Hạc Đầu Đình -Tác giả: Phù Vân - Chương 13: Đổi trắng thay đen
Giọng nói vừa cất lên thanh âm khàn khàn nghe vào tai còn tưởng rằng là của đàn ông, nhưng khi người đó thưa chuyện xong lặng lẽ ngẩng đầu lên nhìn bà cả đang thêu khăn tay mới biết hoá ra đó là một người đàn bà!
Đàn bà mà có cái giọng ấy kể cũng lạ, chẳng rõ đã lâu thị chưa nói chuyện trời sinh như thế hay gặp phải biến cố nào mà có cái giọng thô ráp đến vậy. Lại nói người đàn bà này mặt mũi bình thường mà có đôi mắt và cặp mày sắc kinh người, đoán rằng khi đôi mắt ấy trừng lên là ối kẻ kinh hồn bạt vía. Nhưng, đối diện với bà cả đôi mắt của thị lại thành con diều hâu bị thuần hoá giống đám chim chóc nhốt trong lồng mua vui cho con người.
“Hai đứa ấy mười ngày thì bảy ngày kéo nhau ra khỏi phủ ta còn lạ gì nữa.” – Bà cả nói tiếp giọng điệu hờ hững, nhưng ngón tay cầm kim thêu hơi siết chặt. – “Mà thôi, đi rồi cũng tốt! Đi đi cho khuất mắt ta.”
Người đàn bà nghe vậy cau mày thưa.
“Bẩm an nhân, để cậu cả ra ngoài suốt như vậy e rằng…”
Nói đến đây thị bỏ dở câu nhưng bà cả đã hiểu thị muốn nói gì. Phải, bà cũng lo lắm chứ, lo sợ Hạc sẽ học được cái mưu mô ăn miếng trả miếng rồi quay lại hại bà, nhưng ngặt nỗi giờ đây bà chẳng thể làm gì khác ngoài việc trơ mắt nhìn cậu muốn gì làm nấy.
Đặt khung thêu xuống bàn rồi cầm chén trà vừa châm lên nhấp một ngụm. Bà nói.
“Cả hai đứa chúng nó đều có người chống lưng ai dám động vào?”
Ánh nắng chói mắt bị tấm bình phong cản lại chỉ còn vài sợi nắng nhợt nhạt lách qua khe hở rọi vào phòng. Gương mặt bà cả trong khoảng sáng tối mơ hồ dần hiện ra đôi nét toan tính dường như còn pha thêm cả chút mờ ám không lành. Sau một khoảng lặng bà cất lời, giọng điệu đay nghiến.
“Nhưng sớm thôi, khi con nhãi đó quay về Phú Xuân mọi chuyện sẽ lại đâu vào đó. Khi ấy ta nhất định sẽ trả lại hết những ấm ức ta đã phải chịu. Ngày ấy ta…”
“Bẩm an nhân!!! Bẩm an nhân có chuyện gấp!!!”
Thình lình từ xa vang lên tiếng gọi hớt hải của gia nhân trong phủ cắt ngang câu nói dở dang của bà cả. Bà nhíu mày tỏ ý không vui, đoạn hất cằm ra hiệu với người đàn bà.
“Hương! Ngươi ra xem có chuyện gì.”
Người đàn bà nhận lệnh rời khỏi phòng, sau câu trách mắng tên gia nhân dám lớn tiếng phá vỡ sự yên tĩnh ở đây Hương mới hỏi việc chính. Tên gia nhân bị thị nạt xong giọng đã nhỏ đi nhưng lời nói không giấu được sự gấp gáp ngay cả ngữ điệu của Hương sau đó cũng có vẻ ngạc nhiên. Rất nhanh thị quay lại thưa rằng.
“Bẩm an nhân, gia nhân vừa tới báo có cậu cả nhà ông Lục sự (1) đến để nhận lỗi vì chuyện hiểu lầm với cậu cả nhà ta ở hồ sen. Ông lớn và cậu cả nhà ta đều không ở trong phủ nên xin bà ra làm chủ.”
“Cậu cả nhà ông Lục sự à?”
Bà cả lẩm bẩm tự hỏi rốt cuộc cậu cả nhà ông Lục sự là thằng giời ơi đất hỡi nào, gã không có chức quan cũng chẳng hề có danh tiếng bà không biết gã là ai cũng là chuyện thường. Có điều nghe đến hiểu lầm với Hạc ở hồ sen bà lập tức nhớ lại ngày Trúc đến phủ đã kể có kẻ dám giơ nắm đấm với Hạc, vậy xem ra cậu Cả nhà ông Lục sự là thằng Đại đó rồi.
