Hồi Đáo Lê Triều - Dạ Du - Chương 21: Giữa Dòng Nước Xiết
– Chết rồi! Không chừng bọn chúng là thổ phỉ cũng nên! – Phan Huệ nói một câu khiến Thu Đào càng thêm chắc chắn điều mình lo lắng là đúng.
Sau một lúc suy nghĩ, cả ba quyết định nhân lúc bọn chúng đánh nhau hỗn loạn mà lén bỏ chạy. Nhưng chạy đường nào lại là một vấn đề nan giải kế tiếp! Thu Đào thì khỏi phải nói, người của năm 2022 đến đây được vài tháng thì làm sao biết đường biết sá gì. Phan Huệ lại đến từ Tây Kinh, chân ướt chân ráo được vài hôm thì đã bị Lê Đắc Hoàng bắt mất. Duy chỉ có Kim Ngọc là dân nữ ở thôn Đoan cách hoàng thành chỉ hơn một dặm đường, vì vậy nàng ta là người biết rõ lối về hoàng thành nhất. Nhưng khốn thay! Kim Ngọc từ bé chưa bao giờ đi đến trấn Lạng Sơn này, nàng ta không rõ phải đi từ hướng nào mới có thể đến thôn Đoan rồi vào hoàng thành được. Thời gian không có nhiều, Thu Đào quyết định:
– Chúng ta cứ nhắm hướng ngược lại con đường đi từ sáng đến giờ mà chạy! Dù sao thì cũng cần thoát khỏi bọn chúng trước đã, lạc đường thì từ từ rồi cũng sẽ về được thôi!
Cả ba thống nhất ý kiến rồi cởi phăng mấy sợi dây thừng trói hờ trên cổ tay ra, Thu Đào vén tấm màn nhìn trái phải thấy đao kiếm đang chém nhau hỗn loạn, nàng phóng nhanh ra trước, Phan Huệ và Kim Ngọc vội vã bám sát theo sau. Cả ba cắm đầu chạy chưa được mười bước chân thì đã nghe tiếng bọn người Chu Kính đuổi theo và nói liên tục mấy câu tiếng phương Bắc:
– 站住! (Đứng lại)
– 要跑? 没那么容易! (Muốn chạy à? Đâu có dễ như vậy)
– 给我抓! (Bắt chúng lại cho ta)
Thu Đào bị vết thương dưới lòng bàn chân đau nhói nên cứ bước thấp bước cao, nhảy ra khỏi xe đầu tiên nhưng nàng là người ở vị trí sau cùng, cố gắng lắm mới bám theo được hai người kia. Không may, bọn chúng còn đến năm sáu tên đuổi theo bắt cả ba lại, Thu Đào tự biết phen này chắc khó lòng thoát nổi. Rồi chưa kịp nghĩ thêm điều gì, Thu Đào đã cảm nhận được một cú đạp như trời giáng xuống từ phía sau lưng đánh “phịch” một tiếng, nàng chới với rồi ngã chúi về phía trước úp hẳn mặt xuống đường. Cơn mưa đã làm cho đất mềm ra, dính bê bết trên gương mặt Thu Đào tội nghiệp!
– Sao các ngươi lại ra tay nặng với nữ nhi như vậy! Đúng là lũ khốn!
Tiếng mắng của Phan Huệ văng vẳng bên tai Thu Đào, lúc này nàng đang bị cơn sốt hành hạ, lại thọ thêm một cước không thương tiếc của tên phương Bắc nên đầu óc cứ quay cuồng, không còn nhìn rõ được mặt ai nữa! Tiếp đó, Thu Đào cảm giác bị ai đó vác xốc lên, đầu cắm hẳn xuống đất mà nằm vắt vẻo trên vai một tên trong số chúng, chỉ trong tích tắc, cơn chóng mặt qua đi thì nàng đã thấy mình và cả hai người kia không ai chạy thoát, đều đã bị chúng áp giải lên thuyền. Khi đã hoàn toàn trấn tĩnh, Thu Đào đứng bật dậy phản kháng, định lao hẳn xuống sông rồi bơi vào bờ bỏ trốn tiếp thì bị chúng túm lấy, trói hai tay ra sau lưng, nàng lớn tiếng la hét:
– Thả ta ra! Tên khốn kiếp buông ta ra!
