Mạn Thiên Hoa Vũ - Thường Yên - Quyển 2 - Chương 82: Rày nắng mai mưa
Truyện Kiều:“Sinh rằng: rày gió mai mưa, Ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi!”
–
Dạo gần đây Trần Thuyên thường hay thở than với tôi rằng dường như những tháng ngày của hiện tại mới là thời điểm mà tình yêu giữa chúng tôi nở rộ. Biết thế… biết trước… giá như… có thể đưa tôi vào cung sớm hơn, tránh phải chịu cảnh hồng nam nhạn bắc.
Mỗi ngày, tôi luôn có mặt tại tẩm điện của hoàng đế, chào đón Trần Thuyên thượng triều trở về. Còn anh lại hình thành một thói quen: Ngay sau khi bước chân qua bậc cửa là lập tức ôm chầm lấy tôi, để tôi tựa cằm vào vai anh, giữ như vậy một lúc thật lâu.
Có khi Trần Thuyên vùi mặt vào hõm vai tôi hít hà, đùa bảo: “Đỡ mệt rồi. Không cần ăn cơm nữa!”
Sau đó tôi sẽ chiều theo, tuyệt đối không giãy giụa đòi buông, chỉ đơn giản đưa tay lên khẽ lướt qua vết sẹo trên tai anh.
Vết sẹo… do tên bắn ngày ấy.
Điều này là minh chứng cho việc không phải tôi đã cứu mạng Trần Thuyên mà gần như ngược lại: Vì tôi ở sát cạnh anh nên mới gặp tai nạn.
Nhưng dẫu tôi xui xẻo hay bởi bất cứ nguyên do nào khác, mũi tên ngày ấy cũng đã khiến số phận của Đoàn Niệm Tâm này chuyển hướng, gắn chặt với vị hoàng đế trẻ tuổi lưu danh trong lịch sử.
Hơn sáu năm, khi bèo trôi sóng vỗ, vẫn có lúc biển lặng trời trong.
Cuối cùng tôi yên ổn nơi gấm vóc lụa là, tự dặn bản thân phải tin tưởng rằng chỉ cần ở phía sau lưng Trần Thuyên, bên trong những bức tường kiên cố của cấm cung thì mọi mưa sa bão táp sẽ đều ngừng lại.
Liệu đây đã là cái kết có hậu dành cho tôi? Vậy còn gián điệp trong Dạ Hành, kẻ đứng sau giật dây Thái An vương và Dần… ai sẽ lôi chúng ra ngoài ánh sáng, trả lại công bằng cho Đông Ly của tôi đây?
“Niệm Tâm… cô thấy khó chịu ở đâu à?”
Hai bên thái dương đau nhức dữ dội, tôi nhắm hờ mi mắt, hít một hơi thật sâu.
Thánh Bà vốn đang cúi đầu đọc sách, từ lúc nào đã ngẩng lên, để ý thấy sắc mặt nhợt nhạt của tôi. Trước sự lo lắng chẳng mấy rõ ràng từ Thánh Bà, tôi chỉ khẽ khàng lắc đầu: “Cảm ơn Phu nhân, tôi vẫn ổn.”
Nàng mỉm cười, không gạn hỏi thêm.
Khi bắt đầu suy tính cho bản thân, tôi nhận ra ngày tháng trước mắt còn quá dài. Tương lai của tôi không thể chỉ có duy nhất Trần Thuyên, dù tôi có muốn, cũng không thể. Rồi sẽ đến ngày tôi phải chuyển ra khỏi lầu Thanh Quang, tránh xa cung Quan Triều… đại khái là chấp nhận một phong hiệu hoa mỹ, chính thức đứng vào “hàng ngũ” hậu phi của Anh Hoàng.
Dĩ nhiên… đây chưa bao giờ là thứ mà tôi mong mỏi.
Nguyện cho Nguyễn Từ Niệm Tâm sớm ngày được trở về.
Tôi còn nhớ y nguyên điều ước Giao Thừa mà mình giấu kín, khi cùng Trần Thuyên thả đèn hoa đăng ở hồ Thuỷ Tinh. Nó vẫn luôn quanh quẩn, trở thành một nỗi đau dai dẳng, không bao giờ biến mất.
Nhưng… tôi biết phải làm sao mới phải đây?
Nâng chén trà sen còn hơi ấm lên ngấp một ngụm nhỏ, tôi cố nén dòng suy nghĩ tiêu cực đang bủa vây, nặn ra một nụ cười gượng gạo với Thánh Bà Phu nhân.
Trước đây Thái hậu đã từng ẩn ý với nàng và Huy Tư, thể hiện rõ ràng quan điểm của bà: Miễn là không ảnh hưởng tới quốc sự và tự quân – tức Thái tử – thì Thái hậu cũng sẽ không quan tâm ai mới là người được Hoàng đế yêu thương.
Hơn nữa, Thái hậu hiểu rõ dù sớm hay muộn thì vị trí “mẫu nghi thiên hạ” nhất định sẽ thuộc về dòng họ Trần của bà, nên tôi có được sủng ái nữa cũng vô dụng.
Đây là sự thật. Chỉ vài năm nữa thôi, Thánh Bà phu nhân sẽ được sách phong Hoàng hậu, trở thành người phụ nữ cao quý nhất hậu cung này.
Tôi muốn tạo dựng mối quan hệ với Thánh Bà… âu cũng hợp lý.
Từ ngoài nhìn vào, có thể coi tôi là người duy nhất có được tình yêu của Trần Thuyên. Còn Thánh Bà, nàng đã trải qua biết bao biến cố chính trị, cái nàng nhìn thấy có lẽ chỉ là nơi thâm cung này chật chội thêm một chút…
Và vì vậy, Thánh Bà phu nhân sẵn sàng chào đón tôi tới điện Thái Định của mình.
Cung nhân hầu cận của Thánh Bà vén rèm đi vào, hạ người hành lễ xong thì nhẹ nhàng thông báo: “Dạ bẩm bà, Quan gia vừa đến ạ.”
Tôi chưa kịp phản ứng, Thánh Bà đã gấp lại trang sách, tay hơi nhấc lên bảo: “Quan gia tới đón cô đấy. Mau về đi.”
Thấy Thánh Bà vẫn giữ yên dáng ngồi, không có vẻ gì là muốn ra ngoài chào hỏi Trần Thuyên nên tôi càng không dám lằng nhằng, vội đứng dậy xin phép cáo lui rồi theo cung nhân rời khỏi điện Thái Định.
Đúng là Trần Thuyên đã ở ngoài, trên người mặc tiện phục, tay chắp sau lưng nhàn nhã chờ tôi.
“Hôm nay Quan gia bớt việc rồi ạ?” Tôi vừa hỏi vừa nhún người hành lễ.
Trần Thuyên không đáp lời, chỉ gật đầu rồi tiến lại gần tôi, thoáng chốc đôi bàn tay đã đan xen từng ngón.
Chúng tôi chậm rãi sóng bước, bóng hai người đổ dưới gót chân, sát cạnh nhau.
Tiết xuân ấm áp, vầng dương tách mây rọi từng mảng sáng trong trẻo xuống, hoa nắng nhảy nhót trên mái tóc, trên cầu vai. Từng cơn gió dịu dàng ùa tới, cây cao hò reo, ngước mắt nhìn lên như thấy vạn cánh bướm xanh đang đùa giỡn.
Trần Thuyên chép miệng luyến tiếc, đã đi qua Vườn Ngự được một lát mà vẫn quay đầu lại, rằng thời tiết đẹp như hôm nay cũng chỉ để vùi đầu trong tấu chương.
