn một góc nhỏ nhoi đầy trong trẻo. Em thương quý các chị thật nhiều! Em chúc các chị vạn sự như ý, hạnh phúc tròn đầy!
***
Hết
30.10.2023
Île-de-France, một ngày mưa phùn, tiết trời se se lạnh và trong tim ai đó vẫn luôn đau đáu ôm theo dáng hình của người xưa hì hụi gói bánh chưng, làm dưa hành và tỉa lá đào trong những ngày giáp Tết ở Sơn Nam.