Từ bờ sông, Lê Hạo bất lực gọi lớn:
– Thu Đào! Là nàng đúng không? Thu Đào!
Thu Đào nghe thấy giọng Lê Hạo thì rất đỗi vui mừng, nàng vừa vùng vẫy khỏi tay tên khốn kiếp vừa hướng về bờ sông mà hét khản giọng:
– Cứu ta! Lê Hạo cứu ta!
Biết đó chắc chắn là Thu Đào, Lê Hạo liền cố gọi với theo vài lần nữa nhưng khoảng cách đã quá xa, không còn nghe rõ đối phương nói gì. Chàng nhanh chóng quay lại phóng lên lưng ngựa rồi cứ thế chạy dọc bờ sông đuổi theo con thuyền.
Lê Hạo kiên trì đuổi theo suốt nửa giờ. Màn đêm bao phủ khiến chàng khó khăn lắm mới nhìn thấy và đuổi kịp được con thuyền đang băng băng trôi trên dòng nước thuận. Hi vọng của Lê Hạo trong phút chốc vỡ tan tành khi thấy trước mắt là ngọn đồi to tướng trấn ở giữa dòng chẻ con sông ra làm hai nhánh. Khốn thay! Chiếc thuyền dần chuyển hướng sang nhánh sông chảy về phía bên kia đồi, bỏ lại Lê Hạo đứng tức giận đấm tay vào không khí mà rít lên:
– Khốn kiếp!
* * *
Trong lúc Lê Hạo gấp rút đuổi theo con thuyền để cứu Thu Đào thì Lê Nghi Dân cùng thuộc hạ đang đánh nhau với năm tên lâu la bị bỏ lại của lão thương buôn Chu Kính. Lê Đắc Hoàng hèn nhát lóng ngóng hết nấp sau lưng người này lại nằm mọp xuống đất để né tránh đao kiếm đang chém xoang xoảng trên đầu. Cay cú vì bị Lê Đắc Hoàng dẫn đồng bọn đến đánh giết, một tên lâu la phương Bắc tức giận xông tới định giơ đao lên chặt đầu Lê Đắc Hoàng cho bỏ ghét, vừa ra chiêu vừa chửi rủa bằng giọng nói tiếng Đại Việt lơ lớ:
– Lê Đắc Hoàng khốn kiếp, ta giết ngươi!
Lê Đắc Ninh thấy đại ca gặp nguy hiểm liền quên mất giữ bí mật mà gọi lớn:
– Đại ca!
Rồi hắn nhanh chóng nhặt một cục đất khá to dùng hết sức lực ném mạnh vào cổ tay tên phương Bắc một cái rất chuẩn xác.
Bụp! Cục đất bay vào cổ tay bằng một tốc độ thần sầu làm gã hét lên đau đớn, thanh đao trên tay rơi ngay xuống đất:
– Á!
Ngay sau đó ba bốn tên tức giận đồng loạt lao tới tấn công Lê Đắc Ninh.
Nghi Dân đứng đấy chứng kiến toàn bộ sự việc và đang rất ngạc nhiên khi nhận ra Lê Đắc Ninh và Lê Đắc Hoàng – tên khốn mà Lê Tuấn đang truy tìm- lại là hai huynh đệ, nhưng trước mắt thấy Đắc Ninh đang bị cao thủ phương Bắc tấn công dữ dội, xem chừng không còn chống đỡ được lâu nữa bèn tuốt gươm xông vào tương trợ. Tên cao thủ dùng song đao chém tới tấp về phía trước, Nghi Dân và Lê Đắc Ninh một người bên trái, một người bên phải chia nhau chống đỡ và tấn công từ hai phía. Lúc hai người áp sát lưng vào nhau để giữ an toàn phía sau cho đối phương, Lê Đắc Ninh cầm kiếm chĩa thẳng về đối thủ, ánh mắt hắn sắt lạnh thủ thế chừng một phút, rồi bất ngờ phi thân lên dùng chiêu hiểm từ trên chém liên tiếp xuống. Tên phương Bắc bất ngờ không kịp phản ứng nên bị chém liên tiếp hai nhát vào vai và cổ, máu phụt ra văng đầy trên gương mặt lạnh lùng dữ tợn của Lê Đắc Ninh. Thấy gã võ công thâm hậu nhất cũng đã bị giết, quân số lại ít hơn, những tên còn lại lần lượt buông kiếm xin hàng.