Tôi được anh dẫn về điện Đại Minh, Yêm doãn Cao Nghiệp vừa thấy đã cong người thông báo: “Bẩm Quan gia, Phu nhân. Thái y Bân đang đợi bên trong rồi ạ.”
“Ta phải quay lại thư phòng.” Trần Thuyên nghiêng đầu, ôn tồn bảo tôi rồi mới xoay sang Cao Nghiệp dặn dò. “Nói Công Bân chẩn mạch cho Phu nhân xong thì tới báo cáo trực tiếp với trẫm.”
“Vâng, già đã rõ.” Cao Nghiệp cúi sâu, đáp lại.
Hai trung quan trẻ tuổi theo lệnh mở cửa, Phạm Bân phản ứng rất nhanh, vừa khuỵu gối vừa hô lớn: “Quan gia muôn…” nhưng nhác thấy chỉ có tôi thì lập tức đổi lại: “Tham kiến Phu nhân.”
Hắn đã nói hai chữ “phu nhân” mấy lần mà vẫn nghe ra sự gượng gạo, khiến tôi không khỏi buồn cười.
Cao Nghiệp đã theo Trần Thuyên, trong tẩm điện chỉ có thái y Bân, tôi, Ý Nghi và Hồ Yên, trung quan và cung nữ của điện Đại Minh đều đứng ở bên ngoài.
Phạm Bân có thể nể mặt người của Hoàng đế nhưng với chúng tôi thì không, cửa vừa khép đã ba máu sáu cơn mắng tôi như con: “Phí phạm! Thật phí phạm! Rõ ràng là cô giấu Quan gia đổ hết thuốc đi, chứ làm sao mãi mà không khỏe lên được?”
“Ôi chao, Thái y minh giám!” Ý Nghi đứng một bên thay tôi trần tình. “Mỗi lần Phu nhân uống thuốc đều có tôi và em Yên canh chừng, đổ thế nào mà đổ!”
Phạm Bân day day trán, thở dài: “Chẳng lẽ thuốc của ta vô dụng thật?”
Tôi đâu dám bày tỏ thái độ, ngậm chặt cái miệng lại.
“Ta không thể giúp cô mãi được đâu.” Hắn hơi nghiêng đầu, không để Hồ Yên và Ý Nghi trông thấy ánh mắt chứa đầy tâm sự.
“Thì anh cứ bẩm lại đúng sự thật, rằng ta u uất lâu ngày nhưng sức khoẻ lại chẳng có gì đáng ngại…” Tôi khẽ cười.
Phạm Bân trợn mắt lên, dường như đang cố gắng nuốt bảy bảy bốn mươi chín câu chửi thề xuống bụng. Hắn thăm khám xong xuôi, đặt mông ngồi xuống một cái ghế cách tôi vài bước chân, cất giọng hỏi: “Mấy nay ăn uống như nào?”
“Vẫn cố được.” Tôi cúi đầu nhìn ngón tay mình vặn vẹo.
“Giấc ngủ thì sao?”
“Chẳng có gì thay đổi. Thường tôi sẽ dậy trước Quan gia khoảng nửa canh giờ.”
Có một lần tôi tỉnh giấc sớm, nằm mãi mà không ngủ lại được nên mới lặng lẽ ra ngoài ban công đứng một mình. Ngờ đâu trong chốc lát Trần Thuyên cũng tỉnh theo, tìm quanh quẩn không thấy tôi đâu, cả tẩm điện huyên náo…
Phạm Bân cắm cúi ghi chép, chừng nửa khắc sau ngẩng lên nói: “Vậy ta sẽ bẩm với Quan gia là cô ăn uống không ngon miệng.”
Tôi vội chối: “Đâu cần phải làm quá lên vậy…”
“Cô im miệng!” Phạm Bân quát, đập bút xuống bàn một tiếng rầm. Hồ Yên và Ý Nghi đã quen với cách cư xử của hắn với tôi, biết rõ bị thái y này chỉ khẩu xà tâm phật nên không tiến lên ngăn cản. “Hai người ở bên nhau sớm chiều, lý nào Quan gia lại không phát hiện được! Hơn nữa, cô đừng coi thường tay nghề nấu nướng của mấy vị trong ngự trù. Nhỡ đâu nói ra rồi họ lại làm được mấy món hợp khẩu vị cô thì sao…”
Thấy Phạm Bân nổi giận, tôi đành gật gù chấp thuận: “Được rồi, được rồi. Ta nghe theo anh, đừng lớn tiếng nữa kẻo bên ngoài nghe được lại đánh giá cho.”
“Hừ!” Phạm Bân bĩu môi, xắn tay áo tiếp tục múa bút trên trang giấy.
“Cảm ơn Thái y Bân, từ mấy năm trước ta đã được anh và thầy Gia chăm sóc…” Tôi khẽ cười.
“Lắm lời!” Phạm Bân không ngẩng lên, chỉ hé miệng lẩm bẩm. “Chưa tính mệnh lệnh của Quan gia, trong này quá nửa đã là tình cảm của Chi rồi…”
Tôi hiểu, Phạm Bân quan tâm tôi hơn bổn phận, một phần cũng là vì Đỗ Chi. Kể từ ngày trúng độc gần chết, Chi vung roi ép tôi phải uống thuốc đầy đủ… đến nay cô nên duyên vợ chồng cùng Phạm Bân, trở thành dâu thảo vợ hiền nuôi dạy con cháu.
Còn tôi ngây ngốc trong cấm cung, tinh thần rệu rã.
Đối với hai chị em chúng tôi, đây… cũng là một chặng đường thật dài.
…
Đầu tháng ba, Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn quay trở lại kinh thành Thăng Long sau chuyến “công tác” dài ngày.
Chẳng còn bao lâu nữa công chúa Huyền Trân sẽ được gả tới Chiêm Thành, thông tin này tuy chưa được ấn định nhưng những ai cần biết đều đã nắm rõ. Huyền Trân gần như chuyển về cấm cung sống, phần lớn thời gian ở lại Bắc cung* bầu bạn cùng Thái hậu.
[*] Bắc cung: Chỉ cung của Thượng hoàng, ở đây là cung Thánh Từ
Thi thoảng cô mới ghé qua lầu Thanh Quang nhưng lần nào cũng sống chết đòi ở lại qua đêm với tôi. Trần Thuyên không có cách nào từ chối cô em gái sắp phải đi lấy chồng xa, xem chừng có đôi chút phiền muộn vì chuyện này.
Trước khi Ý Nghi thổi tắt đèn, cả tôi và Huyền Trân đều đã yên vị trong chăn ấm.
Cô không hề có dáng vẻ của người sắp đi xa, trừ việc luôn muốn quấn quýt bên cạnh Thái hậu ra thì lúc nào trên môi cũng thường trực một nụ cười. Chẳng ai thấy nét buồn vương trong đôi mắt cô, kể cả tôi.
Cách Huyền Trân che giấu tâm sự rất chuyên nghiệp. Tôi tự hỏi, cô phải tự chống đỡ như thế nào để vẫn có thể bày ra vẻ mặt tươi tắn như hoa… trước vận mệnh quá đỗi tàn nhẫn của bản thân nhỉ?
“Theo chị… Quốc vương của Chiêm Thành là người thế nào? Hình như ông ấy còn già hơn cả cha nữa.” Đêm lặng như nước, Huyền Trân thì thà thì thầm bên tai.
