Hẹn Một Mai - Riber Vũ - Chương 22: Bình an đi thôi
Buổi sáng, bệnh viện thường đông đúc người qua lại mà khoa của Nguyễn Hải Miên sẽ không đông đúc như các khoa khác, lượng bệnh nhân ra vào rải rác. Đa phần những người tìm đến khoa Tâm thần đều là những người trẻ tuổi. Nguyễn Hải Miên đối với trong ngành này mà nói cũng là một người trẻ, nhưng kinh nghiệm lại khá phong phú. Lúc ở nước ngoài, cô đã phải bôn ba khắp thành phố với đủ thể loại tham vấn từ bệnh viện, phòng khám, trường học, hay thậm chí là phối hợp với khoa tâm thần để đưa ra phương án điều trị. Trong những ngày tháng đó, Nguyễn Hải Miên dường như muốn thông cảm với cả thế giới này vì họ thật sự khổ sở quá.
Vì thế mà khi trở về nước và tiếp tục làm việc trong lĩnh vực này, tuổi tác không lớn nhưng vẫn đủ để tạo lòng tin. Với sự nhiệt huyết với nghề và điềm tĩnh trong giải quyết công việc, Nguyễn Hải Miên nhận được nhiều cơ hội từ những anh, chị trong khoa và cả sự tin tưởng của những người đang khám. Hôm nay đặc biệt có nhiều hồ sơ chuyển từ khoa Thần kinh tới và cũng có nhiều hồ sơ chuyển đi tới khoa Thần kinh. Vốn dĩ, rất nhiều người nhầm lẫn giữa hai khoa và còn có cả những người nghe tới hai chữ “tâm thần” liền có cảm giác xấu hổ, tồi tệ khi đến vì sợ người khác biết mình bị bệnh tâm thần. Mà thực tế, ba chữ “bệnh tâm thần” cũng mang nhiều đả kích.
Thường niên, ở các khoa thường tổ chức nhiều các hội thảo về chuyên ngành. Năm nay khoa của Thần kinh tổ chức hội thảo với chủ đề về căn bệnh suy giảm nhận thức do mạch máu và sa sút trí tuệ được tổ chức vào cuối tuần buổi chiều.
“Nè nè, mấy cô tham vấn trị liệu có muốn đi không? Hội thảo cũng thú vị phết đấy.” Một nữ bác sĩ tâm thần trong khoa đang ngồi trong văn phòng vào giờ nghỉ trưa. Một vài người khác xung quanh đã tranh thủ gục xuống bàn nghỉ ngơi một lát.
“Khoa mình nên có vài người đi đi nhé, không ai đi thì kì lắm đấy.” Một nam bác sĩ tâm thần trông già dặn ngồi quay mặt vào bàn máy tính, trên tay là hộp cơm mang từ nhà đến.
Nguyễn Hải Miên đang tra cứu một vài thông tin về buổi hội thảo, trùng hợp là cuối tuần này vẫn rảnh rỗi một ít thời gian “Cuối tuần này em rảnh, mấy bé thực tập có muốn đi cùng không?”
“Cô Miên đúng là nhiệt huyết thật, sau này đám già này đỡ khổ đi rồi.” Nói xong lão bác sĩ hơi hói bật cười, những người khác cũng nhoẻn miệng cười theo. Nguyễn Hải Miên thì ngượng ngùng khi trở thành nhân vật chính trong câu chuyện “Ai nói anh chị già? Không già chút nào, vẫn tươi xanh mơn mởn à nha!”
“Chị Hải Miên nói đúng đó, khoa mình ai cũng tuổi xì tin mà.”
Tiếng cười nói vui vẻ vô tình lọt vào tai một nhóm người đi ngang qua. Khoa Tâm thần nằm hơi khuất vì đặc thù và cần sự yên tĩnh nhưng nơi này cũng vì thế mà thường là nơi nghỉ trưa bí mật của các y bác sĩ khác trong bệnh viện. Phạm Thanh Tú cùng nhóm y bác sĩ khác hữu ý đi ngang qua, vô tình tầm mắt phóng đến khe cửa sổ. Nguyễn Hải Miên bởi vì nhìn thấy một chú chim đang bay bên ngoài mà ánh mắt lơ đễnh phía ngoài cửa sổ. Đột ngột cũng nhìn thấy, khoảng cách xa như vậy nhưng ngỡ là chạm phải một ai đó. Sự va chạm không thể nhìn thấy này diễn ra tích tắc với sự sửng sốt khó nhìn thấy, Đều là những người trưởng thành, biểu cảm rất dễ che giấu nhưng ánh mắt ấy thì không. Cô cứ ngỡ như… anh cũng giống mình.