Những chiêu thức hiểm độc của Lê Đắc Ninh vừa rồi hệt như một cuốn phim quay chậm trình chiếu cho Nghi Dân xem lại toàn bộ cảnh tượng hắn ta đã bị phục kích vào đêm dự cung yến. Vẫn là tư thế ấy, chiêu thức ấy, nhất là đôi mắt mở trừng trừng quyết liệt lúc xuống tay nhìn thẳng vào mặt nạn nhân, Nghi Dân đã suýt chết dưới tay tên sát thủ đó nên làm sao có thể quên được. Đêm bị truy sát, dù bị Trúc Diệp Thanh của Tuyên Từ Thái Hậu làm cho đầu óc không được tỉnh táo, nhưng trước khi ngất xỉu Nghi Dân vẫn nhớ như in ánh mắt và cách xuống tay lạnh lùng đó.
Một loạt dữ liệu chạy xẹt ngang trong tâm trí Lê Nghi Dân, hắn lờ mờ nhận ra một sự thật rằng tên Lê Đắc Ninh – thị vệ thân cận nhất của Thái Hậu- mười phần hết chín đích thị là tên sát thủ nhận lệnh ám sát mình, hơn nữa, mối quan hệ của Lê Đắc Ninh và tên lưu manh Lê Đắc Hoàng cũng chính là nguyên cớ và điểm tựa cho huynh đệ hắn ở kinh thành tác oai tác quái mấy năm nay.
Lê Nghi Dân nheo nheo mắt nhìn theo Lê Đắc Ninh đang cùng thuộc hạ thu dọn tàn cuộc, bắt trói ba tên phương Bắc đã đầu hàng lại.
– Dẫn chúng về cho Hoàng Thượng trị tội! – Lê Đắc Ninh ra lệnh cho thuộc hạ.
– Vậy còn tên đầu sỏ Lê Đắc Hoàng thì sao? Ta muốn chặt đầu hắn đem về để lập công có được không? – Lê Nghi Dân cười khẩy lên tiếng.
Nghe câu nói của Lê Nghi Dân, Lê Đắc Hoàng rụn rời chân tay, quỳ sụp xuống bên cạnh xác của tên phương Bắc vừa bị giết mà run rẩy. Lê Đắc Ninh thoáng chút hoang mang, nhưng với sự gan lỳ vốn có, hắn bình tĩnh hỏi dò:
– Lạng Sơn Vương nói vậy là có ý gì?
Lê Nghi Dân cười ha hả lên rồi tiến đến gần Lê Đắc Hoàng đang quỳ đó như kẻ mất hồn, đoạn đôi mắt hắn trợn trừng dữ tợn nhìn thẳng vào Lê Đắc Ninh, gằng giọng từng chữ một:
– Ta- muốn- chặt – đầu- Lê- Đắc- Hoàng!
Rồi vung đao lên chém xuống dứt khoát.
Bụp!
Đầu của tên phương Bắc đã chết lìa khỏi cổ trước sự ngỡ ngàng của huynh đệ Lê Đắc Ninh. Lê Đắc Hoàng sau phút giây hãi hùng mồ hôi vã ra như tắm, hắn ngồi xuống đánh “phịch” một cái rồi nhắm mắt thở hắt ra nhẹ nhõm. Lê Nghi Dân cúi xuống nhặt cái đầu lâu giơ lên rồi nói lớn trước đám thuộc hạ:
– Đây chính là tên Lê Đắc Hoàng đang lén bỏ trốn theo gã thương buôn, bị Lạng Sơn Vương ta bắt được chặt đầu rửa hận cho Nguyễn đại tiểu thư! Các ngươi đã rõ chưa?
– Dạ! Lạng Sơn Vương! – Toàn thể thuộc hạ của Lê Nghi Dân nhất loạt tung hô tuân lệnh.
Xong đâu đấy, Lê Nghi Dân ném cái đầu xuống dưới chân Lê Đắc Ninh rồi nhìn hắn bằng ánh mắt của chủ nhân nhìn kẻ tôi tớ:
– Cái mạng của huynh đệ nhà ngươi giờ là của ta!