Tôi đang bận thương cảm cho số phận của Huyền Trân, cả hiện tại và kết cục trong tương lai, không có tâm trạng suy đoán nên đáp qua loa: “Ừm… ta cũng không biết nữa.”
“Ồ. Thật hả?” Huyền Trân tỏ vẻ ngạc nhiên, dường như đang nín cười. “Ta còn tưởng chị sẽ đưa Chế Mân lên tận trời xanh cơ đấy.”
“Hả? Ý công chúa là gì?”
“À thì ai cũng an ủi ta rằng Chế Mân anh dũng thiện chiến lại có tài thao lược, ta qua đó làm vương hậu… ờ, chẳng có gì thiệt thòi.” Trong bóng tối, tôi không thể trông thấy biểu cảm hiện tại của Huyền Trân. Từng từ từng chữ mà cô nói bình tĩnh quá mức, như thể cô đang kể một câu chuyện về ai khác chứ không hề bày tỏ ý kiến về chính mình.
Cũng phải. Hôn sự đã đến rất gần, từ Thái hậu, Hoàng đế cho đến đám hậu phi, cung nhân… ai lại muốn công chúa mang tâm trạng chán nản đi hoà thân cơ chứ.
Tôi há miệng, mấy lời xã giao thừa thãi mắc cứng trong cổ họng, cố gắng thế nào cũng không thốt nên lời. “Chỉ mong công chúa dù vạn dặm cách trở cũng biết lo cho chính mình, giữ gìn sức khoẻ. Non sông Đại Việt còn mãi… nhất định sẽ đón chào công chúa trở về.”
“Có ngày đó sao?” Huyền Trân bật cười chua chát, hẳn nhiên không hề tin tưởng lời tôi vừa nhắn nhủ.
Phải. Tôi thầm than trong lòng. Nó còn đến nhanh hơn công chúa tưởng đấy.
Huyền Trân nâng chăn, xoay người hướng ra ngoài. Lâu sau, khi tôi tưởng cô đã chìm vào giấc ngủ thì Huyền Trân lại lên tiếng: “Hoà thân chưa bao giờ là ý nguyện của ta. Đại Việt nơi chân trời, Chiêm Thành chốn góc bể, xa xôi biết mấy? Một người mà ta chưa bao giờ gặp mặt, thậm chí còn chẳng hiểu tiếng nói của nhau…” Cô khịt mũi. “Những điều này ta đều đã nghĩ đến từ lâu, ngày ngày lo lắng, nhiều lần khóc thương cho số phận của mình. Thế rồi một ngày, mẫu hậu nghiêm khắc nói với ta một câu: Diễm Tiên, đừng quên con là công chúa của Đại Việt! Chỉ vậy thôi, ta lại giống như người mù thấy được ánh sáng. Vì Đại Việt thì thân này có sá gì?”
“Công chúa…”
“Tâm ạ, trước giờ ta vốn cao ngạo, cho rằng dưới vòm trời này chẳng ai so được với thân phận kim chi ngọc diệp của mình. Nhưng có điều này… ta hâm mộ chị lắm.”
“Ta biết công chúa muốn nói tới cái gì.” Tôi rụt đầu vào trong chăn, bất giác hai tay đã đưa lên che kín tai, trong lòng nảy sinh một cảm giác chối bỏ mãnh liệt.
Huyền Trân đột ngột ngồi bật dậy khiến tấm chăn dày bị kéo theo, gió thốc vào, cả người tôi ớn lạnh. Cô chống tay xuống giường, cao giọng nói: “Chị đó! Chị phải biết trân trọng anh trai ta! Anh ấy… Quan gia đưa chị vào cung là để giữ chị ở bên, bảo vệ, chăm sóc cho chị. Yêu thương nhường ấy, chị còn bày ra cái vẻ mặt buồn bã. Ôi…”
Tôi mang tư tưởng của thế kỷ hai mươi mốt, điều này đã ăn sâu trong tiềm thức, không thể chấp nhận chế độ đa thê cũng như một cuộc sống cầm tù như hiện tại. Nhưng đối với những người sống ở thời đại này như Huyền Trân mà nói thì đúng là tôi sướng mà không biết hưởng.
“Cảm ơn công chúa đã nhắc nhở, ta luôn ghi nhớ trong lòng.” Tôi hơi dịch người vào phía trong, nhẹ giọng đồng ý.
Thấy tôi không có ý định tranh cãi, Huyền Trân do dự hồi lâu rồi lại ngả lưng nằm xuống. Cô thở dài, vươn tới dém chăn cho tôi, đoạn bảo: “Muộn rồi, chúng ta ngủ thôi.”
…
Dường như đơn thuốc mới của Phạm Bân đã phát huy hiệu quả, hoặc phía các vị trù sư* đã tìm ra cách nấu nướng mới phù hợp với khẩu vị của tôi… Tóm lại, chỉ trong vòng một thời gian ngắn mà tôi dần thấy ngon miệng hơn, tinh thần tốt lên trông thấy. Ý Nghi hay cảm thán rằng tôi nhận được ân sủng tận trời, còn không chịu tận hưởng nữa thì thật phí phạm tấm lòng Quan gia.
[*] Trù sư: Đầu bếp (Từ vựng do tác giả tự ý sử dụng theo từ điển Hán Nôm, bạn đọc vui lòng không tham khảo)
Cũng trong thời điểm này, Trần Thuyên hoàn toàn không có thời gian rảnh rỗi. Bởi vậy, thường thường tôi sẽ nghỉ ngơi tại lầu Thanh Quang, chiều tối mới tới điện Đại Minh chờ gặp Trần Thuyên.
Thậm chí có những hôm tôi không đợi được anh cùng ăn tối, phải thổi đèn ngủ trước.
Tia chớp rạch ngang bầu trời u ám, liền sau đó là tiếng sấm dữ dội, lôi tâm hồn đang treo ngược cành cây của tôi trở về với thân xác. Chỉ trong khoảnh khắc, mưa tuôn xối xả, nhân gian chìm trong một màu trắng xoá.
Tôi vịn tay đứng dậy, bảo Hồ Yên và Ý Nghi ở lại lầu hai, một mình xách váy đi xuống thư phòng.
Một dáng hình cao ráo dựa lưng vào tường, hai tay khoanh lại trước ngực. Bậc tam cấp đã ướt quá nửa, có lẽ y phục của người kia cũng đang phải chịu tình trạng tương tự.
Trung quan họ Tào đang trực ở dưới nhanh chóng đẩy cửa thư phòng để tôi tiến vào. Tôi xoa xoa bên vai đã thấm đẫm nước mưa, vẫy vẫy tay với Quân Trì và vị trung quan kia: “Hai người cũng vào trong này đi, ở ngoài ướt hết đấy.”
Quân Trì khẽ cười: “Được.”
Trung quan họ Tào cúi đầu, chắp tay thưa: “Để tôi chuẩn bị trà cho Phu nhân ạ.”
“Vậy phiền anh nhé.” Tôi cười.
Trong khi tôi vội vã tìm một chỗ để ngồi xuống thì Quân Trì chỉ thong thả tựa người bên cánh cửa, toàn bộ sự chú ý đều đặt ở phía ngoài. Nhắc anh ta ngồi xuống mấy lần đều không được, tôi bực bội trách móc: “Cứ nghĩ đã nói hết nước hết cái với nhau là thành bạn bè rồi, vậy mà giờ anh còn xa cách với ta hơn cả khi xưa ấy.”
“Tuỳ lúc.” Quân Trì gãi gãi đầu. “Nếu gần gũi với nàng quá… Quan gia sẽ không vui.”
