Hạc Đầu Đình -Tác giả: Phù Vân - Chương 20: Chỉ nguyện quân tâm tự ngã tâm
Giờ nấu nướng buổi sáng cũng vì thế mà bắt đầu sớm hơn, mới tờ mờ sáng là nhà bếp đã nổi lửa rồi.
Người đàn bà đứng bếp một tay đổ rau vào chảo một tay nhanh nhẹn đảo liên tục, giữa làn hơi nước mù mịt bốc lên từ chảo rau hoà lẫn với khói bếp bà chợt nhác thấy bóng thiếu niên cao to phía cửa, theo phản xạ người đàn bà nheo mắt hô lên.
“Đến sắc thuốc cho cậu cả đấy hả?”
Thiên bước vào bếp, chàng chào hỏi vài câu với người phụ nữ rồi bắt đầu công việc quen thuộc mấy ngày gần đây, sắc thuốc và nấu trà cho Hạc.
Ban đầu chuyện sắc thuốc vốn do Lúa phụ trách, song nghĩ đến vết thương trên lưng Thiên Lúa nhận làm hết mấy việc nặng để chàng những việc nhẹ hơn tránh vết thương lại rách miệng.
Còn về việc trà chuyển từ hãm nước nhanh gọn sang nấu phải kể lại từ sau ngày Hạc ngất xỉu, lão Giàu và các bà sai gia nhân nấu hết thuốc này đến thuốc khác rồi thêm cả mấy món ăn đắt đỏ để cậu bồi bổ, song cũng chẳng rõ hiệu quả thế nào chỉ thấy Hạc vẫn cứ mệt mỏi, khó ngủ.
Tình trạng ấy kéo dài một thời gian bà hai sốt ruột không chịu được nữa phải sai người mời Mộc đến xem. May mắn Hạc không mắc thêm bệnh gì nghiêm trọng, mệt mỏi chán ăn mấy ngày qua đều bởi nắng nóng kéo dài cộng với thể trạng vốn yếu ớt gây ra, lúc này thanh nhiệt an thần là sẽ ổn.
Tuy nói từ nhỏ Hạc đã uống thuốc như thay cơm, dù cho chẳng lần nào cậu kêu ca gì chỉ yên lặng cầm bát thuốc lên uống hết một hơi nhưng mùi vị của thuốc luôn khiến cậu khó chịu. Thiên nhận ra điều này khi thấy mỗi lần uống thuốc xong cậu đều khẽ nhíu mày, bàn tay vừa đặt bát thuốc xuống khay gỗ đã vội chuyển sang chén nước để súc miệng.
Thấy Hạc như vậy Thiên thường tự hỏi liệu có cách gì khác ngoài uống thuốc không?
Nghĩ là làm, nhân lúc Mộc đến khám cho Hạc chàng lập tức hỏi hắn, Mộc đáp rằng bệnh cũ không thể không dùng thuốc nhưng trạng thái mệt mỏi, mất ngủ, loét miệng hiện tại có thể dùng dược thiện từ từ khôi phục. Tuy nói dược thiện vị dễ ăn hơn nhưng vẫn là dược, tính đi tính lại trong số các món dược thiện chỉ có trà là mùi vị nhẹ nhất.
Kể từ đó sáng sớm nào Thiên cũng đến nhà bếp loay hoay với hai nồi đất mang hai vị khác nhau. Nồi nấu trà táo đỏ sơn tra có mùi ngọt nhẹ, còn nồi sắc thuốc lại đắng ngắt.
Trà không phải nấu quá lâu chỉ vừa sôi một lát là được rồi, Thiên bắc nồi đất ra khỏi bếp chắt nước trà vào ấm, mùi hương táo đỏ sơn tra hơi ngọt vừa bay lên đã bị mùi thuốc đắng ngắt ở nồi bên cạnh át đi. Thuốc thì phải nấu lâu hơn, đến khi nước trong nồi cô lại chỉ còn một bát sứ thì cả không gian sặc mùi đắng ngắt chẳng còn ngửi được mùi trà hơi ngọt nữa.