Lê Đắc Ninh lúc này không hề biết đã bị Nghi Dân phát hiện ra mình chính là tên sát thủ đêm cung yến, trong lòng hắn dấy lên nỗi nghi hoặc to lớn rằng tại sao Lạng Sơn Vương lại ra tay bảo vệ huynh đệ hắn. Nhưng việc đã đến mức này, giữ mạng mới là quan trọng, ai là chủ nhân thì cũng như nhau cả. Tần ngần trong giây lát, Lê Đắc Ninh từ từ chấp hai tay trước mặt hành lễ với Lê Nghi Dân, nhỏ giọng đủ để hai người nghe:
– Thuộc hạ đa tạ ơn cứu mạng của Lạng Sơn Vương!
* * *
Đêm đã khuya, sương đêm và nước mưa ban chiều còn đọng trên những tán cây thi nhau rơi xuống làm vai áo của Lê Tuấn ướt đẫm. Chàng và Phan Tường đang đi trên đoạn đường hẹp hiểm trở, chỉ một chút nữa thôi là vào được khu đất bằng phẳng dẫn đến trấn Lạng Sơn. Bất chợt hít phải luồng không khí lạnh, Lê Tuấn ho lên những tràng dài không dứt, Phan Tường cưỡi ngựa đi bên cạnh lo lắng hỏi:
– Hoàng Thượng, xin bảo trọng long thể, ta tìm chỗ trú qua đêm, sáng mai lại lên đường có được không?
– Chưa tìm ra nàng ta không thể nào chợp mắt! Chi bằng ta cứ đi dọc theo con đường này biết đâu sẽ có hi vọng! – Lê Tuấn bướng bỉnh đáp.
– Bọn chúng cũng sẽ dừng lại nghỉ ngơi chứ không thể cứ đi trong đêm lạnh thế này, Hoàng Thượng cứ đi thế này cũng không thể gặp chúng được đâu! Xin hãy nghe thần, ta tìm chỗ nghỉ ngơi thôi! – Phan Tường van nài thêm.
Trước sự khẩn khoản của Phan Tường, sau đôi ba lần do dự nửa muốn nghe theo lời can gián nửa muốn đi theo tiếng gọi của con tim, Lê Tuấn quyết định sẽ phi nước đại vào trung tâm trấn Lạng Sơn, đến thẳng phủ đệ của Lê Nghi Dân để qua đêm tại đó. Vì dù sao đây cũng là con đường duy nhất dẫn đến Nam Quan – Cửa ải để bước qua biên giới vào lãnh thổ của Minh triều, trên đường đi nếu có đoàn người nào đang muốn về phương Bắc thì chắc chắn sẽ gặp được thôi. Lê Tuấn vừa đi vừa thầm cầu mong sẽ bắt gặp đoàn người đang bắt giữ Thu Đào, hoặc ít nhất là đến Lạng Sơn Vương Phủ sẽ nghe được tin tức tốt lành gì từ Nghi Dân chăng?
Tại bến đò cách cổng chính dẫn vào trấn Lạng Sơn không xa, Lê Tuấn và Phan Tường bị toáng người của Lê Nghi Dân và Lê Đắc Ninh đang xôn xao thu dọn bãi chiến trường lúc nãy làm cho chú ý. Khi khoảng cách đã đủ gần, dưới ánh sáng nhoè nhẹt của đám lửa mà Chu Kính bỏ lại, Lê Tuấn đã nhận ra ngay binh phục của đội Cấm Vệ Quân bèn lên tiếng hỏi:
– Lê Đắc Ninh! Là các ngươi đúng không?
Nghe thấy giọng Lê Tuấn, cả Nghi Dân và Đắc Ninh đều vô cùng ngạc nhiên, đồng loạt ngoái đầu lại nhìn rồi tất thảy những ai có mặt đều vội vàng quỳ xuống khi thấy vua bất chợt xuất hiện:
– Hoàng Thượng vạn tuế!
Qua lời thuật của Lê Nghi Dân, vị vua trẻ biết mình đến trễ một bước nên tức giận tuốt kiếm chĩa thẳng vào mặt Lê Đắc Ninh mắng:
– Vô dụng!