“Có phải kẻ đó tên là Đại?” – Bà cả hỏi bằng giọng khẳng định.
Hương cung kính đáp.
“Bẩm bà đúng là cậu ta.”
Nhớ lại ngày đó Trúc tức giận ra sao khi nói đến việc Hạc suýt bị kẻ khác đánh lại thêm lão Giàu giận đến mức chẳng quan tâm đến mặt mũi bà cả cười khẽ, may cho Đại đến vào lúc cả hai người này đều đi vắng bằng không gã sẽ bị nói đến chẳng còn mặt mũi nào mà ra đường ấy chứ!
Bà buông lời mỉa mai.
“Đến nhận lỗi? Ta còn suýt quên mất chuyện ấy rồi mới mò mặt đến nhận lỗi biết hối lỗi quá nhỉ?”
Hương theo hầu bà cả từ nhỏ đến khi bà được gả cho lão Giàu thị cũng theo về đây, tính ra thời gian thị hầu hạ bà không hề ngắn, bởi thế nhìn mặt bà là thị có thể hiểu được người phụ nữ này nghĩ gì. Như lúc này đây, dù ngoài miệng nói lời khinh thường nhưng ánh mắt bà cả lại có sự tò mò. Thị thận trọng hỏi.
“Bẩm, vậy bà có ra gặp cậu ta không?”
Bà cả không đáp mà đứng lên đi đến chỗ chiếc gương đồng nhìn bóng dáng bản thân in trong gương.
Lần nào cũng vậy dù khách đến phủ có thân phận sang hèn cao thấp thế nào bà vẫn luôn ra mặt, ra mặt để ai ai cũng phải biết bà mới là bà cả của cái phủ này bà mới là người được nắm quyền ở đây. Cho dù bà hai được lão Giàu yêu chiều, cho dù bà ba trẻ đẹp hơn thì đã sao khi bà mới là người được thiên hạ nhắc đến mỗi khi có ai đó hỏi người vợ của lão Giàu.
Mỗi lần nghe người ta khen rằng quả nhiên là dòng dõi thư hương phong thái khác hẳn người khác bà đều thầm hả hê. Đúng vậy, xuất thân của bà làm sao mà giống cái thứ tầm thường ấy được?
Nghĩ đến đây bà lặng lẽ mỉm cười, nụ cười nhẹ trong ánh sáng mơ hồ chẳng rõ là vui sướng hay khinh ghét, đoạn bà bảo Hương.
“Người ta đã đến tận đây mà ta lại đuổi về thì chẳng phải thiên hạ cười chê người trong cái phủ này lòng dạ hẹp hòi không biết đối nhân xử thế sao? Ta cũng muốn xem hôm nay thằng ranh đó đến đây làm gì, chắc hẳn không đơn thuần là nhận lỗi đâu.” – Rồi bà cầm bút lên cẩn thận vẽ lại đôi mày.
Mỗi lần gặp khách đến phủ bà đều soi xét bản thân tỉ mỉ như vậy, nhưng bà soi xét nhanh hay chậm đều do thân phận của người đến. Lúc này đây người đến chỉ là con của quan Lục sự hẳn là bà sẽ còn soi gương thêm một lúc lâu đấy!
Quả nhiên Hương đứng chờ đến khi chân hơi tê bà cả mới rời khỏi bàn trang điểm, thị không chờ cơn tê qua đi lập tức theo sau bà, trông lặng lẽ như một cái bóng.
* * *
Có trời mới biết Đại vui mừng đến mức nào khi đến phủ của lão Giàu vào một ngày “nhân hoà” như hôm nay. Có điều cái sự khoái trá cháy rừng rực trong lòng gã chưa được bao lâu đã tắt ngúm vì phải chờ bà cả.
Tên gia nhân đứng bên cạnh thủ sẵn ấm xuyến chỉ cần chén trà của Đại hơi vơi một chút là vội vàng tiến lên châm trà.
“Này, ta chờ cũng lâu rồi mà vẫn chưa thấy an nhân vẫn đến, có đúng là nhà ngươi đã đi mời an nhân không hả?” – Đại nói bằng giọng thiếu kiên nhẫn, đôi mắt ti hí của gã nhướn lên nhìn chòng chọc vào tên gia nhân.