Một bát thuốc đắng, một ấm trà ngọt được đặt ngay ngắn trên khay gỗ Thiên mới ngơi tay quệt đi mồ hôi rịn đầy trán.
Ngay khi chàng vừa bê khay gỗ lên người phụ nữ đang đảo thức ăn vội ngừng tay nói to.
“Ấy suýt thì quên, cháu tiện đường quay lại nhà phụ thì mang cả bát cháo với thức ăn buổi sáng cho cậu cả nhé!” – Bà chỉ tay về phía cái lồng bàn tre trên bàn gỗ dài. – “Tất cả đều do cô hai nấu đấy, bảo nguội bớt rồi mang sang nhà phụ mà giờ chắc cũng đỡ nóng rồi.”
Trong nhà bếp có kê một bàn gỗ dài gần bếp để gia nhân nấu xong sẽ đặt các món ăn lên đó chờ đủ món mới mang đến chỗ các chủ nhân. Nhà bếp vừa nổi lửa chưa lâu đồ ăn còn đang nấu trong nồi trong chảo, trên bàn dài chỉ có duy nhất một cái lồng bàn bằng tre đậy kín không cần nghĩ cũng biết đó là mấy món Trúc nấu.
Thiên mở lồng bàn ra, bên trong có ba đĩa thức ăn thanh đạm ít dầu mỡ cùng một bát sứ đậy nắp không rõ trong ấy là cháo gì.
Thiên lấy cái mâm trên giá xuống lần lượt đặt từng món trên bàn vào mâm, tiện thể để luôn thuốc với trà vào đó. Sắp xếp xong xuôi chàng bỗng nhận ra những món ăn Trúc nấu đều được để trong đồ sứ tráng men trắng, đặt cạnh bát thuốc sẫm đen cùng ấm trà màu đất đúng là đối lập hoàn toàn, sắc trắng của sứ cứ nổi lên bần bật, nổi đến mức hơi chói mắt.
Khi Thiên bưng mâm rời khỏi nhà bếp đằng sau vọng đến tiếng gia nhân nói chuyện với nhau.
“Nóng thế này sao cô hai không để mình nấu luôn đi nhỉ? Mất công dậy sớm rồi còn nấu nướng nữa có phải khổ cái thân không?”
“Mày đần lắm em ạ! Sai người khác nấu thì giống thế quái nào được với tự mình nấu?”
“Mình thấy khổ nhưng cô hai có kêu khổ đâu, mày không thấy cậu cả khen mấy món cô hai nấu là cô cười tít cả mắt đấy à?”
Trong khoảng thời gian Trúc ở lại đây nàng hay vào bếp lắm, khi thì nấu mấy món ăn hàng ngày khi lại là mấy món cầu kì như chè heo quay, bánh phục linh, bánh bó mứt. Ngày nào nấu gì không phải do tâm trạng của nàng mà đều dựa theo sức khoẻ của Hạc, ví như gần đây cậu cần thanh nhiệt nàng sẽ nấu những món thanh đạm, đôi khi thêm một hai loại dược thiện vào đó.
Ai cũng nhìn ra Trúc quan tâm đến Hạc chẳng kém cạnh bất kì chủ nhân nào trong phủ. Và Thiên cũng biết điều ấy.
Chàng nhẹ nhàng đặt mâm cơm xuống bàn, theo thói quen nhìn sang gian phòng để đèn sách vừa định cất giọng mời Hạc ra dùng cơm bỗng chàng sững lại.
Thiếu niên mặc áo ngũ thân nhạt màu đang ngồi trên sập gỗ chăm chú nhìn bức tranh cầm trong tay. Nắng sớm tràn qua cửa sổ lặng lẽ ôm lấy gương mặt Hạc, ẩn đi màu da trắng xanh bệnh tật, để lại màu da đẹp đẽ như ngọc.
