Liêu Nhàn - Tuyệt Ca - Chương 33
Đến nơi, tài xế xuống xe mở cửa cho Ôn Chủy Vũ.
“Chủy Vũ!”
Ôn Chủy Vũ mới vừa xuống xe thì nghe tiếng Diệp Linh gọi mình. Cô ngoái đầu lại nhìn thì thấy Diệp Linh đang cầm chiếc túi ở bên cạnh đưa ra cho cô rồi nói: “Năm mới vui vẻ.”
Tháng Giêng sắp qua nhưng vẫn được nghe người khác chúc mừng năm mới khiến cho Ôn Chủy Vũ không khỏi ngớ người, sau đó cô mới kịp thời phản ứng lại, bởi vì đây là lần đầu tiên cô và gặp Linh gặp nhau sau lễ Tết. Cô tùy ý rút từ trong ví ra một phong bao lì xì còn sót lại đưa cho Diệp Linh.
“Năm mới vui vẻ!”
Ôn Chủy Vũ không biết Diệp Linh tặng gì cho mình, trước đây cô chưa từng nhận được quà mừng năm mới của nàng ta.
Diệp Linh nhận lấy bao lì xì của Ôn Chủy Vũ rồi nói một tiếng cảm ơn. Nàng có thể nhìn ra Ôn Chủy Vũ đang chần chừ, tươi cười khẽ nói: “Món quà nhỏ này tôi chỉ tiện tay mua mà thôi, hi vọng Chủy Vũ không chê.”
Ôn Chủy Vũ liếc Diệp Linh một cái, nghĩ thầm: “Còn lâu tôi mới tin.”
Diệp Linh bất đắc dĩ cười trừ: “Tình cờ trông thấy, nghĩ lúc vẽ tranh em sẽ cần đến nên tôi đã mua nó.”
Dùng cho lúc vẽ tranh thì hẳn là các món như giấy, bút, mực, nghiên. Nhìn kích thước của cái túi, cô đoán món quà bên trong rất có thể là một chiếc nghiên mực. Dựa theo giá nghiên mực đang được bày bán trên thị trường cộng thêm mức độ quen thuộc của đôi bên, xem ra Diệp Linh sẽ không tặng cô mấy loại nghiên cổ quý giá, đắt đỏ.
Lúc này Ôn Chủy Vũ mới yên tâm nhận lấy túi quà của Diệp Linh đưa qua: “Cảm ơn giám đốc Diệp.”
Diệp Linh cười nói với cô: “Ngủ ngon, nhớ nghỉ ngơi sớm.”
Ôn Chủy Vũ cũng chúc lại một câu ngủ ngon rồi lấy chìa khóa ra mở cổng. Sau khi đã vào trong, lúc cô xoay người đang định đóng cửa lại thì trông thấy xe của Diệp Linh vẫn đậu ở bên ngoài, còn nàng ta thì đang ngồi ở hàng ghế sau dõi mắt theo cô.
Thấy Ôn Chủy Vũ nhìn mình, Diệp Linh mỉm cười rồi vẫy tay chào tạm biệt với cô, lúc này chiếc xe mới chậm rãi rời đi.
Ôn Chủy Vũ vừa mệt lại vừa đuối. Sau khi vào đến nhà cô bèn tiện tay đặt túi quà lên bàn trà, còn mình thì về phòng tắm rửa nghỉ ngơi.
Lúc chuẩn bị đi ngủ thì đã hơn bốn giờ sáng.
Nhìn thời gian hiển thị trên màn hình điện thoại, Ôn Chủy Vũ có chút đắn đo. Cô không biết có nên tắt đồng hồ báo thức và ngủ thẳng một giấc cho đến khi tự mình thức dậy vào sáng mai hay không. Tuy ngày mai phòng tranh không có sự vụ gì quan trọng nhưng công việc thường nhật vẫn cần cô đến giải quyết, hơn nữa bức tranh vừa mới vẽ xong vẫn đang để ở trong phòng vẽ chưa kịp cuộn lại, sau khi bận xong chuyện ở xưởng vẽ thì cô vẫn có thể vào văn phòng ngủ bù. Ôn Chủy Vũ do dự một hồi rồi mới quyết định không tắt báo thức, cô vẫn sẽ rời giường đúng giờ giống như mọi khi.
Hậu quả của việc ngủ trễ là sẽ luôn đau khổ khi phải thức dậy vào ngày hôm sau, thêm vào đó cả người cũng sẽ cực kỳ uể oải mất tinh thần.
Ôn Chủy Vũ buồn ngủ tới mức mở mắt không lên, sau khi xuống lầu thấy dì Tôn đang dọn đồ ăn sáng, cô bèn nói với bà: “Dì Tôn, con cần một tách cà phê đậm đặc, cảm ơn.”