Trước vẻ mặt không giấu được sốt ruột của Đại tên gia nhân đổ mồ hôi lạnh, hắn thừa biết bà cả chưa đến nhà chính vì thân phận gã trai này không cao chứ có bận bịu gì đâu. Có điều sự thật này hắn chỉ dám nghĩ trong đầu chứ lời nói khỏi miệng lại thành.
“Dạ bẩm cậu, con quả thật đã đi mời an nhân rồi nhưng bà đang bận chuyện gấp… con nghĩ là bà… sẽ sớm đến đây thôi ạ!” – Tên gia nhân thấy sắc mặt Đại chẳng hề tốt lên chút nào, trán túa càng nhiều mồ hôi, thầm than. – “Lạy trời lạy đất cho bà cả nhanh nhanh đến đây hộ con!”
Có lẽ ông trời thương xót cho tên gia nhân hoặc phải chăng là bà cả ngồi không ở nhà phụ đã chán rồi mà lời than thở trong lòng hắn vừa dứt ngoài cửa vang lên giọng nói thản nhiên của bà cả.
“Ta đến trễ để cháu phải chờ rồi, cũng tại phủ này nhiều việc quá vướng chân vướng tay chẳng bỏ đó mà đi được.”
Trong lời bà cả không có câu nào nhận lỗi, giọng điệu cũng chẳng hề lúng túng ngại ngùng vì đến trễ, đó chỉ là một câu nói đơn điệu bình thường. Đại dù ngu đần đến đâu cũng nhận ra điều này nhưng không để gã kịp nói gì đã nghe bà cả nói tiếp.
“Từ xa đã nghe thấy cháu sốt ruột hỏi gia nhân vì phải chờ lâu, hẳn là còn bận chuyện gì khác phải không?” – Bà cả mỉm cười hiền từ, trông như người cô đang nói chuyện phiến với đứa cháu ruột thân thiết. – “Người ta vẫn thường nói trong lòng đã nghĩ đến việc khác thì việc trước mắt làm chẳng xuôi, nếu cháu bận chuyện khác cứ đi giải quyết cho xong hôm khác đến đây cũng không muộn.”
Thường thấy thiên hạ rỉ tai nhau rằng khi nghe bà cả nói chuyện không thể chỉ nghe bằng tai mà còn phải nghe bằng đầu, câu nói thốt ra từ miệng của bà có vẻ êm tai đấy có điều chưa chắc đã mang ý tốt. Bây giờ Đại đã tin người ta nói vậy chẳng sai chút nào, bà cả chẳng hề quan tâm gã bận việc đâu mà còn đang đuổi khéo vì gã tỏ ra bực tức khi chờ bà là đằng khác đấy!
Bình thường nếu người khác dám đuổi khéo Đại sẽ nổi điên lên chửi mắng một trận rồi đi thẳng. Nhưng lần này gã không thể làm vậy, chưa nói đến chức quan của lão Giàu to hơn cha gã chỉ nhớ đến nguyên do đến phủ Đại phải lập tức đè cơn giận xuống nở nụ cười nịnh nọt.
“Cảm tạ cô quan tâm, chỉ là do cháu sợ rằng đột nhiên đến phủ lại quấy quả đến cô nên mới hỏi gia nhân thôi.”
Dứt lời Đại đứng lên vái bà cả.
“Mấy ngày vừa qua cháu ở từ đường tự suy xét lại hành động lời nói của bản thân ở hồ sen đã nhận ra cái hồ đồ của cháu. Nay cháy đến phủ hỏi thăm sức khoẻ cô chú nhân đây cũng xin nhận lỗi về chuyện dạo trước ở hồ sen.”
Đại ra hiệu cho đám tôi tớ đi theo dâng lên những hộp gỗ đã mở nắp, một nửa số hộp gỗ bên trong đựng những thức quý như nhân sâm, linh chi, tổ yến. Số hộp gỗ còn lại là những cuộn lụa gấm và trang sức nữ tinh xảo.
“Cháu biết Hạc thể chất hư yếu lại thêm chuyện hiểu lầm ở hồ sen làm tinh thần mỏi mệt nên mang ít của dân dã sang để Hạc bồi bổ. Còn chút của mọn này xin nhờ cô gửi cô hai nhà ông Tư nghiệp mong chị ấy bớt giận.”