– Thần biết tội! Xin Hoàng Thượng tha mạng! – Lê Đắc Ninh sụp quỳ sụp xuống cầu xin.
Lê Nghi Dân biết rõ bước tiếp theo mình cần làm là thu phục cho được tên mãnh tướng đắc lực của Thái Hậu, bèn đỡ lời cho hắn:
– Hoàng Thượng bớt giận! Trước tiên là nên nhanh chóng phái người đến đón sẵn tại ải Nam Quan sẽ có cơ hội gặp được bọn chúng! Vì dù là đường bộ hay đường thuỷ đều phải qua Nam Quan mới về phương Bắc được! Hãy giữ cái đầu của Lê Đắc Ninh lại đấy, cho hắn đoái công chuộc tội vậy!
Sau lời nhắc nhở của Nghi Dân, Lê Tuấn mới chợt nhớ ra ngoài con đường bộ duy nhất dẫn về lãnh thổ nhà Minh thì vẫn có thể đi đường thuỷ được. Chàng đấm ngực không thôi tự trách bản thân bất lực, không đủ sáng suốt để sớm cứu được Thu Đào, đoạn Lê Tuấn thu kiếm lại ra lệnh cho Lê Đắc Ninh:
– Mau! Ngươi lập tức dẫn người đến ải Nam Quan đón bắt cho được bọn chúng. Không tìm được Nguyễn tiểu thư Trẫm sẽ giết hết các ngươi!
– Thần tuân chỉ!
Lê Đắc Ninh mừng rỡ vì thoát tội, hắn vái lạy vua xong liền kín đáo nháy mắt ra hiệu cho Lê Đắc Hoàng đang trà trộn trong vệ binh cùng rút lui, trước khi rời đi hắn không quên ngoái nhìn tỏ ý cảm ơn Nghi Dân một lượt nữa.
Về đến Lạng Sơn Vương Phủ, sau khi chuẩn bị người ngựa cho Lê Đắc Ninh đến ải Nam Quan, Lê Tuấn thân nhiễm phong hàn càng lúc càng nặng nhưng vẫn nhất quyết muốn đi cùng mặc cho Phan Tường hết lời can gián. Do thời gian gấp rút, nếu di chuyển bằng xe ngựa sẽ không nhanh bằng chỉ cưỡi ngựa, vì vậy Lê Tuấn từ chối được ngồi trong xe, chàng cứ thế cưỡi trên lưng ngựa cùng đoàn quân đi suốt đêm dưới màn sương lạnh giá, tấm áo choàng trên lưng cũng không thể giữ ấm đủ, mắt mũi chàng cứ đỏ ửng lên và cay xè vì khí lạnh cứ xộc thẳng vào mặt.
Tiếng móng ngựa va xuống mặt đường lộc cộc nghe hối hả khuấy động đêm khuya vốn tĩnh lặng, hình bóng ai cứ chảy tràn trong tâm tưởng làm xao xuyến trái tim bậc quân vương chưa từng biết ải mỹ nhân..
* * *
Thu Đào bị xô một cái thật mạnh ngã nhào vào một góc thuyền, hai tay bị trói chặt nên chật vật lắm mới ngồi lên được. Lòng đầy căm phẫn, nàng bất giác nghĩ đến thân phận cũng có phần “hiển hách” của mình mà ấm ức lắm, đoạn nàng nhìn thẳng mặt Chu Kính mắng:
– Ngươi sẽ phải hối hận vì dám bắt bổn Chiêu Nghi ta!
– Hứ! Chiêu Nghi? – Chu Kính cười nhếch mép hỏi đểu.
– Phải! Người lúc nãy gọi ta chính là Bình Nguyên Vương của Đại Việt, ngươi nghĩ ta có thể là ai mà phải đích thân Bình Nguyên Vương đến cứu? – Thu Đào đanh thép đáp trả.
Chu Kính nghe lời có lý thoáng chút chột dạ, hắn nheo mắt nhìn nàng dò xét từ đầu đến chân. Nắm bắt được sự lay động của hắn, Thu Đào tiếp:
– Khôn hồn mau thả bọn ta ra, ít ra ngươi còn giữ được mạng chó! Nếu ta có tổn hại gì ngươi chắc chắn không bước ra khỏi lãnh thổ Đại Việt được! Hoàng Đế Đại Việt rất sủng ái ta, Người nhất định đang chặn sẵn ở khắp nơi để bắt ngươi!
