Khoái Tướng Truy Phu - Tống Diên Phong - Chương 10: Ai báo cáo?
Bọn họ đi dọc bên ngoài hàng rào, kiểm tra cẩn thận các lỗ hổng. Sau đợt tấn công lần trước vành đai bảo vệ cần gia cố lại nhiều lần để hoàn chỉnh hơn.
Hai giờ chiều là thời điểm nóng nhất trong ngày, nhưng nơi này luôn lạnh lẽo như giữa mùa đông. Tán cổ thụ che hết ánh nắng, lá rụng dày trên mặt đất ẩm ướt, không có loài thực vật tầng thấp nào sống tốt ở đây, trừ cây dâu tằm ma.
Tên của nó vốn là Yểm Tang, thuộc chi dâu tằm, sinh trưởng nhiều ở vùng hạ lưu sông Thu Tiều. So với tổ tiên thì giống cây dâu này thấp bé hơn, mật độ lá ít, phần rễ lại không ngừng quấn lấy rễ những cây gần nó, bất kể khác loài hay đồng loại, hút sạch chất dinh dưỡng, nên được người dân gọi là dâu tằm ma cà rồng, ngắn gọn là dâu tằm ma.
Gây hại như thế nhưng Yểm Tang được trồng khá nhiều. Từ khi con người phát hiện tằm ăn lá của nó sẽ tạo ra những kén tơ thượng hạng thì diện tích các bãi bồi phì nhiêu quanh vùng đều dành riêng cho dâu tằm ma sinh trưởng. Một mình một cõi, loài cây này vẫn mật độ thưa thớt vì cây lớn nuốt cây bé.
Lá dâu tằm ma nhỏ xíu như bàn tay trẻ con, màu xanh lục nhạt, sản lượng cực thấp. Người dân nuôi tằm chỉ cho tằm ăn Yểm Tang lần cuối trước khi chín lên né nhưng kén tơ tạo ra cũng chẳng đủ đáp ứng được một phần mười nhu cầu thị trường.
Lụa Yểm Tang từ lâu đã nổi tiếng khắp thế giới. Bên cạnh vẻ đẹp trang nhã, đông ấm hè mát, loại lụa này còn có công dụng “cải lão hoàn đồng”. Bởi vì mặc trên người thường xuyên sẽ giúp làn da ngày càng mịn màng tươi trẻ một cách tự nhiên. Khoa học cũng đã chứng minh, trong tơ có những hoạt chất kích thích tế bào tái tạo nhanh hơn, giảm sự lão hóa. Chỉ hiềm nỗi thành phẩm quá khan hiếm, chỉ dành phục vụ tầng lớp thượng lưu, kéo theo giá trị nguyên liệu đầu vào được nâng cao gấp trăm nghìn lần.
Tuy vậy, ít người biết một công dụng vô cùng quan trọng khác của tơ Yểm Tang.
“Tôi muốn thêm một ngôi sao sáu cánh nhỏ bao lấy nơi này được chứ?”
Đặng Sĩ Khiêm quay lại, nghiêm túc nhìn Tống Diên Phong.
Sau khi đi một vòng bên ngoài, anh ta dẫn cậu vào trung tâm “cấm địa”.
Cậu nhìn quanh rồi đáp.
“Ý anh là vị trí kén lớn đúng không? Không thành vấn đề.”
Đây mới là nhiệm vụ chính của cậu ở Ty Đoan, bảo vệ vòng ngoài khu thí nghiệm.
Dùng khả năng của mình, cậu lập ra trận đồ loại đơn giản nhất, hình sao sáu cánh với mỗi cạnh khoảng năm kilomet. Các tinh thần thể tràm ghim ở các đầu mút và điểm giao nhau tạo thành một hàng rào hai lớp khép kín vây lấy toàn bộ “sân sau”. Trung tâm khu thí nghiệm vừa vặn nằm trong hình lục giác ở giữa. Được bảo vệ là thế nhưng tháng trước bọn họ suýt bị xâm nhập.
Những năm qua nơi này rất bình yên, trong thời gian ngắn lại có kẻ ngoại lai tấn công hai lần, sinh ra khá nhiều nghi vấn.
Bản thân Đặng Sĩ Khiêm là người chịu trách nhiệm chính thì có vẻ bình thản, không có mấy áp lực.
Anh ta còn băn khoăn.
“Mấy cây dâu không ảnh hưởng đến tinh thần thể của cậu sao?”
Trước giờ cậu luôn ở vòng ngoài, từng vào trung tâm “cấm địa” này một lần nhưng không can thiệp vào phối trí xung quanh. Những cây tràm cổ thụ mấy trăm năm tuổi với bộ rễ ăn sâu bám chặt vẫn đứng vững chung sống với đám dâu tằm ma. Có thể nguồn dinh dưỡng chúng cần không quá lớn,
Tống Diên Phong khẽ cười.
“Tinh thần thể thực vật cũng không thật sự hút dinh dưỡng từ đất mà lớn lên.”
Giống như tinh thần thể động vật không cần ăn uống, chúng tìm mồi theo bản năng mà thôi.
Anh ta tiếp tục thắc mắc.
“Nhưng chúng nở hoa theo mùa. Lại còn cần ong thụ phấn để kết quả.”
Nhắc đến Tống Diên Phong liền nhớ ra.