Bà cả khẽ liếc mắt sang Hương, thị hiểu ý lập tức tiến đến xem những hộp đựng dược liệu thấy không có vàng bạc mới sai tôi tớ nhận lấy. Ai cũng biết Hoàng đế (2) luôn nghiêm trị phường tham quan ô lại, cho dù là mười đồng cũng bị cắt chức không được bổ dụng (3), thậm chí còn mất đầu. Không thể không đề phòng chuyện bên trên để vài “đồ dân dã” nhưng dưới đáy hộp giấu toàn vàng bạc. Còn về “của mọn” để Trúc bớt giận bà cả lại không nhận.
“Trúc không có trong phủ ta dù là trưởng bối cũng không thể tự ý định đoạt, lụa gấm và trang sức cháu cứ mang về đi.”
Đại có vẻ hơi lo lắng hỏi.
“Thưa cô đây là chút lòng thành hối lỗi của cháu, mang đi lại mang về thế này lòng cháu thật áy náy không yên.”
Bà cả phất tay, bà tuy chẳng thể tự ý định đoạt việc của Trúc nhưng nếu phía Hạc êm xuôi nàng cũng sẽ không nói nhiều. Bà vừa muốn cái tiếng nhân hậu vừa không muốn dây dưa lằng nhằng đành nói.
“Cháu cứ mang về đi, Trúc là người thấu tình đạt lí thành thật nhận lỗi con bé sẽ không so đo với cháu đâu!”
Đại phải cố sức kìm nén mới ngăn được bản thân mừng ra mặt, vậy là gã đoán không sai, tuy Trúc có gia thế to hơn nhưng lại nghe theo Hạc chỉ cần cậu cho qua thì phía nàng cũng êm xuôi.
“Vậy cháu xin phiền cô chuyển lời xin lỗi đến cô hai nhà ông Tư nghiệp giúp cháu.”
Đại ngồi xuống ghế, mặt mũi có vẻ buồn rầu. Gã nói.
“Thật ra cách đây vài năm cháu đã quen biết Hạc, lần ấy đối thơ văn nhà ở thầy đồ cháu thấy Hạc là người hiểu biết rộng rất muốn kết giao chỉ là lúc ấy vội vã không kịp nói chuyện nhiều. Không ngờ lại vô tình gặp lại ở hồ sen, khổ nỗi cái thói thấy người quen là ăn nói thoải mái của cháu không kìm lại được. Có lẽ Hạc không quen cách nói năng như vậy cảm thấy đó là sỗ sàng nghe không thuận tai.”
Bà cả còn nhớ Trúc kể rằng người theo hầu bên cạnh nàng thấy Đại cùng Hạc nói chuyện gì đó sắc mặt gã càng lúc càng giận dữ cuối cùng gã vung nắm đấm hướng về phía Hạc, còn nàng lại chỉ nhận ra Hạc khi đám tôi tớ của Đại đánh nhau với Thiên. Nguyên do sự việc có duy nhất Hạc rõ nhưng cậu không hề nói gì. Bà cả biết với tính khí của Hạc sẽ không vì chuyện vặt vãnh mà nổi giận với kẻ khác, hẳn Đại đã làm ra thứ chuyện ghê gớm lắm mới phải.
“Ta cũng có nghe Hạc nói về chuyện ấy rồi, đều còn trẻ lại được đọc sách thánh hiền ắt không vì chuyện nhỏ là dùng nắm đấm đâu nhỉ?”
Đại trộm nhìn bà cả, gương mặt bà vẫn thản nhiên kín kẽ không chút cảm xúc khác lạ, chẳng thể nhìn ra bà có ý chê trách Đại hay không nhưng gã phỏng đoán có vẻ bà không rõ nguyên do mọi chuyện, gã cắn răng đánh liều nói những gì đã tính toán sẵn.
“Cô nói đúng, cháu với Hạc đều được thầy dạy lễ nghĩa đương nhiên không thể như kẻ phàm phu hở ra là dùng nắm đấm.” – Đôi mày Đại cau lại như đang cố nhớ về ngày hôm đó. – “Nói đến đây phải kể đến người theo hầu Hạc, chẳng rõ đầu óc hắn trời sinh ngu dại hay cố ý mà nói rằng cháu nói năng vô lễ với Hạc không xứng là người đọc sách, khổ nỗi tính tình cháu nóng nảy nói không được tên tôi tớ ấy, giận quá định giơ nắm đấm cảnh cáo hắn ai ngờ hắn lại to gan đến mức lấy ấm trà đập vào mặt cháu. Cô xem vẫn còn vết đây.”