– Ngươi nghĩ ta tin ả nha đầu thối tha như ngươi chắc? – Chu Kính vẫn cố gắng tỏ vẻ bình tĩnh vặn lại một lần nữa.
Thu Đào biết Lê Hạo lúc nãy đã nhận ra mình trên thuyền, với thân phận của chàng và mối
Giao tình giữa đôi bên, chàng chắc chắn sẽ không bao giờ bỏ mặc Thu Đào không lo. Chắc chắn chàng sẽ cùng Lê Tuấn bằng mọi giá truy đuổi khắp trấn Lạng Sơn để tìm nàng. Nghĩ thế, Thu Đào tiếp tục “thao túng tâm lý” lão già Chu Kính:
– Ngươi có thể không tin ta! Nhưng hãy nghĩ cho kỹ, nếu như ta nói dối, ngươi cùng lắm mất vài trăm quan tiền đã mua bọn ta. Còn nếu ta nói thật, e là cả cái mạng ngươi cũng không giữ nỗi! Ta khuyên ngươi hãy liệu mà suy tính, ngày mai cứ thử đi dọ thám khắp trấn Lạng Sơn mà xem, Hoàng Thượng chắc chắn đang lùng sục tìm cho ra các ngươi đấy!
Phan Huệ từ nãy đến giờ chăm chú lắng nghe cuộc đối thoại giữa hai người thì nàng ta cũng đã thấy được tia hi vọng thoát thân. Rồi nghĩ đến ca ca của mình, Phan Huệ bèn giúp Thu Đào một tay, dùng miệng lưỡi “trấn áp” lão già Chu Kính:
– Phải, nếu ngươi còn ngược đãi bọn ta thì chắc chắn phải trả giá, ca ca ta thuộc hạ của Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành, Thu Đào đúng là đại tiểu thư của Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Đại Việt ta!
Bị hai cô nương liên tiếp dùng lời lẽ dồn vào chân tường, Chu Kính tức giận vì cảm thấy bị hai đứa nữ nhi nhãi nhép làm cho mất mặt trước thuộc hạ. Hắn ngang tàng thách thức:
– Lão tử đây không cần biết cái ngươi thân thế hiển hách đến đâu, chỉ cần đã lọt vào tay ta, thì chắc chắn chờ mà đi làm nô bộc, kỹ nữ đi!
Nói xong lão cười ha hả trong sự hoang mang tột độ của ba vị cô nương tội nghiệp. Kim Ngọc từ nãy đến giờ co rúm người im lặng vì biết bản thân chẳng có ai làm hậu thuẫn, nàng nhất thời không kìm được mà khóc nấc thành tiếng làm Chu Kính chú ý. Lúc ấy, Chu Kính tuy tức giận vì bị Thu Đào hâm dọa, nhưng hắn nghe qua lời nàng nói cũng có lý nên tạm thời chẳng dám động đến nàng và Phan Huệ, để đề phòng nếu lời nàng nói là thật, hắn còn có người để làm con tin mà thoát tội. Chỉ còn mỗi Kim Ngọc có vẻ chỉ là một dân nữ, hắn bèn nỗi máu đê hèn định lấy nàng ta ra mà trút giận. Chu Kính nhăn nhở nhìn Kim Ngọc nói:
– Được lắm! Nếu hai ngươi đã lợi hại như vậy, ta sẽ giữ lại làm con tin, đòi thêm mấy nghìn lượng vàng chắc Hoàng Đế Đại Việt không chê nhiều đâu nhỉ? Ta nể tình hai ngươi, không bắt cô nương đây làm kỷ nữ nữa, làm tiểu thiếp của ta vậy!
Nói xong hắn liền cười nhăn nhở, ra hiệu cho ba bốn tên thuộc hạ đến lôi Kim Ngọc ra định giở trò.
Kim Ngọc tội nghiệp vùng vẫy van xin:
– Thả ta ra, xin tha cho ta! Cứu ta với!
