Hạc Đầu Đình -Tác giả: Phù Vân - Chương 21: Chặn giấy ngọc thiền
“Ối giời thế thì đúng là mỹ mãn quá rồi còn gì!” – Không biết đang nói đến chuyện gì mà đột nhiên giọng Lúa cao hẳn lên, ra chiều phấn khởi lắm.
Người theo hầu Trúc là một thiếu nữ còn nhỏ tuổi tính tình đơn thuần, ngày thường ít nói lắm thế mà chỉ đôi ba câu đã bị cuốn theo cách nói chuyện của Lúa. Con bé cũng hớn hở trả lời.
“Đúng rồi, cô hai nhà chúng tôi với cậu ấy trai tài gái sắc đẹp đôi như thế, giờ trời còn phù hộ cho chuyện tốt lành đó nữa ai cũng nói hai người được trời se duyên cơ mà!”
Nghe vậy Trúc ngớ ra, cả hai thì thì thầm thầm còn tưởng là chuyện gì hoá ra lại đang nói về hôn sự của nàng!
Tuy rằng việc này không còn là bí mật ngay cả bọn gia nhân ở phủ nhà nàng cũng biết cả rồi, nhưng người ta biết là một chuyện còn nghe người ta nhắc đến lại là chuyện khác, dẫu sao chuyện tình cảm nam nữ cũng là chuyện tế nhị không tránh được sẽ thấy xấu hổ.
Lúa cùng người theo hầu Trúc không biết đến sự hiện diện của nàng, cả hai vẫn hào hứng nói về chuyện hôn sự của Trúc cho đến khi một giọng nói nghiêm nghị xen ngang.
“Không được tuỳ tiện bàn luận chuyện của chủ nhân!”
Nói chuyện rôm rả là vậy nhưng vừa nghe thấy giọng của Trúc cả hai lập tức nín bặt, quay lại đã thấy nàng đứng đằng sau từ bao giờ, tức thì cả hai sợ rụt cả người nhưng rất nhanh họ đã nhận ra điều khác lạ.
Lời nói khi nãy lạnh lùng là thế có điều ánh mắt Trúc chẳng hề giận dữ hay có ý trách mắng, lại thêm đôi tai hơi đỏ đã nói lên nàng không trách họ bàn luận chuyện của nàng chỉ là đang ngại ngùng thôi.
Kể cũng phải, có thiếu nữ nào nhắc đến chuyện nên vợ nên chồng mà không ngại ngùng bẽn lẽn đâu.
Dù Trúc thật sự tức giận hay chỉ đang dùng cái giận để giấu đi sự xấu hổ thì lời nàng nói không sai, tôi tớ không được phép bàn luận về chủ nhân. Lúa cùng người theo hầu nàng vội vàng cúi đầu nhận lỗi.
“Chúng tôi lỡ lời mong cô hai bỏ quá cho.”
Trúc không tính so đo nhiều, nàng chỉ nhắc Lúa rằng Hạc đã dùng xong bữa sáng mau vào dọn dẹp rồi dẫn người hầu đi mất.
“Người tốt ắt gặp được duyên tốt đây mà.” – Lúa lẩm bẩm.
Chợt một bàn tay vỗ lên vai gã.
“Đứng đây lảm nhảm gì đấy?”
Lúa giật mình quay phắt lại, khi phát hiện đó là Thiên gã trợn mắt mắng.
“Cha bố cái thằng này đi đứng gì như ma thế hả? Giật cả mình!” – Gã vuốt vuốt ngực, nói tiếp. – “Đang nói chuyện hôn sự của cô hai chứ chuyện gì nữa.”
Nghe thấy hai chữ hôn sự sắc mặt Thiên thoáng trầm xuống có điều Lúa chẳng nhận ra, gã dường như đã quên béng những gì Trúc vừa nhắc lại nhiệt tình nói tiếp.
“Cái hôm cô hai đến phủ nghe gia nhân đi theo nói phong thanh rằng lần này cô đến phủ chủ yếu nói chuyện cưới hỏi tao nửa tin nửa ngờ lắm, giờ mới hỏi được con bé theo hầu cạnh cô hai hoá ra đúng đấy mày ạ, đúng là cô hai sắp gả đi thật.”
Thấy Thiên không đáp Lúa lại tưởng chàng hứng thú với chuyện này lắm, gã càng hăng hái.
“Tao còn nghe lỏm được hai nhà nói chuyện chọn ngày rồi cơ, trời đất thần linh ơi mày không thể tin được đâu hồi cô hai mới quen…”
“Được rồi mày đừng nói nữa!”