Ánh mắt dịu dàng sau hàng mi dày hơi rủ xuống và cái mỉm cười mang ý thích thú của thiếu niên hoà cùng ánh nắng nằm trọn trong tầm mắt Thiên.
Khoảng lặng ngắn ngủi trôi qua, Hạc chợt ngửi thấy mùi thuốc đắng quen thuộc cậu dời mắt khỏi tranh liền bắt gặp ánh mắt hơi mơ hồ của Thiên. Cậu chủ động lên tiếng gọi chàng.
“Đến đây xem tranh cùng ta!” – Cả ánh mắt và giọng nói của cậu đều đượm ý cười hẳn là bức tranh cậu đang xem có điểm thú vị lắm.
Nghe Hạc gọi Thiên lập tức lấy lại tinh thần đi đến chỗ Hạc. Do cậu đang ngồi còn chàng lại đứng muốn nhìn kĩ bức tranh buộc phải hơi khom lưng.
Thấy vậy Hạc ngồi dịch vào trong, cậu vỗ vỗ lên chỗ trống bên cạnh nói với Thiên.
“Sao anh còn đứng đấy? Ngồi xuống đây đi.””
Thiên lắc đầu, lúng túng quệt mũi.
“Người tôi ám mùi khói hăng mũi lắm, tôi đứng đây vẫn thấy tranh mà.”
Chàng ở trong nhà bếp từ sớm đến bây giờ ít nhiều quần áo cũng bị dính mùi khói bếp lẫn dầu mỡ, nhưng mùi không rõ lắm mà Hạc cũng chẳng để ý chuyện cỏn con ấy.
“Ta không ngửi thấy mùi gì cả, mau ngồi xuống.”
Hạc đã nói đến lần thứ hai tức là có khuyên gì thì ý của cậu cũng chẳng thay đổi, Thiên không nói thêm gì nữa mà ngồi xuống cạnh cậu. Hạc đưa bức tranh đang cầm cho chàng tỏ ý để chàng tự xem.
Trên tấm giấy xuyến chỉ hoạ ra phong cảnh hữu tình theo lối thủy mặc. Điểm xa nhất trong tranh là đỉnh núi vờn mây mờ ảo, gần hơn có đôi uyên ương quấn quýt trên hồ nước cùng một cây tùng tán rộng trùm lên bụi trúc điểm tô nơi bờ hồ.
Nét vẽ trên tranh tinh tế, đường nét khéo léo dù là cảnh tĩnh nhưng nhìn lâu lại sinh cảm giác như vật trong tranh đang chuyển động.
Mà điểm khiến Thiên chú ý nhất là câu thơ được đề ở góc bức tranh “Chỉ nguyện quân tâm tự ngã tâm, Định bất phụ tương tư ý”. (1)
Chữ đề trong tranh nét thanh mảnh mềm mại hoàn toàn không phải chữ của Hạc!
Dù trong lòng đã có sẵn một đáp án nhưng chàng vẫn cố chấp hỏi cậu.
“Bức tranh này là cô hai vẽ phải không cậu?”
Hạc gật đầu, cậu không nhận ra ánh mắt trùng xuống của Thiên mà nói tiếp.
“Trúc vốn không thích vẽ tranh nên lâu rồi ta mới lại thấy em ấy vẽ ra bức tranh hoàn mĩ thế này.” – Hạc chỉ vào tranh. – “Bức này đẹp ở chỗ cảnh vật lẫn đôi uyên ương đều rất sống động, anh có biết tại sao chúng có hồn như vậy không?”
Khi nhìn đôi uyên ương quấn quít Thiên đã ngờ ngợ đây không đơn thuần là tranh vẽ phong cảnh mà người vẽ muốn mượn tranh bộc bạch tâm tình. Câu thơ những mong ý thiếp giống lòng chàng, mối tình quyết không thay đổi (2) càng khẳng định suy nghĩ ấy của Thiên.