Do tối qua Ôn Chủy Vũ đã ăn khuya nên hiện tại cô không cảm thấy đói. Cô ngồi xuống bàn, ăn xong nửa chén cháo nhỏ thì bê ly cà phê đi ra phòng khách.
Sau khi đã tựa lưng lên ghế sô pha thì Ôn Chủy Vũ mới chú ý đến món quà hôm qua của Diệp Linh, cô cầm túi giấy lên lấy hộp quà ở bên trong ra.
Hộp gỗ tử đàn được làm theo kiểu cổ điển, bên trên nắp hộp có khắc hình cây tùng, những mặt còn lại đều chạm trổ hoa văn mai, lan, trúc, cúc. Nhìn vào kỹ thuật chế tác là có thể biết được hộp gỗ này được làm thủ công, hơn nữa những năm gần đây giá gỗ cây tử đàn ngày một tăng. Dù là tay nghề hay chất liệu, cái nào cũng chứng minh hộp quà này có giá trị không hề nhỏ.
Bên trong hộp gấm là tám thỏi mực được xếp ngay ngắn, bên trên mỗi thỏi đều in hình những nhân vật khác nhau.
Ôn Chủy Vũ sững sờ nhìn những thỏi mực cũ vừa dày vừa nặng đang nằm bên trong hộp. Cô ghé sát lại ngửi một chút, bay vào mũi là một mùi hương rất dễ chịu. Thứ mùi này mộc mạc nhưng thanh nhã, là mùi của dược liệu Đông y hòa quyện cùng mực tàu lâu năm.
Cô rút ra một thỏi, chỉ thấy mặt còn lại của thỏi mực có in dòng chữ “giám chế bởi Tào Tố Công huyện Hấp”.
Tào Tố Công là một trong bốn bậc thầy chế tạo mực nổi tiếng đời nhà Thanh, mực của ông ấy chính là loại mực cổ có từ thời Khang Hi.
Ôn Chủy Vũ đặt thỏi mực trong tay xuống rồi lấy ra một thỏi khác ngắm nhìn sau đó liền trả nó về chỗ cũ, cô đóng nắp hộp lại rồi cho vào túi đựng. Xong xuôi thì lấy điện thoại ra gọi cho Lý Bân, bảo anh ta đến đón cô đi làm.
Cô mang quà Diệp Linh tặng cho mình đến xưởng vẽ, đợi cô làm xong công tác kiểm tra thường ngày thì Diệp Linh mới tới.
Ôn Chủy Vũ cầm theo món đồ cổ kia đến văn phòng của Diệp Linh để trả lại cho nàng ta.
Trông thấy chiếc túi trên tay Ôn Chủy Vũ, Diệp Linh ngước mắt lên nhìn cô rồi nghiêng người về phía trước hỏi: “Không phải Chủy Vũ muốn trả lại quà mừng năm mới cho tôi đó chứ?”
Ôn Chủy Vũ đáp: “Món quà này quá quý giá, tôi không thể nhận được.”
Diệp Linh cười nói: “Tôi cũng là tình cờ gặp được người bán loại mực này mà thôi, thấy chúng hợp với em nên mới mua tặng.”
Những lời Diệp Linh nói, Ôn Chủy vũ chỉ dám tin một nửa. Cô đặt hộp mực lên bàn làm việc của nàng ta rồi bảo: “Giám đốc Diệp, tôi còn có việc phải bận.” Rồi bèn xoay người đi ra ngoài.
Diệp Linh gọi với theo: “Chủy Vũ.”
Ôn Chủy Vũ quay đầu lại nhìn Diệp Linh bằng ánh mắt ngờ vực.
Diệp Linh nói: “Quà này tôi đã tặng đi rồi, nay lại bị em trả về thật là tệ làm sao! Chi bằng em vẽ giúp tôi một bức chân dung đi, có được không?”
Ôn Chủy Vũ đảo mắt nhìn Diệp Linh một lượt, nội tâm lay động, chợt nhớ tới bức Diệp Linh Âm Hồn kia nên đã đồng ý: “Giám đốc Diệp giữ lại chỗ mực này đi, tôi sẽ vẽ tặng chị một bức.”
Diệp Linh không ngờ Ôn Chủy Vũ sẽ đồng ý nhanh đến thế, ánh mắt nàng ta không kiềm được mà sáng lên, lập tức nói: “Vậy cứ xem như số mực này là quà mừng năm mới kèm quà cảm ơn là được rồi.”
Ôn Chũy Vũ không chịu tiếp thu lời này của Diệp Linh, cô vẫn để hộp mực lại trên bàn rồi bỏ đi. Khi ra đến cửa cô còn tiện tay đóng cửa giúp nàng ta, sau đó đi đến phòng hội họa để bồi(1) cho bức Hoàng Trụy Cửu Tiêu đồ.