Đột nhiên Thiên lên tiếng ngắt lời Lúa, giọng nói lẫn sắc mặt chàng đều thể hiện rõ sự thiếu kiên nhẫn khiến Lúa vội ngừng nói quay sang trố mắt ra nhìn chàng. Chẳng phải mỗi Lúa ngạc nhiên đâu mà chính chàng nói xong cũng phải sững người vì không ngờ bản thân lại mất bình tĩnh như vậy. Chàng lảng tránh ánh mắt Lúa, hắng giọng chữa lời.
“Gia nhân trong phủ không được bàn tán về chuyện của chủ nhân, mày nói oang oang thế ăn roi thì đừng kêu đấy!”
Chưa đầy một khắc đã có tận hai người nhắc Lúa quy củ không được bàn tán chuyện của chủ nhân, gã tự biết bản thân đuối lý trong lòng cũng e sợ bị phạt liền lảng sang chuyện khác.
“Cô hai vừa nhắc cậu cả dùng bữa xong rồi chúng ta mau vào dọn đi.”
Dứt lời gã chẳng chờ Thiên mà nhanh chân chạy vút vào trong nhà phụ vội vội vàng vàng thu dọn bát đũa, lau bàn ghế. Gã làm mọi việc ngăn nắp lại nhanh nhẹn lạ thường, nhanh đến độ Thiên chưa kịp động tay gã đã bưng mâm cơm chuồn mất dạng.
“Cậu xem hôm nay Lúa chăm chỉ hơn thường ngày phải không?” – Thiên bật cười trước bộ dạng hấp tấp như chạy trốn của Lúa.
Hạc thở dài lắc đầu vẻ bất đắc dĩ.
“Đúng rồi, ta thấy anh ta đặc biệt chăm chỉ vào ngày mồng một, mười một với hai mốt hàng tháng đấy!”
Chuyện học hành của Hạc được thầy Giáo thụ quy định cẩn thận, vào những ngày lẻ sẽ học ngũ kinh chư sử còn ngày chẵn học tứ thư cùng tinh lý. Ba ngày mồng một, mười một với hai mốt hàng tháng đều được nghỉ để làm đề văn thầy Giáo thụ giao xem đã thuộc lòng tinh thông những gì được nghe giảng hay chưa. Nội dung đề văn cũng tương tự như đề các khoa thi gồm kinh nghĩa, thơ phú, văn sách, còn khó dễ ra sao đều do thầy Giáo thụ ra đề.
Thường thì khi thầy Giáo thụ cho đề văn dễ Hạc sẽ bảo Thiên với Lúa làm thử, làm đúng sẽ được thưởng làm sai cậu không phạt chỉ kiên nhẫn giảng lại. Nhưng quái ở chỗ Hạc nhìn cái sai trong bài của hai người là biết ngay sai do hiểu không tinh thông hay sai do không chịu học. Bởi thế Lúa rất sợ mấy ngày Hạc được thầy Giáo thụ giao cho làm đề văn, mà hôm nay vừa đúng thời gian ấy chẳng trách gã nhanh nhẹn kì lạ như vậy.
Thiên nhìn tờ giấy viết đề văn đã trải sẵn trên bàn gỗ, thoạt nhìn đề rất dài không giống với đề kinh nghĩa hay thơ phú mà Hạc làm trong thời gian chàng vào phủ, chàng chỉ vào đề văn hỏi cậu.
“Đây là đề văn sách phải không cậu?”
“Đúng rồi, lần này thầy cho ta làm đề văn sách.” – Hạc gật đầu, nghĩ đến đây là lần đầu Thiên thấy đề văn sách cậu nói thêm. – “Đề mục của văn sách thường hỏi về đạo trị quốc an dân như bổn phận người làm quan, quan hệ quân thần, chuyện giáo hoá. Mỗi đề văn sách gồm hai phần cổ văn hỏi điển tích kinh sử, kim văn hỏi tình thế đương thời. Làm văn sách cần hiểu rộng biết sâu từ đó bày tỏ ý kiến độc đáo trước đề mục, với đề hiểm hóc người làm cần tìm được chỗ hỏi mẹo mà tránh đi.”
“Thầy Giáo thụ thường hay cho cậu làm đề nào?” – Thiên hỏi, dựa theo những lời khen ngợi thầy Giáo thụ dành cho Hạc mà chàng vô tình nghe được, chàng đoán có lẽ cậu thường làm đề văn sách.
“Kinh nghĩa, chế biểu, thơ phú, văn sách đều có nhưng nhiều hơn cả là văn sách.” – Hạc kiên nhẫn giải thích từng loại đề. – “Kinh nghĩa chỉ cần thuộc tứ thư ngũ kinh hiểu được ý cổ nhân, bởi vậy vòng đầu mỗi khoa thi đều là kinh nghĩa cốt để loại những học trò quá kém. Chế biểu thơ phú nói dễ chẳng dễ nói khó chẳng khó, âu là bởi chỉ cần viết thơ viết phú nhưng khó ở chỗ cần phải hay và độc đáo, có điều thế nào là hay thế nào là độc đáo thì rất khó nói. Vòng thi cuối luôn là văn sách, văn sách có thể coi là phần quan trọng nhất của mỗi khoa thi bởi vậy thầy bảo ta phải luyện cho tinh thông.”