Khi trở về văn phòng, Phạm Thanh Tú tựa người ra ghế. Đôi chân dài tùy ý để sang hai bên, hay tay khẽ đặt lên bụng. Hình như, anh thấy đôi mắt của mình hơi nóng. Không biết phải dùng thái độ như thế nào, ngôn từ nào để biểu đạt được rõ được cảm xúc rối bời này. Trôi qua lâu như vậy rồi nhưng không thể xem như là người xa lạ… cũng không biết phải đối mặt với quá khứ đã chôn vùi những 10 năm nhưng không thể quên đi triệt để như thế nào.
Là bởi vì tiếc nuối nên không quên đi được sao?
“Mấy cô thực tập sinh bên khoa Tâm thần trông nhiệt huyết, năng động thật. Đúng là tuổi trẻ mà.” Một nam bác sĩ tóc đã nửa bác trên tay cầm bình nước giữ nhiệt chầm chậm uống nước.
” Nhớ lúc tôi với ông cùng vào không? Y hệt như vậy.”
“Hình như chỉ có hai cô thực tập thôi, người còn lại là thạc sĩ chuyên ngành tâm lý học lâm sàng đấy, trẻ như vậy mà đã là thạc sĩ rồi.”
Bàn luận rất sôi nổi về tuổi trẻ, hoài niệm tuổi xuân luôn là đề tài thường thấy với những người đã bắt đầu cảm giác được sự già hóa của bản thân. Một người đàn ông dáng đi hiên ngang mang vào một vài tờ giấy “Khoa ngành có hội thảo ai có muốn tham gia không?”. Ánh mắt dường như dồn tới cái người trẻ nhất văn phòng này. Dường như cảm nhận được quá nhiều ánh mắt đang nhìn mình, nên anh cũng choàng tỉnh sau một giấc ngủ nông.
Người đàn ông mặc blouse cầm mấy tờ giấy tới đưa đến bàn cho Phạm Thanh Tú.
“Cậu xem thử đi, cậu là người trẻ thật ra là nên đi.”
Phạm Thanh Tú hơi nheo mắt nhìn chủ đề trên tờ giấy, một vài đề mục, giới thiệu về hội thảo cả thời gian diễn ra. Dường như thời gian có hơi không thuận tiện nên trông anh có vẻ chần chừ. Chỉ đến khi lật đến mặt cuối cùng, Thanh Tú lại không suy nghĩ gì nữa mà rút cây bút mực đang vắt bên trong túi áo blouse trực tiếp điền tên, chớp nhoáng chỉ có mười mấy giây. Người đàn ông đứng cạnh gật đầu rồi cũng đưa tờ giấy này cho người khác điền tên.
Buổi chiều cuối tuần đó, Quỳnh phàn nàn Hải Miên vì cô bận đi hội thảo mà không cùng cô đi chọn mặt bằng quán như đã hẹn mà để cô ấy đi một mình. Than phiền là thế nhưng cô nàng vẫn lấy con chiến mã của mình ra hộ tống Nguyễn Hải Miên đến nơi. Nơi diễn ra buổi hội thảo là một hội trường không quá lớn cũng không quá nhỏ. Bởi vì tính chất trang trọng mà hôm nay Nguyễn Hải Miên đặc biệt ăn mặc chỉn chu hơn mọi ngày một chút. Nguyễn Hải Miên đứng ở bên ngoài chờ hai cô bé thực tập sinh đến rồi mới vào chỗ ngồi. Vị trí là được sắp xếp, buổi hội thảo này quy mô không lớn không nhỏ nên số người tham gia từ bệnh viện cô đang công tác đến cũng không quá đông nên được sắp xếp ở vị trí không thuận lợi lắm. Chỉ là vừa bước vào chổ ngồi không lâu sau đó, đột nhiên vì sự xuất hiện của Phạm Thanh Tú mà đáy lòng trở nên run rẩy. Ánh mắt của anh nhìn qua cô một chút rồi ngồi vào vị trí bên cạnh khiến Hải Miên có hơi khẩn trương mà bàn tay không biết vì nhiệt độ hay cảm xúc bối rối mà trở nên lạnh lẽo đến mất cảm giác.