“Tôi còn chưa hỏi anh đây. Cây ra hoa muộn một chút chỉ là chuyện nhỏ, anh báo cáo lên trên làm gì. Tôi thật sự không cần dẫn đường khai thông.”
Thân là một dẫn đường, Đặng Sĩ Khiêm không cho là đúng.
“Cấp bậc của cậu không thấp, không được chủ quan.”
“Tôi biết mà. Lần sau mấy vụ hoa lá anh đừng viết vào báo cáo nữa có được không? Đó là chuyện của cá nhân tôi.”
“Đâu phải tôi muốn lắm lời.”
Đặng Sĩ Khiêm chợt thấy hơi oan. Tại tên nào đó không tự mình trông chừng được mới yêu cầu anh đây theo dõi từng ly từng tí, chứ ai rảnh rỗi đi quản nhiều như thế.
“Nhưng mà tràm của cậu ra hoa muộn à? Vì sao? Lần trước bị thương ảnh hưởng đến chúng đúng không?”
Tống Diên Phong nghe ra khác thường trong lời ngài tiến sĩ nhiều chuyện. Cậu nghi hoặc xác nhận lại.
“Anh không biết sao? Có phải là anh báo cáo lên cấp trên việc tinh thần thể của tôi ra hoa muộn không?”
Đặng Sĩ Khiêm hơi nhíu mày.
“Tôi không chú ý chuyện đó. Dù sao tôi cũng không nhìn thấy mấy cây tràm của cậu, chỉ khi nào cậu cho phép tôi nhìn thì tôi mới thấy được mà. Trong báo cáo tôi có nhắc chuyện cậu bị thương, không thể khai thông, cần dẫn đường cấp cao đến hỗ trợ. Nhưng thầy Hà chưa phản hồi gì cả. Nhân sự bị cắt giảm không bổ sung. Chuyện bảo vệ cũng để tôi tự tìm cách đây. Bây giờ tổng bộ quăng thái độ lạnh nhạt đối với nơi này như vậy thật làm người ta chua xót.”
Vẻ mặt anh ta bớt vui, chắc nghĩ đến tình cảnh tồi tàn của khu thí nghiệm. Tống Diên Phong cũng không dám tỏ ý kiến. Qua lời Khoái Triệt, cậu không cho rằng tổng bộ muốn xóa sổ dự án ở đây, mà chỉ là đang tiến hành một kế hoạch gì đó.
Bỏ qua vấn đề cấp quốc gia này, cậu nhớ đến câu hỏi đầu tiên mà Khoái Triệt đặt ra khi họ gặp nhau.
“Vì sao cậu ra hoa muộn nữa rồi?”
Lúc đó cậu không để ý, giờ ngẫm lại, Khoái Triệt không những biết chuyện, mà còn biết đây không phải lần đầu chúng nở muộn.
Đúng vậy, đây là lần thứ hai tinh thần thể tràm của cậu chậm ra hoa. Lần đầu tiên là khi cậu mới đến Ty Đoan. Theo lý thuyết, hẳn không có ai biết chuyện đó.
Như vậy, một lần nữa cậu phải tự hỏi.
Làm thế nào Khoái Triệt biết?
Một suy nghĩ lóe lên nhưng nhanh chóng vụt mất trước khi Tống Diên Phong kịp nắm bắt. Chưa chờ cậu hình dung lại, Đặng Sĩ Khiêm đã bảo.
“Vậy cậu làm việc đi, xong thì đến đó tìm tôi.”
Sau đó anh ta xoay người đi luôn.
Tống Diên Phong biết anh ta đến chỗ kén lớn ở phòng thu hoạch.
Cậu gác chuyện riêng trong đầu sang một bên, tập trung nhìn lối mòn dưới chân và khung cảnh xung quanh, quyết định làm dấu cẩn thận trước khi đi xem xét tổng thể. Muốn tính toán vị trí ghim các nút giao trên trận sao sáu cánh thì cậu cần có hình dung chi tiết về toàn bộ khu rừng nhỏ này.
Khác với chỗ gần hàng rào kẽm gai toàn cổ thụ và dây leo chen nhau, càng đi vào sâu càng có nhiều dâu tằm ma. Lá của chúng màu trắng sữa như bị bạch tạng. Đây là Yểm Tang biến dị.
Tống Diên Phong phát hiện không chỉ dâu tằm mà mà loài bướm tằm sinh trưởng ở đây cũng biến dị, đa số chủng cấp C, vài con chủng cấp B.
Loài bướm tằm hoang dã này không thể thuần hóa, nên họ không nuôi mà để chúng tự do hoạt động bên ngoài, chỉ giới hạn khu vực để dễ kiểm soát.
Ấu trùng bướm theo bản năng bò lên cây ăn lá nên khá nhiều cây bị trơ trụi. Trên mỗi cành gầy khẳng khiu đều có vài con sâu màu xanh lục, một số đã tạo thành kén màu trắng bán trong suốt, kích thước lớn hơn kén tằm thuần hóa một chút.
Ngẫm lại cái kén tằm rất lớn mà cậu từng nhìn thấy giữa phòng thu hoạch. Không biết nơi này rốt cuộc nghiên cứu cái gì. Vì kích thước khổng lồ kia không khỏi làm người ta nghĩ rằng, bên trong không phải tằm, mà là người.