Tôi đảo mắt: “Dạo này Quan gia bận rộn lắm.”
“Nàng hiểu là tốt. Khi xưa Quan gia tìm cách ra gặp nàng đã là rất cố gắng rồi.” Quân Trì lửng lơ đáp lại.
Cố tình bẻ nghĩa câu chữ của tôi để bênh vực cho anh em tốt, đúng là chỉ có Quân Trì. Hơn nữa, thái độ của anh ta hiện tại và Huyền Trân có nhiều điểm tương đồng, tôi không khỏi thắc mắc: “Anh vẫn cho rằng ta sống trong cung là tốt nhất à?
“Có lẽ thế.” Quân Trì bỗng quay đầu, nhìn thẳng vào mắt tôi. “Dưới sự che chở của Quan gia, sẽ không có ai động được vào nàng.”
Sau đó, cả hai chúng tôi đều im lặng.
Trung quan họ Tào rót trà xong là lẩn đi đâu không biết, trong phòng vẫn chỉ có tôi và Quân Trì. Anh ta giữ nguyên tư thế thẳng lưng, đứng ở vị trí cạnh cửa lớn, bất cứ ai đi ngang qua cũng có thể trông thấy.
Cũng là một cách để bảo vệ tôi.
Tôi gục đầu xuống bàn, bao trùm bên tai là tiếng ào ào như thác đổ.
Ngó lên tấm lưng rộng của Quân Trì, tôi dần hồi tưởng về lần gặp gỡ trên thuyền lớn về lộ Bắc Giang. Khi ấy tôi nhầm anh ta với Trần Thuyên, lớn gan trêu đùa. Cũng may còn trẻ nên mặt dày, không thấy xấu hổ cho lắm.
Quanh qua quẩn lại, thế mà đã nửa thập kỷ trôi qua.
“Quân Trì này.” Thấy trà đã nguội bớt, tôi nâng chén lên uống một ngụm. “Sao khi ấy anh không giả vờ đến tận cùng mà lại bắt chuyện với ta nhỉ?”
Nghe tôi hỏi, Quân Trì tỏ ra hơi mất tự nhiên. Anh ta ho húng hắng, ngập ngừng nói: “Thấy nàng… tự nhiên chân lại không muốn rời đi.”
Coi như tôi điếc, không nghe thấy câu này.
“Anh ra mặt xử lý vụ án gia đình kia cũng là theo lệnh Quan gia à?”
“Phải. Quan gia lo nàng sẽ xuất đầu lộ diện, gây chú ý với những kẻ có ý xấu.”
Tôi gật gù, suy nghĩ của Trần Thuyên rất chính xác. Đích thực trước đây tính tình tôi rất trẻ con, thích lo chuyện bao đồng, không những đặt mình vào tình huống nguy hiểm mà còn ảnh hưởng tới người khác. Nói chung là rất đáng giận!
“Thật nhỉ? Gặp hết biến cố này tới biến cố khác, giờ được ngồi đây ngắm mưa rơi cũng là phúc phận…” Lời còn chưa nói hết, tôi rót lại một chén trà nóng khác cho Quân Trì, định bụng tận tay đưa cho anh ta.
Không để ý dưới sàn dính nước, bước chân tôi sượt qua, ngã chúi đầu vào người Quân Trì.
Dĩ nhiên là anh ta vẫn “đỡ” được tôi, chỉ có điều không hẳn là “đỡ”. Một tay Quân Trì túm lấy cổ áo tôi lôi ngược trở lại, trong thoáng chốc đã giúp tôi lấy lại thăng bằng.
Trà đã đổ hết xuống nền đất.
Trái tim trong lồng ngực đập loạn lên, vừa khéo chạm vào một ký ức xưa cũ, không biết đã phủi bụi biết bao lâu nay.
“Ôi, ta nhớ ra rồi. Lần đầu gặp anh, ừm, sau khi ta khỏi bệnh… là bên ngoài phủ Kiểm pháp!” Tôi nắm chặt nén trà trong tay, cười cười. “Lúc ấy mà anh không phải giữ kín thân phận, có khi ta đã chẳng bị thằng ranh kia bắt nhốt dưới hầm suốt mấy ngày trời rồi.”
Trái với suy nghĩ của tôi, Quân Trì không có bất cứ hồi đáp nào về giả thuyết này.
Tôi có chút ngạc nhiên, ngẩng lên nhìn anh ta. Chỉ thấy biểu cảm trên gương mặt Quân Trì vẫn bình thản, chỉ có điều bàn tay đang buông thõng phía dưới đã nắm thành quyền, hơi run lên.
Quân Trì sờ lên chóp mũi, nói một câu không liên quan: “Hình như ngớt mưa rồi, ta ra ngoài đứng kẻo người khác dị nghị.”
Anh ta nghĩ tôi mù đấy à? Mưa càng lúc càng nặng hạt, ngớt ở đâu?
Không để phí phạm thêm một giây, tôi vụt tới túm áo Quân Trì, giật về phía mình. Anh ta không đề phòng tôi, chưa thể phản ứng kịp nên cả người lảo đảo, phải vận sức dưới chân mới có thể đứng vững.
Khoảnh khắc này giống như một thước phim quay chậm, trong một thoáng, tôi đã bắt được biểu cảm có phần hoảng hốt của Quân Trì. Anh ta không nhìn tôi, dợm bước tiếp.
“Quân Trì!” Tôi thấp giọng quát. “Trả lời ta!”
Anh ta quay đầu: “Trả lời cái gì?”
Lồng ngực tôi đau buốt, dọc sống lưng ớn lạnh.
“Ngày ấy anh đã có thể ngăn Tống Chí Khiêm, nhưng anh…” Tôi giục giã trong lòng, những mong mình suy nghĩ quá xa, Quân Trì chắc chắn sẽ chối bỏ chuyện này.
Miệng anh ta hơi hé, con ngươi trong mắt đã quen che giấu mọi cảm xúc với bên ngoài. Và tôi không hề nhận được câu trả lời mà bản thân ước ao.
Người tôi run lên, chao đảo. Tôi chống một tay xuống bàn, tay kia nắm lại giấu trong áo, móng tay đâm thẳng vào da thịt.
Tôi ép mình phải cất lời: “Anh… các người cố ý để tôi bị bắt cóc… nhằm tìm được kẻ ác kia?”
Phải đến lúc này, tấm mặt nạ mà Quân Trì đang đeo mới có vết nứt. Anh ta khẽ cúi đầu nhỏ giọng, như thể đã mất hết toàn bộ sức lực: “Niệm Tâm, ta…”
Bàn tay tôi giơ lên, ra hiệu cho Quân Trì.
Không cần nói thêm gì nữa.
Bỏ lại anh ta phía sau, tôi khó nhọc lê từng bước chân lên tầng hai. Tiếng mưa hóa thành từng hồi chuông nặng nề, dội vào tâm trí.
Tôi không rõ mình đang cảm thấy thế nào.
Chẳng hề bùng cháy dữ dội, lại giống như một dòng nham thạch nóng bỏng cuộn trào tận đáy lòng, thiêu đốt lồng ngực.
Thật chua xót.
Dưới chân tôi cạn kiệt sức lực, chẳng để tâm tới mưa sa gió quật, cứ thế ngồi bệt dưới đất, ngay trước cửa phòng.
Tôi úp mặt vào đầu gối, để nước mưa xối thẳng lên đỉnh đầu.
“Phu nhân!” Ý Nghi xuất hiện từ lúc nào, hốt hoảng gọi Hồ Yên cùng đỡ tôi vào phòng.