(1) Bồi – 裱: hay bồi tranh (裱畫) là kỹ nghệ trang hoàng, làm đẹp cho tranh. Môn kỹ nghệ bồi tranh ra đời để tạo nên sự bảo hộ, che chở, thông qua việc bồi thêm các lớp giấy ở lưng, bồi thêm lụa ở biên giúp cho các tác phẩm thư họa thông qua các lớp bảo vệ có thể lưu truyền từ đời này đến đời khác mà ít bị hư hỏng. Ngoài ra việc bồi tranh cũng giúp tăng thêm tính nghệ thuật của thư họa.
So với việc vẽ yêu ma quỷ quái trong dãy Côn Luân thì bức Diệp Linh Âm Hồn này lại đơn giản vô cùng.
Đêm khuya thanh vắng.
Trong phòng vẽ, dưới ánh đèn sáng rực cùng những bức tường thủy tinh trong suốt, một người phụ nữ tóc dài ăn mặc thanh lịch đang im lặng ngồi trên chiếc ghế ở gần cửa ra vào.
Ánh sáng xán lạn chiếu rọi lên dáng vẻ âm u của nàng ta, làm nổi bật lên đôi mắt thao láo đang nhìn đăm đăm vào người khác. Ôn Chủy Vũ cảm thấy đặt tên cho bức họa này là “Oan hồn đòi mạng” cũng không sai, nếu thêm vào một chút hiệu ứng gió lạnh kèm âm khí u ám, nói không chừng còn có thể làm poster phim kinh dị.
Nhưng tranh này vốn là để dành tặng cho Diệp Linh, Ôn Chủy Vũ thật sự không thể biến chân dung nàng ta thành áp phích phim kinh dị được.
Một bức tranh yên tĩnh không có “âm khí”, người trong tranh có gương mặt xinh đẹp ưu nhã, mang theo khí chất điềm tĩnh…
Đầu bút của Ôn Chủy Vũ rơi trên mắt rồi dừng lại.
Con mắt là cửa sổ tâm hồn, mà cũng là linh hồn của toàn bộ bức tranh.
Nếu như vẽ mắt không đẹp, bức tranh sẽ mất đi sức sống, trở thành một mảnh tĩnh lặng.
Tất nhiên Ôn Chủy Vũ biết rõ lúc đó Diệp Linh đang nhìn ai. Tối hôm ấy, Diệp Linh ngồi ở cửa đợi cô suốt tám tiếng đồng hồ.
Trời khuya tĩnh mịch, nhưng có một dòng xúc cảm đang chảy xiết.
Ôn Chủy Vũ hạ bút, điểm mắt cho người trong tranh.
Vẽ xong mắt, cả bức tranh như sống dậy. Ánh mắt chăm chú kia, sâu sắc mà tình cảm tựa như đang ngắm nhìn người thương trong lòng, dõi theo rất lâu rất lâu.
Ngay cả Ôn Chủy Vũ khi nhìn vào ánh mắt đó còn sinh ra loại ảo giác như thoắt cái đã trôi qua nghìn năm.
Cô cười tự giễu mình một tiếng rồi bỏ bút xuống. Một cảm giác khó tả lướt qua tâm trí cô, sau đó lại cảm thấy thư thái.
Diệp Linh thích cô cũng tốt, không thích cô cũng tốt, giao tình của hai người các cô chỉ nên giới hạn ở mức này.
Sau khi gửi tranh cho thợ bồi, đợi bức tranh được bồi xong cô liền mang nó qua cho Diệp Linh.
Diệp Linh rất bất ngờ khi nhận được cuộn tranh do Ổn Chủy Vũ mang đến, nàng ngẩn người một lúc rồi mới giơ tay lên nhận tranh. Diệp Linh đứng dậy đi đến bên sô pha, lại gọi Ôn Chủy Vũ ngồi xuống cùng mình rồi mới chậm rãi mở bức tranh ra.
Tầm mắt của nàng ta dừng trên bức chân dung hồi lâu.
Ôn Chủy Vũ cảm thấy có chút không thoải mái.
Tuy rằng lúc đầu cô muốn vẽ một bức U Hồn nhưng cuối cùng lại vẽ ra cảnh đêm đó Diệp Linh đang ngồi đợi mình. Tâm tư cùng tình cảm của Diệp Linh dành cho cô, tất cả điều được thể hiện bên trong bức chân dung này.
Khóe miệng Diệp Linh cong lên, nụ cười trên gương mặt dần dần nở rộ. Nàng ta đặt bức tranh xuống, quay sang nói với Ôn Chủy Vũ: “Chủy Vũ thật hiểu tôi.”