– Đồ khốn, mau bỏ nàng ta ra!
Thu Đào phẫn uất vừa hét vừa lao tới, dùng cả thân mình húc vào người Chu Kính một cái thật mạnh làm hắn chới với lùi lại mấy bước. Hắn tức giận đưa tay lên định tát Thu Đào. Lúc ấy, từ trong tiềm thức sâu xa, Thu Đào cảm giác được một nguồn nội lực dồi giàu từ bên trong tràn ra mãnh liệt, chiêu thức ở đâu tung ra rất điêu luyện, nàng nhanh thoăn thoắt khom người xuống tránh được cái tát tay của hắn, còn kịp thời tung luôn một cước vào giữ bụng làm Chu Kính bay xa cả mét, nằm sóng soài trên mạng thuyền.
– Ngươi có võ công? – Chu Kính ngơ ngác vừa lồm cồm ngồi dậy vừa hỏi.
Thu Đào trong phút chốc ngẩn người không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Bỗng nàng nghe tiếng Kim Ngọc và Phan Huệ la lên cảnh báo:
– Coi chừng!
Thu Đào lúc này bằng thính giác của một người có võ công đã nhanh chóng nghe ra luồng gió của thanh đạo chém vào không khí tạo ra âm thanh “vun vút” đang trờ tới chực bổ nàng ra làm đôi. Nàng lách người sang một bên tránh được đòn hiểm, thân thủ tuy nhanh nhẹn, nhưng do hai tay bị trói nàng chẳng thể tấn công chúng được mấy chiêu. Tên thuộc hạ đang tấn công Thu Đào biết nàng thất thế, hắn hung hãn lao đến định túm lấy Thu Đào rồi giáng một cú tát xuống cho hả giận. Tay hắn vừa vung lên đã nhanh chóng bị Thu Đào bắt trọn, bốn bàn tay khóa chặt vào nhau. Hắn lập tức xoay người liên tiếp hai vòng để thoát ra thì bị Thu Đào đưa chân ra cản cho ngã chúi đầu xuống giữa dòng sông, Thu Đào bị bất ngờ không kịp thủ thế nên bị hắn kéo theo cùng ngã xuống nước.
Ùm!
Thu Đào cảm nhận dòng sông đang ôm trọn lấy cả thân người mình, nước từ từ len lỏi qua ba lớp y phục rồi chạm vào da thịt nàng lạnh ngắt! Trên đầu nàng là tiếng gọi của Phan Huệ với âm lượng nhỏ hẳn đi do cách một lớp nước dày:
– Thu Đào! Thu Đào!
Không khí trong phổi cạn dần, bong bóng không khí từ trong miệng nàng liên tục tuôn ra trồi ngược lên mặt nước. Một cuộn phim quay chậm lia nhanh trong tâm trí Thu Đào. Nàng trông thấy một ngày nắng đẹp cùng Lê Hạo cưỡi ngựa bắn cung, hai người cùng đuổi bắt nhau trong hoa viên phủ Điện Tiền.. Có cả một lần giữa mùa đông lạnh, Thu Đào mang trầm hương đến thắp cho Lê Hạo đọc sách, nàng mồi lửa từ lò sưởi sang lư đốt trầm, vô tình làm cháy xém cả một tấm rèm gần giá sách..
Nước đã tràn vào miệng làm Thu Đào bị ép phải uống ừng ực từng ngụm to, nàng vùng vẫy trong dòng nước để cố ngoi lên. Hai tay bị trói chặt, Thu Đào dùng chân mà đạp lấy đạp để xuống lòng sông. Vừa đưa mặt lên khỏi mặt nước, hớp chưa đầy một ngụm không khí nàng lại bị dòng nước chảy xiết nhấn chìm.. Cảnh tượng nàng cùng Lê Hạo đọc sách ngâm thơ, tỉ võ đấu kiếm một lần nữa hiện rõ mồn một trong ký ức.
– Ta là ai? Ký ức này là của ta? Hay của Thu Đào?
Thu Đào vùng vẫy dùng nội lực không biết từ đâu mà có để tháo dây trói, trong tiềm thức không ngừng vang lên muôn ngàn câu hỏi về đoạn ký ức lạ kỳ.
* * * Hết chương 21 —-