Chị ấy dùng khăn lau tóc cho tôi, lẩm bẩm: “Dính mưa rồi, phải tắm nước nóng ngay kẻo nhiễm lạnh. Xem nào, chắc vẫn kịp sang điện Đại Minh trước khi trời tối đấy.”
Tôi cụp mắt: “Hôm nay ta hơi mệt, ở lại đây thôi.”
Ý Nghi liền chép miệng: “Cũng được. Phu nhân sao vậy, ai đời lại ngồi ngoài hứng mưa thế kia. Nom thời tiết dạo này chưa ấm hẳn lên đâu, ốm cái là Quan gia đau lòng lắm…”
Chưa lẩm bẩm xong Ý Nghi đã bị Hồ Yên ngắt lời, xua đi chuẩn bị nước tắm.
Trong lúc cố nuốt miếng cơm để Ý Nghi bớt đi mấy lời than thở, Hồ Yên theo lời tôi chạy sang điện Đại Minh báo tin. Tôi vốn yếu ớt, dùng cái cớ đau đầu đau bụng là dễ dàng qua mặt được bất cứ ai, kể cả Trần Thuyên.
Xong xuôi tất thảy, tôi nằm xuống nệm, cong người ôm đầu gối. Chăn vẫn được gấp gọn một góc, tôi không hề có ý định trải ra.
Mưa rả rích, chắc hẳn còn rất lâu nữa mới tạnh.
Tôi chỉ mặc duy nhất một lớp áo, cái lạnh lẽo dán chặt vào thân thể. Đây là cách mà tôi giữ mình tỉnh táo. Nếu là ngày trước, chắc chắn tôi sẽ nghĩ ra rất nhiều cách giải quyết, dù giận hay dỗi cũng là một hướng đi. Chẳng như hiện tại…
Căn phòng nhỏ chìm trong tối tăm, chỉ có thể nhìn thấy những vệt sáng mảnh mai, hư ảo.
Vốn đã quen thuộc, tưởng là chốn trở về.
…
Tình trạng trốn tránh này kéo dài gần một tuần lễ.
Tôi quyết tâm không đặt chân tới điện Đại Minh, vì vậy đổi lại, mỗi tối Trần Thuyên sẽ quay về lầu Thanh Quang để nghỉ ngơi.
Quốc vụ ngập đầu, thời gian chính là vàng bạc, thường thường Trần Thuyên sẽ đến vào đầu giờ Hợi và rời đi khoảng giữa giờ Dần*. Khi anh khẽ khàng đẩy cửa, tôi đã yên vị hướng người vào bên trong, vờ như đang say ngủ.
[*] Khoảng chín giờ tối và bốn giờ sáng.
Cứ như vậy, suốt nhiều ngày trời. Chúng tôi… không hề trò chuyện với nhau, dù chỉ một câu.
Tôi rất muốn được mở lời với Trần Thuyên nhưng lại sợ bản thân không giữ nổi bình tĩnh, sẽ quay sang chất vấn anh chuyện Tống Chí Khiêm ngày ấy. Như vậy. tránh sao nổi tranh cãi đây?
Việc tôi bị gã Khiêm kia bắt cóc, nếu trừ đi hung thủ thì lỗi lầm chỉ thuộc về một mình tôi. Đâu thể trách móc Trần Thuyên, kể cả khi anh muốn lợi dụng tôi để bắt được kẻ chủ mưu?
Nhưng mà…
Trần Thuyên đã giấu đi tất thảy, chưa một lần tiết lộ. Những sáu, bảy năm, vô số cơ hội.
Chỉ cần anh chủ động mở lời, tôi nhất định sẽ nghe giải thích, cũng chẳng giận dỗi gì đâu. Vậy mà… Trần Thuyên lại để tôi biết được sự thật qua người khác.
Lầu Thanh Quang đón nắng lại âm u lạnh lẽo nhường này, thì ra ta cũng không hiểu người đến thế.
Tôi rùng mình, mi mắt khẽ động. Cứ như thể tôi đã ngủ qua mấy kiếp người, ngàn vạn giấc mơ đan xen, hai bên thái dương đau nhức, chân tay nặng nề.
Cửa sổ không khép kỹ, tia sáng rực rỡ len lỏi vào trong, soi rõ những hạt bụi lấp lánh bay lượn.
Sau khi tôi tỉnh giấc được một lát, Ý Nghi nghe được động tĩnh liền đẩy cửa tiến vào, hai tay bưng theo chậu nước.
Tôi nhận khăn từ Ý Nghi, trước tiên lau mặt rồi mới lau qua cổ và tay, bớt đi cái cảm giác dấp dính từ mồ hôi.
Cùng lúc ấy, Hồ Yên tiến vào. Cô gật gù bảo: “Dậy đúng giờ đấy. Thay đồ đi rồi sang điện Đại Minh.”
“Ta không…” Như bị lửa xén, tôi suýt nữa đã nhảy dựng lên.
Hồ Yên trợn mắt: “Không đi á? Đại sứ đang chờ cô mà?”
Tôi mù mờ, lại sợ Hồ Yên nổi cáu nên chỉ dám nhẹ giọng hỏi lại: “Đại sứ… nào nhỉ?”
“Đại sứ Khu mật viện* Đoàn Nhữ Hài, em trai cô?”
[*] Theo Toàn thư, Đoàn Nhữ Hài được vua Trần Anh Tông ban chức Tri Khu mật viện sự vào năm 1304. Như tác giả tìm hiểu qua, cơ quan này được can dự chuyện triều chính (thời Trần), thậm chí nắm quyền hành lớn (thời Đường, Hậu Lương, Tống…). Tác giả để nhân vật xưng hô với Đoàn Nhữ Hài là Đại sứ Khu mật viện – tương đương với chức trưởng quan Khu mật viện (hay Tri Khu mật viện sự) ở thời Tống.
Tôi:…
Lâu rồi không nghe ai nhắc đến chức danh này cùng cái tên Đoàn Nhữ Hài, đúng là có phần lạ lẫm.
Hồ Yên nhìn dáng vẻ bối rối xen lẫn vui mừng của tôi, tặc lưỡi: “Quan gia thấy cô ốm mệt lâu ngày, đặc biệt cho vời Đại sứ tới điện Đại Minh, chỉ mong cô gặp gia đình rồi sẽ phấn chấn hơn.”
“Tạ ơn Quan gia giúp ta nhé.” Tôi lí nhí nói.
“Cô tự đi mà nói!” Hồ Yên hừ một tiếng bực tức. “Mà Quan gia đã tránh đi nơi khác rồi, dành không gian riêng cho hai chị em nhà cô đấy. Ân sủng độc nhất, cô đúng là…”
Tôi rủ mắt, chẳng dám tiếp lời.
Trung quan trực ngoài cửa thông báo, Đoàn Nhữ Hài đã chờ tôi gần nửa canh giờ.
Cậu ta ngay ngắn đứng bên bậc cửa sổ, thẳng lưng nhìn ra phía ngoài.
“Nhữ Hài.” Tôi khẽ gọi.
Thân mình em trai tôi khựng lại, tay phải đang đặt sau lưng bỗng nắm chặt. Cậu từ từ xoay người, khoé miệng hơi kéo lên khiến cả gương mặt lạnh lùng như bừng sáng.
“Tâm!” Đoàn Nhữ Hài bước thật nhanh đến gần, đỡ lấy khuỷu tay tôi. Ánh mắt trong trẻo quét tới không chút e dè, cậu hơi nhíu mày. “Sao trông Tâm cứ là lạ?”