Diệp Linh suýt khiến Ôn Chủy Vũ nổi hết da gà, cô nói: “Tranh đã xem xong, nếu giám đốc Diệp cảm thấy không có vấn đề gì vậy tôi xin cáo biệt.”
Trên môi Diệp Linh mang theo ý cười: “Có chứ”. Nàng ta bảo: “Đôi mắt trong các bức tranh của em từ trước đến nay vẫn luôn sinh động có hồn, bất kể là vẽ người hay vẽ yêu, em đều có thể vẽ ra được cảm xúc của chúng.”
Ôn Chủy Vũ khách sáo trả lời: “Giám đốc Diệp đã quá khen, tôi thật không dám nhận.”
Diệp Linh ngậm cười, ngẩng đầu nhìn Ôn Chủy Vũ. Tâm tư của nàng, Ôn Chủy Vũ thừa hiểu nhưng sự khách sáo ấy cũng đã biểu thị rõ thái độ của cô. Ôn Chủy Vũ như thế này đột nhiên làm cho nàng nhớ tới tiểu yêu ở trong tranh của Côn Luân Tiểu Quái. Dưới ngòi bút của Côn Luân Tiểu Quái, tiểu yêu đó đã được chứng kiến bao câu chuyện buồn vui hợp tan của yêu linh trong dãy Côn Luân thần sơn. Nhưng nó lại giống như một người qua đường, một người bàng quan đứng ngoài câu chuyện của chúng sinh.
Ôn Chủy Vũ đón lấy ánh nhìn của Diệp Linh, ánh mắt ấy dường như muốn nhìn thấu tâm tư của cô, cũng lại giống như đang xuyên qua người cô để nhìn đi nơi khác.
Diệp Linh hỏi: “Chủy Vũ à, không biết có ai đã từng nói với em rằng em rất giống tiểu yêu tinh trong tranh của mình chưa?”
Ôn Chủy Vũ lắc đầu: “Không có”. Tranh của cô chỉ có mình Diệp Linh sở hữu, sau khi Diệp Linh mua lại toàn bộ tranh họa của cô thì mới có người phát hiện ra tiểu yêu tinh đang ẩn mình trong ấy. Lúc này đây, cô không thích ánh mắt đó của Diệp Linh. Lời nói của Diệp Linh khiến cho cô cảm thấy hơi khó chịu, cảm giác như đang bị người ta soi mói. Ôn Chủy Vũ đứng dậy: “Nếu không có việc gì vậy thì tôi về trước.” Sau đó cô vẫy tay tạm biệt rồi lập tức rời đi.
Diệp Linh dõi theo Ôn Chủy Vũ, thấy cô ra khỏi phòng còn giúp nàng ta đóng cửa lại, không khỏi nhỏ giọng cười thành tiếng. Nàng tiến lại gần bức tranh, tiếp tục chiêm ngưỡng bức chân dung được Ôn Chủy Vũ vẽ cho.
Ôn Chủy Vũ rất có linh tính, linh tính này được cô mang vào trong tranh nên dễ dàng khơi dậy sự đồng cảm và tình cảm của nàng.
Chỉ từ ánh mắt của người trong tranh, nàng lập tức hiểu được rằng Ôn Chủy Vũ cô ấy biết rất rõ.
Ôn Chủy Vũ giống như tiểu yêu tinh, đều trải qua hết thảy những việc kia nhưng lại tự tách mình ra khỏi chúng.
Trong tranh của Ôn Chủy Vũ diễn ra vô số cố sự sinh ly tử biệt, vui buồn hợp tan. Nàng không biết liệu những việc này có ảnh hưởng gì đến Ôn Chủy Vũ hay không, cũng không biết có phải Ôn Chủy Vũ đang dùng những hình ảnh kia để miêu tả lên nội tâm sâu thẩm bên trong mình?
Diệp Linh chỉ biết rằng nàng không muốn bản thân trở thành một quang cảnh thoáng qua trong mắt Ôn Chủy Vũ, không muốn làm một người khách qua đường vội vã lướt ngang cuộc đời cô, càng không muốn giây phút bản thân xuất hiện trong tranh của cô quá đỗi ngắn ngủi như thế. Nàng muốn giữ Ôn Chủy Vũ lại bên mình, muốn nắm lấy tay cô, không để cô rời khỏi.
Diệp Linh lấy điện thoại ra gửi cho Ôn Chủy vũ một dòng: “Tranh này, tôi rất thích.”
Ôn Chủy Vũ nghe thấy tiếng thông báo thì mở điện thoại lên xem, là tin nhắn của Diệp Linh gửi tới. Sau khi đọc xong cô bèn xóa luôn tin nhắn.