Hôm Nay Vương Gia Lại Đi Bán Đậu Phụ - Hú Ki Bán Bánh Táo - Chương 61: Một bao gạo trắng, bán lương tâm
- Trang Chủ
- Hôm Nay Vương Gia Lại Đi Bán Đậu Phụ - Hú Ki Bán Bánh Táo
- Chương 61: Một bao gạo trắng, bán lương tâm
Huyện Đại Ngư là một huyện nghèo ở xa tri phủ. Ngoại trừ thị trấn bọn họ đang trú ngụ thì xung quanh còn hơn mấy chục làng chài nghèo khó, người dân vẫn kiếm sống chủ yếu bằng nghề ngư phủ.
Trấn Tiểu Ngư nằm ngay dưới mí mắt quan tri huyện, do nơi đây sở hữu một bến cảng thường xuyên có thuyền buôn tới neo đậu. Cũng là trạm dừng bổ sung nước ngọt cùng lương thực mà các thương lái nhỏ ưa thích. Vừa để các thuyền viên nghỉ ngơi vừa tiện thể trao đổi buôn bán một số thương phẩm cho bà con trong trấn. So với các làng xã vắng vẻ neo người xung quanh, thị trấn tuy nhỏ nhưng là nơi sầm uất hơn hẳn. Các hộ gia đình đều có ngón kinh doanh, công việc làm ăn khấm khá, điều kiện đủ dư dả để nuôi trong nhà một vài người đọc sách.
Tuy vậy ngay cả trấn Tiểu Ngư cũng không có một nhà giàu nào đáng để so sánh với đám trọc phú ở kinh thành. Do đây là vùng kinh tế yếu kém, thiên nhiên khắc nghiệt, sản vật khó săn bắt. Đa số nhân dân ở huyện Đại Ngư không thể nuôi trồng sản xuất cũng không đánh bắt, kinh doanh với quy mô lớn như những huyện khác.
Chưa kể đến thiên tai ở vùng này xảy ra liên miên, hết hạn hán lại tới bão biển, những hộ ngư phủ có khi ra khơi nhiều ngày không đánh bắt được gì. Người dân ở làng chài sinh sống bữa đói bữa no đều nhờ vào bám biển, việc bảo tồn sinh mạng còn khó khăn chớ nói đến tìm con chữ. Vậy nên tô thuế ở nơi đây nhiều chỗ được miễn giảm, nếu năm đó xảy ra thiên tai còn được triều đình cử khâm sai đến hỗ trợ thêm.
Thế nhưng vẫn có một ngoại lệ, tuy rằng bổng lộc của quan tri huyện mỗi năm thật sự không tồi so với một hộ khá giả. Ông ta cũng không tham ô vơ vét thuế má của nhân dân, ngoài làm quan cũng không buôn bán kiếm thêm bên ngoài. Vậy mà nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy cơ ngơi bề thế của tri huyện xây trên đất thị trấn không hề tầm thường một chút nào. E rằng ngay cả quý tộc, phú thương nổi tiếng ở Ngạo Thiên Thành trông thấy cũng phải thốt nên biệt phủ này được xây dựng đủ xa hoa phú quý.
Vậy vấn đề đặt ra là tiền tài ở đâu để tri huyện có thể xây được nhà lớn bằng gỗ trắc, mái lợp ngói lưu ly, bên trong còn có vô số nội thất quý giá khiến tri phủ các châu nhìn thấy cũng phải giật mình? Không cần nói cũng biết đều đến từ những đồng tiền bất minh không rõ lai lịch.
Trong mấy chục làng xã ở huyện Đại Ngư tồn tại một làng nhỏ, nhân khẩu hơn trăm người. Kỳ lạ là đám người này không phải ngư phủ, cũng không phải thương nhân. Địa hình của ngôi làng này cũng khác với những làng chài trong huyện. Họ xây nhà trong hang động, dựa lưng vào núi đá kiên cố, nghe nói người bên trong mặt mày hung dữ, cũng không giao thiệp nhiều với dân chúng lân cận. Người bản xứ đi qua đây đều tự giác tránh né không dám đụng chạm.