“Chị ơi, mở giúp em chai nước này được không, tay em trơn quá.” Cô bé thực tập sinh ngồi bên cạnh khều nhẹ vào vai áo của Miên, nét mặt cô bé ngượng ngùng vì phải nhờ vả người khác chuyện nhỏ như vậy. Nguyễn Hải Miên trước giờ vẫn luôn là người dễ chịu nên cô gật đầu nhanh chóng rồi cầm chai nước từ tay cô bé. Chỉ cần vặn một chút, nhưng hôm nay tại sao nắp chai nước lại cứng hơn mọi ngày vậy? Ánh mắt Hải Miên nhìn cô bé có chút bối rối, nhất định đừng nghĩ rằng cô yếu đuối đến mức một chai nước cũng không mở nổi nhé!!!
Phạm Thanh Tú liếc qua bên cạnh mình một chút, dường như sự bối rối trên gương mặt cô, anh hơi nghiêng người qua phía bên phải, giọng nói vẫn nhỏ nhẹ, dịu dàng như trước chỉ là thời gian đã cho thêm vào đó là hương vị của người đàn ông trầm ổn, có lực hơn ngày trước.
“Để tôi thử mở nhé?”
Nguyễn Hải Miên lại một lần nữa lúng túng nhưng giả bộ tự nhiên lơ đãng một chút gật đầu nhẹ rồi cũng đưa chai nước qua cho anh. Lúc cầm lấy chai nước ấy trong lòng Thanh Tú lại hơi nở hoa, thân chai ở nơi Hải Miên cầm nhiệt độ có vẻ thấp hơn nơi khác. Anh dường như bắt gặp một mảnh hồi ức nhỏ của ngày đó. Không tốn quá nhiều sức lực, anh đưa lại chai nước đã mở cho Hải Miên rồi hỏi tiếp “Em có muốn uống nước không?”
Cô hơi bất ngờ vì bị hỏi, nhưng lại nhận ra năm tháng qua anh vẫn luôn là người đối xử dịu dàng với mọi người xung quanh, đó cũng là một trong các lí do mà khiến Thanh Tú trong mắt Hải Miên ngày đó trở nên tuyệt vời đến lạ, mà hình như bây giờ cũng như thế. Bởi vì cô nghĩ rằng, một người có đủ sự kiên nhẫn để đối xử với mọi người đều nhẹ nhàng ấm áp ắt hẳn sau này sẽ là một người cha tốt và có thể là người đủ bao dung hết những gì mà cô mang đến.
Chỉ đáp lại anh một tiếng ừm nhẹ nhàng, anh lại nhanh nhẹn chủ động mở thêm một chai nước đưa đến. Mọi thao tác đều diễn ra thành thục và tự nhiên. Một khắc cầm lại chai nước, để giải vây sự ngượng ngùng của cô gái, Phạm Thanh Tú nở nụ cười nhẹ nhàng, trông hơi bông đùa mà nói “Chai này không chặt như chai vừa rồi.” Cô bé thực tập uống một ngụm nước rồi nhanh nhẩu choàng người qua.
“Chắc là vậy rồi, chứ làm gì có chuyện một cái nắp chai nước mà chị Miên mở không được.”
Phạm Thanh Tú không phải là người khó gần, anh tự nhiên trả lời.
“Vậy sao?”
Vậy sao? Chính à hỏi cho ngày trước. Ngày trước, người nào đó đã nũng nịu, ngại ngùng nhờ anh mở giúp một chai nước ngọt. Mà anh vẫn luôn nghĩ rằng con gái có chút yếu ớt nhờ vào sự giúp đỡ của bạn trai không phải là điều gì xấu hổ, rất đáng yêu mà. Mà cũng lúc đó, Thanh Tú cũng nghĩ là có lẽ phần xương cổ tay Hải Miên có chút yêu nên không mở được. Hóa ra, người nào đó luôn âm mưu gài bẫy anh.