Người vẽ tranh là Trúc thì “chàng” với “thiếp” trong bài thơ này nói ý chỉ ai hẳn không cần đoán nữa.
Chẳng trách một bức tranh lại khiến Hạc vui đến vậy.
Hạc không biết Thiên đang nghĩ về câu thơ đề trong tranh, thấy chàng mãi không lên tiếng cậu chỉ cho rằng chàng không biết vì sao bức tranh này lại có hồn mà thôi.
Hạc nhiệt tình giải thích.
“Bức tranh này có hồn là vì người vẽ biết thêm hồn vào cho nó.” – Hạc cầm một cuộn tranh từ trong ống đựng giở ra đối chiếu cho Thiên xem. – “Anh xem, cùng một loại giấy mực, cùng vẽ một phong cảnh nhưng bức tranh này cảnh vật cứng nhắc là bởi người vẽ sa vào bề ngoài quên đi cốt yếu bên trong. Tranh thuỷ mặc không phải càng chân thật càng chi tiết càng đẹp mà cốt phải đưa được thần khí cảnh vật lẫn tâm tình người vẽ vào tranh.”
Thiên lặng lẽ nhìn Hạc, tính tình cậu trầm mặc là vậy nhưng khi nhắc đến điều cậu yêu thích ánh mắt sẽ không giấu được vui mừng. Cậu đang vui vì biết được cách thổi hồn vào tranh, hay vui vì bức tranh Trúc vẽ? Có lẽ là cả hai… có lẽ chỉ bởi vế sau.
“Ta cũng muốn nói điều này cho Lúa mà cứ hễ nhắc đến chuyện viết viết vẽ vẽ anh ta lẩn còn nhanh hơn chạch.” – Trong lúc giải thích Hạc mải giơ bức tranh gần về phía Thiên cho chàng so sánh sự khác biệt giữ hai bức tranh mà không biết khoảng cách của hai người càng lúc càng gần. Chợt, cậu ngẩng đầu nhìn về phía Thiên. – “Cũng may còn có anh ở đây.”
Trùng hợp giờ Thiên mới để ý đến bức tranh trong tay Hạc, chàng cúi đầu muốn xem kĩ hơn tranh cứng nhắc khô khan ở điểm nào chẳng ngờ đúng lúc này Hạc lại ngẩng đầu. Một người cúi đầu một người lại ngẩng đầu, khoảng cách của họ gần đến nỗi có thể cảm nhận được hơi thở của đối phương!
Hạc giật mình, chốc lát chỉ biết mở to mắt nhìn chằm chằm vào Thiên rồi khẽ chớp mắt vài cái. Phản ứng này trong mắt Thiên chẳng khác gì đứa trẻ bị người lớn hù một cái, dù nó giật thót cả người đấy nhưng đầu óc chẳng kịp nghĩ ra phản ứng gì hợp lý chỉ biết ngồi đó tròn mắt nhìn người vừa hù doạ mình, rồi sau đó sẽ khóc oà lên.
Cả chàng lẫn cậu còn chưa kịp lên tiếng hay kéo dài khoảng cách thì chợt bên ngoài vọng vào tiếng gõ cửa cùng giọng dịu dàng quen thuộc của Trúc.
“Anh Hạc anh có trong đó không?”
Thiên lập tức đứng dậy khỏi sập vừa lúc ấy Hạc cũng hắng giọng trả lời.
“Có, anh đang ở đây!”
Cửa nhà phụ để mở tức là bên trong có người song vì phép tắc Trúc không bao giờ vào phòng mà không lên tiếng trước, cũng vì thế mà không bắt gặp nét lúng túng thoáng qua trên gương mặt hai thiếu niên trong gian đèn sách.