Tôi mất tự nhiên, đành kéo cậu ta ngồi xuống sập lớn. “Mọi người ở nhà vẫn khoẻ chứ?”
“Dĩ nhiên rồi.” Đoàn Nhữ Hài giành lấy việc rót trà, cử chỉ dứt khoát. “Chỉ là thi thoảng em lại thấy Đoàn phủ vắng vẻ, chắc vì thiếu Tâm.”
Tôi ngẩn người, dòng chảy suy nghĩ lắng lại, từ trong tâm trí kéo ra những mảnh vụn ký ức của tháng ngày thảnh thơi ở phủ họ Đoàn, khi… Đông Ly còn sống.
Nhận ra mình đã lỡ lời, Đoàn Nhữ Hài di dời sự chú ý của tôi bằng cách cập nhật tình hình của mẹ Sinh, Vân Phi và hai đứa con trai của mình.
Mấy lá thư ngắn ngủi không thể truyền đạt hết ý muốn, tới giờ tôi mới biết hai vợ chồng Nhữ Hài phải tìm mọi cách mới khiến Lâm Vũ chấp nhận sự thật rằng tôi đã rời nhà đi… lấy chồng.
Thằng bé vốn quen với việc gần như lúc nào cũng thấy tôi khoanh chân ngồi trên chõng tre ngoài vườn, dưới tán cây xanh rì. Đột ngột, tôi bỏ lại tất cả để tiến cung, mà chiếc chõng cũng bị Đoàn Nhữ Hài cất vào kho. Tuy phòng riêng của tôi vẫn giữ nguyên nhưng đã bị khoá lại, cậu giải thích rằng không muốn trẻ con vào đó phá phách, nhỡ một ngày…
Khi nhắc đến gia đình, trên gương mặt Đoàn Nhữ Hài ánh lên rất rõ niềm hạnh phúc và tự hào. Trông cậu ta tủm tỉm cười mà tảng đá đè nặng trong lòng tôi tạm thời được nhấc lên, tâm trạng cũng nhẹ nhàng đi mấy phần.
Đoàn Nhữ Hài mở miệng không ngừng, tôi chỉ lắng nghe là chính. Đại khái trong tổng mười câu, cậu ta nói chín thì tôi đáp lại một.
“Tâm này, Tâm thật sự ổn đấy chứ? Em biết Quan gia yêu thương Tâm nhường nào… nhưng mà…” Ấm trà gần cạn, Đoàn Nhữ Hài đẩy cả khay sâu vào trong, vươn tới vỗ vỗ lên tay áo tôi. “Với tính cách của Tâm… hẳn sẽ thấy cuộc sống ở nơi này ngột ngạt lắm. Giờ em ở đây rồi, Tâm có khó khăn gì cứ nói, ít nhất…”
Tôi khẽ cười, ngắt lời cậu: “Đừng lo, chị vẫn ổn.”
Đoàn Nhữ Hài thở dài: “Tâm không quên chúng ta là chị em song sinh chứ?”
“Ừ.”
Trước một chữ ừ cụt lủn của tôi, Đoàn Nhữ Hài hoàn toàn chịu thua.
Hàn huyên đã được nửa canh giờ, chúng tôi không tiện ngồi lâu thêm nữa, đành dắt díu nhau đứng dậy. Đoàn Nhữ Hài đập nhẹ vào vai tôi một cái, đoạn bảo: “Được rồi. Tâm phải biết tự giữ gìn sức khoẻ đấy. Ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa, bớt lo chuyện bao đồng, bớt nghĩ linh tinh. Quan gia bận trăm công nghìn việc, có ba đầu sáu tay cũng không chăm sóc Tâm nổi.”
Giọng điệu có chút gay gắt nhưng tôi biết cậu em trai này chỉ đang lo lắng tôi sẽ chịu thiệt thòi, tự đầy đoạ bản thân mình vì những suy tưởng không đâu.
“Nghe chưa đấy?” Nhữ Hài hắng giọng.
Tôi bĩu môi: “Lời dặn dò của Đại sứ, Niệm Tâm sẽ khắc ghi trong lòng.”
Cậu ta bật cười, hai vai rung rung: “Thần xin lui, Phu nhân bảo trọng.” Đoạn chắp tay, cúi đầu vô cùng quy củ.
Đoàn Nhữ Hài nhắc tôi không cần đưa tiễn, quay gót bước đi. Tôi dõi theo dáng hình cậu, bỗng nảy sinh cảm giác buồn tủi, đắng chát nơi cổ họng. Như thoát khỏi sự khống chế của trí não, đôi chân tự ý chạy về phía Đoàn Nhữ Hài, tôi vươn tay, túm chặt lấy áo cậu.
“Tâm sao thế?” Nhữ Hài đỡ lấy tôi, ân cần hỏi han.
Tôi lắc đầu, không dám nói rằng bản thân sợ phải trông thấy cảnh cậu rời đi, biến mất sau cánh cửa. “Sao đâu. Bỗng nhiên thấy nhớ nhà thôi.”
Giọng tôi hơi nghẹn lại, cảm giác cay như phải ớt chạy dọc sống mũi.
Tránh cho Đoàn Nhữ Hài trông thấy vành mắt đỏ quạch của mình, tôi vội buông tay rồi đẩy cậu ta một cái, đoạn cười: “Đại sứ mau về đi kẻo em dâu ta mong ngóng.”
Đúng là không nên dùng dằng thêm, Đoàn Nhữ Hài chỉ đành dặn dò tôi thêm một lần nữa rồi cáo lui.
Trở lại lầu Thanh Quang, tôi chưa vội trở về phòng ngay mà tựa người vào lan can, mượn một khoảng trời đón ánh nắng.
Từ trên thinh không, kéo tầm mắt xuống là nơi Vườn Ngự, hoa chen đua thắm, cây lớn bóng rủ. Bên cạnh hồ nước yên ả, Trần Thuyên thong thả từng bước, dẫm lên thảm cỏ xanh rì.
Thái tử Mạnh nhảy chân sáo đằng trước, đột ngột dừng lại, cúi người nhặt thứ gì đó rồi chuyển bước chân, chạy tới dâng lên Huy Tư Hoàng phi bằng cả hai tay.
Cậu bé cười tươi tắn khi được mẫu phi xoa đầu, quay sang chắp tay với phụ hoàng bẩm báo gì đó. Trần Thuyên hơi cau mày nhưng rồi cũng gật đầu, thái tử Mạnh càng cúi người thấp hơn.
Tôi hít một hơi thật sâu, trong lồng ngực như mọc đầy gai nhọn.
Chợt, một bàn tay thon dài xuất hiện, che khuất tầm mắt của tôi.
“Đừng nhìn nữa.” Hồ Yên lạnh nhạt nói.
Tôi cũng không muốn tự tra tấn bản thân thêm, quay sang hỏi Hồ Yên với thái độ bình tĩnh nhất có thể: “Lát nữa Quan gia làm gì nhỉ?”
“Chắc là lại về thư phòng duyệt tấu chương thôi. Có chuyện gì à?” Cô híp mắt, giọng điệu đánh giá rõ rệt.
“Ừ. Vậy ta nhờ cô một việc.”
Còn chưa bày tỏ dứt câu, thái độ Hồ Yên đã thay đổi hoàn toàn, thậm chí tôi còn thấy cô có phần vui vẻ hơn cả khi kể về chuyện tình của mình với Bách Chu.