Tinh thông kinh sử điển tích xưa lẫn việc biết điển tích ấy nên khen hay chê đã không dễ, còn phải biết bày tỏ ý kiến với thời cuộc đương thời bảo sao thi tứ trường (1) nhưng phải học thiên kinh vạn quyển!
Nghĩ đến đây Thiên khẳng định.
“Đề nào cũng khó nhưng văn sách hẳn là khó nhất đi.”
“Đúng là rất khó.” – Hạc gật đầu.
Nói rồi cậu ngồi xuống bàn học, lấy một tờ giấy dó từ tệp giấy trên bàn giở ra cho phẳng dùng chặn giấy đặt lên mép giấy đang chực quăn lại.
Chiếc chặn giấy Hạc đang dùng không phải loại bằng gỗ thường thấy mà là một chiếc chặn giấy bằng ngọc chạm khắc thành hình ve sầu. Chất ngọc làm ra chặn giấy rất trong không lẫn tạp chất hay nứt gãy, kỹ thuật chạm khắc khéo léo tinh xảo càng tôn lên cái đẹp của ngọc, đặc biệt các chi tiết nhỏ như mắt, cánh cùng các chân lại càng sống động như thật.
Chặn giấy đẹp như vậy để trên bàn là thành một vật trang trí tao nhã, khi thấy Hạc dùng chiếc chặn giấy này Thiên ngạc nhiên ra mặt.
“Thì ra đây là chặn giấy sao? Ban đầu tôi tưởng là một món đồ trang trí.”
Hạc tiện tay gõ nhẹ xuống phần đầu của con ve sầu trên chặn giấy tạo ra những tiếng vang thanh thuý hoà cùng giọng của cậu.
“Chặn giấy ngọc thiền (2) vốn là món đồ để chặn giấy song nhờ con ve sầu này mà mang thêm ý nghĩa phong thuỷ thành vật để trang trí. Có người cho rằng trong phong thuỷ ve sầu biểu tượng cho sự trường thọ thanh cao, có người lại nói nó giúp bảo vệ bản thân trước thị phi mưu toan của kẻ tiểu nhân, có người lại tin ngọc thiền giúp đường học hành công danh thuận lợi.”
Hạc lấy chiếc chặn giấy bằng gỗ đè lên mép giấy rồi cầm chặn giấy ngọc thiền lên. Lúc này Thiên mới nhận ra phần cánh ve sầu chạm khắc cực mỏng lại thêm các đường vân mảnh tinh xảo trông tựa như cánh ve thật!
“Trúc tin những lời đồn đại ấy nên tặng ta chiếc chặn giấy này.” – Ánh nắng xuyên qua lớp ngọc để lại những vệt sáng nhạt trên gương mặt Hạc, chẳng rõ do chất ngọc hay bởi lý do khác Thiên cảm thấy ánh mắt cậu lạnh đi. – “Ta trân quý chiếc chặn giấy này vì người tặng là Trúc, còn nó có giúp chủ nhân tránh thị phi mở rộng đường thi cử hay không đều không quan trọng, suy cho cùng bản thân yếu hèn bất tài thì cho trời có muốn giúp cũng chẳng giúp được nói chi đến một vật nhỏ bé thế này.”
Không để Thiên kịp suy nghĩ nhiều về ý trong lời của Hạc cậu đã đặt chặn giấy xuống bàn, ánh mắt nhìn Thiên bình thản chẳng chút khác lạ tựa như những gì vừa xảy ra chỉ là ảo giác của chàng.
“Đến đây mài mực giúp ta.”
Thiên theo lời Hạc đi đến cạnh bàn gỗ, rót nước từ bình đựng vào nghiên rồi cầm thỏi mực lên chậm rãi mài xuống.
Chàng không còn lóng ngóng vụng về như mấy ngày đầu mới học mà đã quen với việc mài mực hơn trước nhiều rồi, cho dù tâm trí không đặt ở việc mài mực thì động tác vẫn thuần thục không chút sai lầm.
Phải! Tâm trí chàng giờ đang đặt ở chiếc chặn giấy ngọc thiền, hay chính xác hơn là nghĩ về người đã tặng nó cho Hạc.
Trúc săn sóc quan tâm Hạc thế nào Thiên đều đã rõ, có điều khi biết về ý nghĩa của chiếc chặn giấy này chàng mới nhận ra Trúc tinh tế và hiểu Hạc hơn chàng tưởng rất nhiều.