“Đúng vậy đó, lần trước dọn văn phòng chị Miên một mình bê mấy thùng hồ sơ, bệnh án đi qua đi lại, thật sự là khỏe như trâu!”
Nguyễn Hải Miên nghe con bé phóng đại mà trợn tròn mắt. Cái gì mà như trâu! Xong lại liếc nhìn bộ dạng tán dương của Phạm Thanh Tú cũng cảm thấy có hơi chột dạ. Ngày trước bản thân luôn phải rút đi một nửa năng lực trước mặt anh… Bây giờ lại bị phơi bày. Nhung một thoáng nghĩ khiến Hải Miên chợt bừng tỉnh.
Đã qua 10 năm rồi, anh đâu chắc sẽ còn nhớ.
“Em giỏi thật đấy nhưng mà nếu được hãy nhờ sự trợ giúp nhé!” Nụ cười của anh vẫn luôn duy trì, vừa ôn nhu vừa đúng mực. Lời nhắc nhở không cảm thấy quá phận mà càng tăng thêm sự điềm tĩnh và trầm ổn, tựa như một người anh đang quan tâm.
“Đúng đó, chị Miên còn có tụi em mà, tụi em cũng khỏe lắm chị yên tâm sai bảo.” Cô bé ngồi xa hơn một chút cũng ngả người tới cười tươi tắn.
“Ừm, cảm ơn các em. Lúc đó hi vọng các em vẫn nhiệt huyết như vậy.”
Trò chuyện một lát thì buổi tọa đàm bắt đầu. Những âm thanh xôn xao trong hội trường nhỏ dần rồi trở nên im ắng đi. Mọi ánh mắt đều dồn về phía sân khấu có màn hình trình chiếu lớn. Dường như đây là đề tài rất được chú ý, Nguyễn Hải Miên nghe rất chăm chú và note lại những điều cần thiết. Phạm Thanh Tú thỉnh thoảng liếc mắt sang nhìn cô, dường như bị thu hút bởi dáng vẻ nghiêm túc lắng nghe. Chợt khiến anh nhớ về mấy năm đó, cô cũng từng chăm chú lắng nghe anh nói, nghe anh giảng bài. Trong lòng bỗng chốc nặng trĩu không nói nên lời, thời gian đã chẳng chờ đợi một ai, cô bé năm nào đã trưởng thành và giỏi giang đến nhường này, càng không ngờ rằng một ngày nào đó lại cùng là đồng nghiệp.
“Chúng ta bây giờ đang là đồng nghiệp đúng không?”
Âm thanh trong hội trường không lớn lắm, giọng nói của anh lại đặc biệt vang lên ngay bên tai dường như là đang thì thầm. Nguyễn Hải Miên ngồi ngay bên cạnh giật mình quay mặt lại nhìn anh, trùng hợp rằng anh cũng đang nhìn cô.
“Phải không?” Phạm Thanh Tú lặp lại một lần nữa giống như xác định người anh đang hỏi là cô.
“Ừm… chúng ta là đồng nghiệp.”
Nguyễn Hải Miên hơi máy móc trả lời. Dẫu sao thì trước kia, người có lỗi với anh là cô. Cô là người đơn phương, bất ngờ chia tay với anh. Bây giờ gặp lại, cảm giác mong đợi, hi vọng là hai phần mà có lỗi, ngại ngùng là tám phần. Có lẽ, thời gian đã trôi qua đủ lâu để những câu hỏi dở dang trong quá khứ theo dòng chảy mà cuốn trôi đi mất, chỉ còn lại sự bất lực và chấp nhận kết quả mà không một lời oán than, giải thích.
Anh đâu trách than gì người, chuyện hợp tan vốn diễn ra thôi.
Chuyện buồn không tên, mình từng viết nên dẫu không còn đoạn kết mới, thì cũng đã qua rồi người ơi, bình an đi thôi.