Hồ Yên đập cái chát vào lưng tôi, khịt mũi: “Phải thế chứ! Dạo này bọn ta căng thẳng lắm, đang không biết cô giận dỗi Quan gia cái gì đấy.”
Tôi cười nhẹ thay cho lời đáp, Hồ Yên gật đầu rồi xoay người rời đi.
…
Cuối giờ Dậu*.
[*] Khoảng 7 giờ tối.
Hồ Yên thông báo đám triều thần đã rời đi cả, tôi vội chạy sang điện Đại Minh chờ Trần Thuyên.
Vừa trông thấy tôi, nét mặt nhợt nhạt của anh như được gột rửa, hàng mi rung động khẽ chớp.
“Bái kiến Quan gia.” Tôi hành lễ, vái chào.
Trần Thuyên đỡ tôi dậy rồi kéo vào ôm siết, miệng nở nụ cười. “Tưởng đâu mấy tháng rồi ta mới được gặp nàng.” Rồi lại buông ra, cong ngón trỏ gõ nhẹ vào trán tôi. “Nay không mê ngủ nữa nhỉ?”
Bị anh trêu đùa, khó chịu trong lòng tôi tiêu tan mấy phần, xấu hổ không dám cãi lại.
Trần Thuyên nắm tay tôi rất chặt, chủ động dẫn tôi vào trong điện. Tôi bước chậm rãi, nghe anh thủ thỉ: “Cố gắng xong việc sớm, ta còn đang định tới lầu Thanh Quang tìm nàng, không ngờ nàng đã ở đây rồi. Cũng đúng giờ dùng bữa, nàng khéo chọn lúc quá.”
“Em ăn tối rồi ạ.” Tôi nhỏ giọng đáp.
Trần Thuyên khựng lại, vẻ mặt có chút cứng ngắc: “… Cũng phải. Không còn sớm nữa.”
Dĩ nhiên là tôi chưa ăn, chỉ là cả người nhức mỏi, chắc sẽ không nuốt nổi thứ gì vào bụng.
“Ừm… em muốn nói chuyện với Quan gia một lát, Quan gia có tiện không ạ?” Hoàng đế còn đang đứng, tôi cũng không ngồi xuống, thẳng lưng đối mặt với anh.
Ánh mắt người như sao trời, lạnh lẽo và xa cách.
Trần Thuyên khẽ gật đầu, khoát tay ra hiệu cho đám Cao Nghiệp lui ra ngoài. Tôi chật vật tìm cách mở lời, anh vén áo ngồi xuống sập, hai tay nắm hờ đặt trên đùi.
“Là chuyện khiến nàng tránh mặt ta suốt mấy ngày vừa rồi à?” Như có như không, Trần Thuyên cất giọng hỏi.
“Quan gia biết ạ?”
Anh lắc đầu.
Mấy tháng ngắn ngủi trong thâm cung dường như đã mài mòn tinh thần tôi, mặc cho tôi cố gắng thế nào cũng không nghĩ ra cách dẫn dắt câu chuyện sao cho uyển chuyển nhất có thể. Một ý niệm bay vụt qua, miệng tôi bật ra câu hỏi: “Chàng có giấu em chuyện gì không?”
Chậc, thẳng thắn quá mức rồi.
Trần Thuyên tỏ ý khó hiểu, đáp rất nhanh: “Ví như quốc sự, sao ta có thể nói cho nàng được?”
“Ý em là…” Tôi hít một hơi thật sâu. “… chuyện liên quan tới bản thân em chẳng hạn.”
Biểu cảm trên mặt anh thay đổi, hai mày hơi nhíu lại. Chỉ thế thôi mà tim tôi giật thót, vội dùng sức bấm mạnh móng vào lòng bàn tay, gắng giữ bản thân bình tĩnh.
Trần Thuyên im lặng rất lâu, lâu đến mức tôi nảy sinh ảo giác, tưởng rằng từ đầu tới giờ mình vẫn chưa mở miệng hỏi anh câu nào.
Dù đoán ra tôi muốn nhắc tới chuyện gì thì Trần Thuyên sẽ chẳng chủ động thừa nhận, hoặc giả như… anh giấu tôi quá nhiều thứ, nhất thời chưa thể nhớ ra để trả lời.
“Em biết chuyện Tống Chí Khiêm ngày ấy rồi ạ.” Không muốn anh mất thời gian nghĩ suy, tôi tốt bụng đưa ra đáp án.
Hơn cả, tôi mong Trần Thuyên sẽ thuyết phục mình nghe anh giải thích, và chắc chắn tôi sẽ chấp nhận mọi nguyên do mà anh đưa ra. Điều tôi cần… chỉ là được thoải mái ở cạnh Trần Thuyên, trọn vẹn yêu thương, không gì ngăn cách.
Thế nhưng…
“Ta không có bất cứ biện giải nào.”
Trái tim tôi như hoá đá. Hai chân nào có thể đứng vững, cả người tôi mềm nhũn, đành chống tay xuống bàn nhỏ, ngồi xuống phía bên kia sập.
Trần Thuyên nói rất nhanh: “Lợi dụng an nguy của nàng để điều tra vụ án… đây đúng là lỗi của ta.”
“Quan gia..” Tôi đưa tay lên chạm vào nơi ngực trái, cảm nhận từng nhịp đập dữ dội. “Quan gia đã bao giờ có ý định tiết lộ chuyện này với em chưa ạ?”
“Ta biết quyết định này đã khiến nàng phải chịu khổ. Vì thế… ta mới càng cố gắng bù đắp với nàng…” Tuy chưa một lần ngước lên nhưng tôi vẫn cảm nhận được ánh mắt của Trần Thuyên xoáy sâu trên gương mặt mình.
Tôi chán nản ngắt lời anh: “Quan gia không nghĩ là nên nói với em ạ?”
Bàn tay đang vươn tới lập tức khựng lại, Trần Thuyên dứt khoát nắm tay, thu vào lòng: “Trẫm cảm thấy đây là chuyện không cần thiết. Nàng biết rồi sẽ lại suy nghĩ, ảnh hưởng sức khoẻ.”
“Nhưng cuối cùng em vẫn biết đấy thôi…” Lời thở than bỏ lửng, có lẽ Trần Thuyên không hiểu được khúc mắc thật sự nằm ở đâu.
Tôi cúi đầu nhìn ánh đèn nhảy nhót trên mu bàn tay, không để ý anh đã đứng dậy.
Trần Thuyên tiến lại gần tôi, hạ thấp người. Không bắt tôi phải ngẩng đầu, khuôn mặt anh hiển hiện trong tầm mắt.
Trần Thuyên đưa tay lên, dịu dàng áp vào má tôi. Giọng anh trầm xuống: “Chuyện trước đây… đúng là ta có lỗi với nàng. Nhưng Niệm Tâm à, chớ nên để quá khứ chen vào chúng ta của hiện tại. Không đáng đâu.”
Phải, không đáng.
Nếu nói đây là chuyện nhỏ, tôi hoàn toàn có thể chấp nhận. Dẫu sao tôi vẫn sống khỏe, Tống Chí Khiêm đã đền tội, đâu cần trách móc Trần Thuyên?
Thế nhưng… lòng tôi không thể ngừng bấn loạn, đầu óc rối bời.
Dao găm có thể đâm chết người ta, mà “chuyện không đáng” kia lại càng dễ gây rạn nứt.
Trần Thuyên bao trọn hai tay tôi, dường như tâm trạng đã nhẹ nhàng hơn: “Tối nay nàng ở lại điện Đại Minh nhé?”