Ở tầm tuổi của Hạc cậu ấm nhà quan nhất là nhà nào theo văn cũng trọng chuyện khoa cử công danh, chọn vật phong thuỷ cũng thường chọn cá chép, có điều Trúc lại tặng cậu chặn giấy ngọc thiền, xem ý nghĩa của vật này thì hẳn nàng đã quá hiểu tình cảnh trong cái phủ này rồi.
Kể cũng phải, cả hai quen biết hơn mười năm thì sao có chuyện không hiểu nhau?
“Được rồi đừng mài nữa, từng này là đủ rồi.”
Chợt giọng nói của Hạc vang lên cắt ngang suy nghĩ của Thiên, chàng giật mình vội ngừng tay nhìn xuống thấy mực đã xâm xấp mặt nghiên. Lau khô thỏi mực xong Thiên chuyển nghiên đến nơi Hạc tiện lấy mực, rất nhanh đầu bút lông chấm khẽ xuống nghiên mực, đoạn viết thử vài nét để kiểm tra độ đậm của mực Hạc khen.
“Mài như vậy là được rồi, tốt lắm.” – Hạc nhìn đề văn trên giấy giây lát rồi quay sang hỏi Thiên. – “Anh có muốn ở lại bàn luận đề văn này không?”
Những ngày Giáo thụ giao đề văn cho Hạc Thiên luôn ngồi cạnh xem cậu làm, gặp chỗ nào chưa rõ chàng thầm ghi nhớ chờ cậu làm xong thì hỏi để cậu giảng lại. Đề văn sách hôm nay tuy không quá khó với Hạc nhưng người vừa học hành chưa lâu thì có phần lắt léo dễ khiến người ta mất đi hứng thú, Hạc không làm khó Thiên bởi vậy mới hỏi trước.
“Tất nhiên là tôi muốn rồi.” – Thiên vừa đáp vừa ngồi xuống cái ghế đẩu bên cạnh Hạc. – “Dù sao đây cũng là lần đầu tôi được thấy đề văn sách.”
Nói mĩ miều thì là bàn luận chứ thật ra hầu hết đều là cậu giảng còn chàng lắng nghe. Cách dạy của cậu không phải đưa đáp án đấy để chàng học thuộc mà nghe xem chàng nghĩ gì về đề văn sau đó mới chỉnh sửa đúng sai cho hoàn thiện.
Làm thế này tuy tốn thời gian nhưng Hạc không hề tỏ ra chán ghét, kể cả trước những câu hỏi mà Thiên tự thấy là cực kỳ tối dạ cậu cũng kiên nhẫn giảng giải, ngay cả một cái nhíu mày chê trách cũng không có.
Đôi khi Thiên nghĩ rằng Hạc kiên nhẫn lại hoà nhã như vậy thật hợp với nghề thầy đồ dạy chữ cho học trò, cơ mà gia tộc nhà cậu là dòng dõi thư hương ắt không mong người đích tôn này chỉ làm một thầy đồ nho nhỏ mà tham gia khoa cử vào triều làm quan mới phải.
Gia nhập chốn quan trường sao?
Thiên nhìn thiếu niên ngồi bên bàn học vừa giảng bài cho chàng vừa viết đáp án đề văn lên giấy chợt nghĩ một ngày thiếu niên này công thành danh toại đầu đội mũ Văn Công (3) mặc Bổ phục giao lĩnh (4) chắc chắn sẽ rất đẹp.
Mà khi ấy người ngồi đây nghe giảng không còn là chàng nữa, thời điểm đó chàng đã sớm hết thời hạn làm công rời phủ sống cuộc đời riêng rồi. Mà có khi không đợi đến tận ngày Hạc làm quan chỉ thời gian ngắn nữa thôi cậu sẽ không còn giảng bài cho chàng như thế này nữa.
Thiên vẫn nhớ Lúa nói rằng ngày thành hôn của Trúc đã chọn được rồi, có người nâng khăn sửa túi bên cạnh thì gia nhân thân cận mấy cũng lui xuống vị trí như những gia nhân bình thường.
Những ngày tháng hai người kề cận chẳng quan tâm đến thân phận thế này có lẽ sắp kết thúc rồi!
—-
Chú thích:
(1) Tứ trường: bốn vòng thi trong một khoa thi (có khoa thi chỉ có tam trường tức ba vòng thi).
(2) Chặn giấy ngọc thiền: chặn giấy hình ve sầu bằng ngọc.
(3) Mũ Văn Công: theo sách Ngàn năm áo mũ “Mũ Văn Công là mũ Thường phục áp dụng cho quan văn nhất, nhị, tam phẩm, trang sức toàn bằng vàng, có hai dải Anh sức hoa vàng khảm ngọc châu.”
(4) Bổ phục: theo sách Ngàn năm áo mũ “Bổ phục: chỉ Bào phục gắn Bổ tử.”