Thứ đầu tiên Trúc thấy khi bước vào phòng là mâm cơm trên bàn còn nguyên vẹn, giọng của nàng lập tức không vui.
“Sao anh chưa ăn sáng, ăn muộn quá lại trễ giờ dùng thuốc đấy.”
Hạc giơ bức tranh trong tay lên cho Trúc thấy, trả lời.
“Anh với Thiên vừa xem lại tranh em vẽ giờ anh dùng bữa đây, em ăn chưa?”
Nghe Hạc nhắc đến bức tranh chẳng hiểu sao Trúc lại nhìn về phía Thiên, cái liếc mắt kín đáo mà chớp nhoáng chẳng rõ ẩn trong đó suy nghĩ gì. Rất nhanh tầm mắt của nàng đã chuyển sang Hạc, ánh mắt lẫn giọng nói đều dịu đi.
“Em dùng bữa với mẹ anh xong mới qua đây.”
Chờ Hạc ngồi xuống bàn ăn Trúc mới bước đến ngồi cạnh cậu. Thấy Thiên còn đứng sau lưng cậu nàng nói.
“Được rồi, anh ra ngoài trước đi có gì cần phân phó ta sẽ gọi.”
Thiên nhìn về phía Hạc thấy cậu gật đầu chàng mới lui ra ngoài. Trúc nhìn theo đến khi chàng đi khuất mới huých nhẹ khuỷu tay vào cánh tay Hạc.
“Anh thấy bức tranh ấy thế nào?” – Giọng nói của nàng vừa có vẻ sốt ruột vừa có vẻ mong đợi.
Hạc nhấp một ngụm trà, mùi hương táo đỏ quyện cùng sơn tra thoảng qua cánh mũi, đầu lưỡi nếm được vị ngọt thanh, sơn tra hay táo đỏ chắc chắn không thể ngọt thế này, hẳn là Thiên đã cho thêm đường phèn mà vị ngọt này rất vừa ý Hạc. Cậu nhấp thêm một ngụm trà mới trả lời Trúc.
“Em yên tâm tranh rất có hồn, nhìn tranh là có thể nhận ra tâm ý của người vẽ.”
Gương mặt Trúc thoáng hiện lên sự ngại ngùng có điều ngay sau đó đôi mày của nàng nhíu lại, nàng có vẻ bất an hỏi lại cậu.
“Nhưng liệu cảnh vật trong tranh có mơ hồ quá không?”
“Em đã quên thuỷ mặc không tập trung nhiều vào chân thật mà trọng tinh thần của vật rồi à?”
Trúc không quên điều này, sở dĩ nàng chọn vẽ tranh thuỷ mặc cũng bởi loại tranh này dùng hình ảnh để diễn ý, qua tranh nàng có thể bộc bạch được nỗi niềm giấu kín. Nhưng rồi chính vì gửi cái tâm tình ấy vào tranh lại khiến nàng lo lắng. Lúc thì sợ nỗi niềm gửi gắm trong tranh quá lộ liễu sẽ thành sỗ sàng, lúc lại lo không hoạ ra được điều ấy, cũng bởi thế nàng đã vẽ hỏng mất bao nhiêu giấy cũng tốn vài ngày mới hoàn thiện một bức tranh ưng ý.
“Em chỉ sợ cảnh vật ấy không diễn được hết tâm ý của em.”
Hạc mỉm cười, cậu xoa đầu Trúc trấn an.
“Cho dù cảnh vật không nói được thì chẳng phải vẫn còn chỉ nguyện quân tâm tự ngã tâm, định bất phụ tương tư ý đấy sao?”
Đề thơ lên tranh thì chẳng sao nhưng nghe Hạc đọc thành tiếng câu thơ ấy Trúc lại thấy xấu hổ, nàng lúng túng mở nắp bát cháo rồi đẩy bát cháo về phía cậu.