Mà địa điểm nhận dạng của ngôi làng trùng khớp với những gì cậu bé Ngọc Hải đã nói với hai người Thụy, Hiên.
Bởi vì ngư dân đánh bắt cá trên biển rất nguy hiểm, mỗi năm đều không có ít người thiệt mạng. Số mộ gió trên cát cũng đồng nghĩa với một hoặc nhiều đứa trẻ đã mất cha. Nếu người mẹ không nuôi được con hoặc cũng không may mắn qua đời, đám nhỏ sẽ qua tay từng người thân một. Số lượng trẻ mồ côi như vậy rất nhiều, vì quá nhỏ, sẽ không có ai để ý kiểm soát. Dân làng hằng ngày mải chạy ăn từng bữa, vì không biết chữ nên cũng không quan tâm những việc hành chính rắc rối. Theo truyền thống nơi đây chỉ khi dựng vợ gả chồng cho con cái họ mới bắt đầu đem con gà nậm rượu đi tìm xã trưởng để nhờ vả việc đăng kí hộ tịch.
Bởi vì hệ thống trị an lỏng lẻo, phía trên cũng cố tình lờ đi những chuyện như vậy mà thuận theo lệ làng. Đám trẻ có mất tích dần cũng không ai để ý, dù sao cũng không nhiều người muốn sẻ thêm bát cơm đôi đũa cho đám nhỏ. Lại nghe lời dụ dỗ của kẻ khác, bán bọn trẻ đi ở đợ cho nhà giàu. Một bao gạo trắng bịt miệng làm nhiều người mờ mắt, họ cho rằng chúng không nguyện ý thì sau này cũng có cơm ăn ba bữa không lo chết đói. Bản thân gia đình họ dù có đông người cũng sẽ đủ gạo ăn cả tháng, về sau cũng coi như đứa trẻ kia chưa từng tồn tại trong dòng tộc.
Cứ như vậy đám trẻ mồ côi bị đưa đến động đá nuôi nhốt, chờ ngày bán đi. Đa số bọn nhỏ sẽ bị bán làm con nuôi cho nhà giàu hiếm muộn hoặc làm người hầu. Một số trẻ em gái có nhan sắc bị lầu xanh thu mua hoặc đưa lên tàu đem bán cho thương lái nước ngoài. Bị cướp mất tự do, sống dưới thân phận nô lệ bán qua tay nhiều người như một món hàng, món đồ chơi được mua với số vốn rẻ mạt.
Nghèo đói và thiếu tri thức thật đáng sợ, chúng khiến con người thân thiết nhất của đám trẻ cũng táng tận lương tâm bán chúng đi. Trở thành món hời trong mắt đám ác nhân bán linh hồn cho quỷ dữ đổi lấy gạo trắng, đổi bạc nén vàng ròng. Sống sung sướng trên máu thịt nước mắt của đám trẻ thơ vô tội.
Đám người đọc xong tin tức trong thư đều lặng đi, ai nấy đều căm hận nhíu chặt mày, tay nắm chặt thành quả đấm. Có sư đệ không nhịn được bắt đầu mắng chửi liền bị Quý Vỹ sư huynh ngăn lại. Đôi mắt người làm cha cũng đã sớm nổi tia máu đỏ quạch lại vẫn bình tĩnh nắm lấy vai sư đệ nhỏ tuổi ấn xuống ghế khuyên giải.
– Trước mắt không thể rút dây động rừng, người của chúng ta đã thu thập được bằng chứng tri huyện nhúng tay vào. Hơn nữa không chỉ có đám trẻ, còn có cả thư từ của ông ta cùng bọn thương lái ngoại quốc thương lượng chuyện buôn lậu muối…
Đối với triều đình, việc buôn lậu muối được xếp vào trọng tội. Tội chồng thêm tội, người của Quý Vỹ cũng đang ngày đêm phi ngựa nhanh nhất có thể đem mật thư đến cho người của Hạnh Hoa đang túc trực ở Hình Bộ. Phòng trừ trường hợp bên trên tri huyện nhỏ nhoi vẫn còn có kẻ chống lưng khác mới khiến ông ta gan to tày trời như vậy.
Lưới trời lồng lộng, kẻ làm điều ác đều sẽ bị trừng trị thích đáng.