Nói rồi gã chỉ vào vết thương đã kết vảy trên trán.
Đó không phải vết thương lớn nhưng bà cả vẫn thầm cả kinh, bà là người coi trọng tôn ti trên dưới dù cho Đại có sai thì kẻ làm tôi tớ không được phép đánh con nhà quan đến chảy máu thế này được. Bà chẳng hề nghĩ đến Thiên đánh Đại là vì bảo vệ Hạc chỉ thấy đấy là mất hết quy củ phép tắc rồi, để người ngoài nghe được sẽ thế nào? Nói phủ này dung túng tôi tớ to gan lớn mật lộng hành hay nói phủ này không biết dạy tôi tớ?
“Người theo hầu Hạc là ai?” – Bà cả hỏi.
Hương chưa kịp trả lời Đại vội lên tiếng.
“Thưa cô kẻ đó xưng tên là Thiên.” – Đại không biết bà cả đã thấy căm ghét Thiên như gã muốn hay chưa nhưng đâm lao phải theo lao, gã nói tiếp. – “Cháu thấy tên tôi tớ ấy nhanh mồm nhanh miệng nhưng nết như ma quỷ, bằng không sao lại xen mồm nói những lời gây bất hoà như vậy? Cháu biết Hạc là người hiền lành hiểu đạo đối nhân xử thế nếu không có kẻ nói điều xấu bên tai sẽ không nóng giận tranh cãi với cháu như vậy.”
Chẳng ngờ Đại nói bậy nói bạ mà lại khơi ra nỗi nghi ngờ trong lòng bà cả. Câu cuối cùng gã nói khiến bà nhớ lại những ngày gần đây Hạc thay đổi rất nhiều, bình thường luôn răm rắp nghe lời bà không ra khỏi phủ lại đột nhiên đi ngắm sen còn ngầm chỉ trích bà ba. Ban đầu bà nghi ở hồ sen Trúc đã nói gì đó với Hạc nhưng nghĩ kĩ thì không phải, năm nào nàng cũng đến chơi có khuyên cậu thì đã khuyên từ nhiều năm trước mới phải, bà biết Hạc ít nhiều cũng bị hai ảnh hưởng hẳn không thể vì một cuộc nói chuyện với người lạ mà thay đổi. Như vậy chỉ có thể do người khác khuyên nhủ một thời gian mà người mới vào phủ gần đây lại luôn ở cạnh Hạc chỉ có Thiên.
Bà nghiêm giọng nói với Hương.
“Đi xem tên gia nhân đó có trong phủ không, nếu có mang nó đến đây cho ta!”
Khoảnh khắc mệnh lệnh của bà cả vang lên trong ánh mắt bà loé lên sự tàn độc khó thấy. Còn Đại hả hê ra mặt, rốt cuộc gã đã đạt được mục đích gã muốn rồi.
– —
Chú thích:
(1) Lục sự: theo sách từ điển chức quan Việt Nam: “Thời Nguyễn đặt Lục sự ở các tự, trật Chánh thất phẩm.
– Quan coi việc sổ sách giấy tờ hành chính, thuế khoá, đinh điền, việc hộ cấp phủ huyện.
– Quan xử án và nghiên cứu án ở Đô sát viện.”
Chức quan Lục sự trong truyện thuộc trường hợp thứ nhất (Quan coi việc sổ sách giấy tờ hành chính, thuế khoá, đinh điền, việc hộ cấp phủ huyện).
(2) Hoàng đế: trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có ghi “Minh Mạng năm thứ 7, vâng lời Hoàng đế phán dạy, tất cả các hoàng tử hề ngày giờ nào sinh được con trai, con gái và có những con chết đi thì do viên trưởng sự bẩm lên phủ Tôn nhân rồi phủ Tôn nhân chuyển từ nội vụ bộ Hộ tuân theo”. Hiện tôi vẫn chưa chắc chắn về cách dân chúng gọi vua Minh Mạng nên xin phép gọi Hoàng đế như trong đoạn trích trên.
(3) Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có đoạn ghi chép rằng, dưới triều Nguyễn, quan lại nhận hối lộ dù chỉ một lạng (10 đồng) cũng bị cách chức không được bổ dụng.