“Được rồi đừng nói chuyện này nữa mau nếm thử cháo em nấu đi xem có ngon không?”
Bên trong bát sứ trắng là cháo đậu ván ý dĩ, cháo vẫn còn hơi ấm đưa vào miệng liền cảm nhận được hạt cháo sánh dẻo, đậu ván lẫn ý dĩ cũng chín tới không bị nát. Tuy đây không phải món cháo mới lạ nhưng Trúc nấu rất khéo biến nó từ một món tẻ nhạt thành vừa miệng như thế này.
“Cháo em nấu tất nhiên là ngon rồi.” – Đây không phải lời khen cho có mà quả thật cháo Trúc nấu rất ngon.
“Vậy anh ăn nhiều một chút.” – Vừa nói Trúc vừa gắp thức ăn vào bát Hạc rồi tự châm cho mình một chén trà. – “Giờ nhớ lại bát cháo đầu tiên em nấu hỏng bét hết cả, ngượng chết đi được.”
Dứt lời sự xấu hổ đã hiện rõ trên mặt Trúc, nàng ngại ngùng cúi đầu vờ nghịch chiếc vòng đeo trên cổ tay tránh khỏi cái nhướn mày tỏ ý đã nhìn thấu mọi chuyện của Hạc.
Bát cháo đầu tiên Trúc nấu là cho người trong lòng nàng ăn, vốn muốn nấu cho người đó một bát cháo thật ngon chẳng qua từ nhỏ nàng đã được nuông chiều không phải lo chuyện bếp núc, mấy món bình thường có thể nấu nhưng cháo thì khác, món này nhìn thì đơn giản nhưng sơ ý một chút thôi sẽ bị khê ngay, mà bát cháo đầu tiên nàng nấu không thoát được sai sót ấy.
“Người ăn thấy ngon thì đó vẫn là bát cháo ngon.” – Hạc thản nhiên nói một câu không đầu không cuối rồi tiếp tục thong thả dùng cháo.
Không rõ câu nói của Hạc khiến Trúc nhớ lại chuyện gì chỉ thấy nàng ngẩn ra chốc lát, rồi sự xấu hổ dần tan đi bởi cái mỉm cười có vẻ bất đắc dĩ mà dịu dàng kì lạ.
—-
Chú thích:
(1) Chỉ nguyện quân tâm tự ngã tâm. Định bất phụ tương tư ý: trích từ bài thơ Bốc toán tử của tác giả Lý Chi Nghi.
Phiên âm:
Ngã trú Trường Giang đầu,
Quân trú Trường Giang vĩ.
Nhật nhật tư quân bất kiến quân,
Cộng ẩm Trường Giang thuỷ.
Thử thuỷ kỷ thời hưu?
Thử hận hà thời dĩ?
Chỉ nguyện quân tâm tự ngã tâm,
Định bất phụ tương tư ý.
Dịch nghĩa:
Thiếp ở đầu Trường Giang,
Chàng ở cuối Trường Giang.
Ngày ngày nhớ chàng chẳng thấy chàng,
Cùng uống nước Trường Giang.
Dòng sông này bao giờ ngừng trôi?
Nỗi hận này bao giờ mới hết?
Chỉ mong lòng chàng như lòng thiếp,
Nhất định không phụ nỗi niềm nhớ nhau.
(2) Những mong ý thiếp giống lòng chàng, mối tình quyết không thay đổi: trích từ bản dịch bài thơ Bốc toán tử của Nguyễn Xuân Tảo trong sách Tống từ.
Dịch thơ:
Nhà thiếp ở đầu sông,
Nhà chàng ở phía cuối.
Dòng nước Trường Giang cùng uống chung,
Vắng chàng mong sớm tối.
Nước nọ mấy khi ngừng,
Hận này bao thuở vợi.
Những mong ý thiếp giống lòng chàng,
Mối tình quyết không thay đổi.