“Quan gia thứ tội, em thấy không khoẻ lắm nên muốn về lầu Thanh Quang…” Tôi không rút tay ra, mệt mỏi nói.
“Niệm Tâm…” Anh không nổi giận khi thấy tôi cố tình từ chối, chỉ gọi tên tôi rồi thở dài một hơi. “Sáng sớm ngày mai ta sẽ rời kinh thành.”
Tim rơi thõng xuống đáy vực, cảm giác bất an tràn ngập khắp tâm trí tôi: “Là việc mà Huệ Vũ vương từng xử lý đó ạ?”
“Sao nàng biết?” Trần Thuyên nhướn mày.
Tôi mím môi đáp: “Em đoán bừa thôi ạ. Sau khi Vương trở lại Thăng Long là Quan gia bận rộn hơn trước rất nhiều…”
Anh mỉm cười, lộ vẻ tán thưởng: “Đại khái là như vậy. Việc trị thuỷ không phải sở trường của Huệ Vũ, chú ấy chưa thể giải quyết triệt để nên ta phải đích thân đến đó xem sao.”
Biết rõ bản thân không có quyền hỏi quá sâu vào chuyện triều chính, tôi gắng thả lỏng tâm trạng, biểu cảm hoà hoãn hơn: “Vâng. Quan gia dùng bữa đi kẻo muộn.”
Trần Thuyên ừ một tiếng, lát sau Cao Nghiệp cùng đám trung quan cung nữ lần lượt kéo nhau vào, bày ngự thiện.
Cung tỳ thổi tắt đèn, sau khi khép cửa, cả gian phòng chìm sâu trong tĩnh lặng.
Trăng sáng ngang trời, rọi xuống nền đất dáng hình lẻ loi của khung cửa sổ lớn.
Tôi gối lên tay Trần Thuyên, đầu tựa vào ngực anh theo thói quen.
“Chắc nàng đang khó chịu lắm.” Trần Thuyên đều giọng, chậm rãi lên tiếng. “Không dám nhận mình hiểu rõ tính cách của nàng, nhưng ta chắc chắn bây giờ nàng rất muốn bỏ về lầu Thanh Quang, tránh xa ta.”
“Quan gia đừng nói vậy…”
Anh nhẹ nhàng vuốt tóc tôi, bảo: “Cứ giận dỗi là nàng lại muốn ở một mình, tưởng ta không biết sao? Niệm Tâm ơi, sắp tới chúng ta sẽ không gặp nhau lâu đấy…”
Tôi không đáp.
“Chừng nào xong việc, ta về kinh thành rồi sẽ kể ngọn ngành cho nàng nghe. Nàng hãy yên lòng, tháng ngày còn dài…” Hương trà quanh quẩn, từng câu từng chữ của Trần Thuyên mơ hồ bay lượn.
Vòng tay ôm lấy Trần Thuyên, tôi áp tai đón nhận từng nhịp đập nơi trái tim anh, khẽ khàng tiếp lời: “Vâng, em chờ Quan gia quay trở lại.”
…
Tôi tỉnh giấc trước khi Trần Thuyên khởi hành một lúc, giữ nguyên tư thế nhắm nghiền mắt, điều hoà hơi thở đều đặn như đang say ngủ thật sự. Anh không nỡ đánh thức tôi, chỉ cúi đầu hôn lên trán rồi rời đi.
Những ngày kế tiếp, bình yên vô sự.
Trang giấy trên bàn xuất hiện vạch kẻ thứ năm, mỗi ngày một gạch, không rõ đến bao giờ Trần Thuyên mới hồi cung.
Tinh thần tôi luôn ở trong trạng thái mơ hồ, thường xuyên ngơ ngẩn ngồi một chỗ, trong đầu trống rỗng.
Thêm một ngày, tôi càng khó vào giấc, chưa bao giờ ngủ trọn cả đêm. Cứ như vậy, tới sáng lại bần thần tự vực bản thân trở dậy, phí phạm thêm một ngày.
“Niệm Tâm, Niệm Tâm!”
Vừa mới chợp mắt được ít lâu, tiếng gọi thảng thốt kéo tôi thoát khỏi cơn ác mộng nặng nề.
Hồ Yên đứng ngay đầu giường, ánh đèn nâng bên tay chiếu lên gương mặt như cắt không còn giọt máu.
“Có chuyện gì thế?” Tôi chật vật ngồi dậy, liếc nhìn ra phía cánh cửa vừa bật mở. “Trời chưa sáng à?”
“Quan… Quan gia… gặp tai nạn rồi!”
…
Mấy món đồ đơn giản đã gói ghém xong, Hồ Yên do dự hỏi tôi: “Hay là chúng ta chờ anh Trì quay về đã?”
Vì gấp gáp nên tôi thay sang áo váy của Hồ Yên, tuy hơi chật nhưng vẫn có thể thoải mái cử động, tạm chấp nhận được.
Tôi đang đứng cạnh cửa sổ, ngước lên nhìn vòm trời sâu thẳm, khẽ lắc đầu: “Sợ là Quân Trì có việc gấp nên phải rời vị trí, biết tới khi nào mà đợi chứ? Quan gia lệnh Bách Chu gấp gáp quay lại đón ta, đừng để phí thời gian. Cô cứ viết vài chữ, để lại thông tin cho anh ấy là được.”
Hồ Yên cho là phải, nương theo ánh sáng của ngọn đèn nhỏ, cúi người phóng bút. Vừa viết, cô vừa nhắc nhở tôi: “Cô cũng kiểm tra lại xem cần mang theo gì không nhé.”
Ngoài quần áo ra thì chỉ có tiền bạc là cần thiết, mỗi tội một đồng tôi cũng không có.
Vẫn theo ý Hồ Yên, tôi dợm bước quanh phòng quan sát một lượt, cuối cùng dừng chân trước tủ gỗ đặt cạnh giường. Tầng trên cùng được đặt chiếc cốc hoa cúc méo mó khi xưa tôi tặng Trần Thuyên, không có vật gì bày trí xung quanh, một mình trơ trọi.
Tôi dùng đầu ngón trỏ miết nhẹ lên miệng cốc, do dự. Vừa muốn nắm lấy, vừa muốn bỏ lại, làm sao cho phải?
“Xong rồi, đi thôi.” Hồ Yên đẩy nhẹ một cái vào vai tôi thông báo.
Mê mải nghĩ suy, tôi bị cô doạ cho giật mình, cả người đột ngột đổ về phía trước. Một tay bám vào tủ giữ thăng bằng, tay kia vung mạnh, quét một đường. Từ trên cao, chiếc cốc hoa cúc rơi xuống đất, vỡ thành nhiều mảnh nhỏ.
“Phu nhân ạ?” Ý Nghi nhanh chóng xuất hiện ngoài cửa, lo lắng gọi.
Tôi ra dấu im lặng với Hồ Yên, đoạn đáp lời: “Ừ, ta khát nước nhưng chẳng may làm vỡ chén. Sáng mai chị hẵng vào dọn, giờ ta ngủ lại đã.”
“Vâng, Phu nhân nghỉ đi ạ.” Ánh đèn nhỏ biến mất.
Chờ đến khi xung quanh yên ắng trở lại, Hồ Yên dắt tôi rời khỏi lầu Thanh Quang, men theo bờ tường tìm cửa ngách của điện Đại Minh.
Sương che mờ lối, tán cây xao động theo gió. Tôi nhấc chân, cúi người bước vào khoang xe, không ngoảnh đầu lại.
Trăm mối ngổn ngang, tất thảy, bỏ lại nơi này.