Gả Cho Nam Nhân Bệnh Lại Là Phúc Của Ta - Lạc Ngôn - Chương 42: Quyết định cuối cùng
- Trang Chủ
- Gả Cho Nam Nhân Bệnh Lại Là Phúc Của Ta - Lạc Ngôn
- Chương 42: Quyết định cuối cùng
– Tôi nói cho ông biết, đừng hòng ta gả hai đứa con gái của tôi đi! Hai đứa nó là vàng bạc châu báu của tôi, không thể gả sang đấy chịu khổ được. Trước đây còn anh Ân thì tôi có xá chi, nhưng từ khi anh ấy mất, nhà họ Võ kia dần dần lụng bại, gom góp hết tiền của mới mua được cho tên trai trưởng chức quan miền núi. Bây giờ muốn để lại đứa bệnh tật không thể đoạt công danh cho con ta? Nằm mơ!
Ông Văn Hậu người vẫn còn bận áo bào, đầu tóc rối mù vì suy nghĩ. Ông ngồi vật ra ghế, ngước mắt nhìn trần nhà, sau đó lại cúi mặt xuống chân, nhẹ giọng
– Tôi cũng biết, nhưng năm đó nếu anh ấy không ra tay cứu giúp, nhà chúng ta có được như hôm nay…con đường thăng tiến của tôi còn rộng mở…Đại học sĩ cũng nói tôi có thể tiến xa hơn. Nếu bây giờ tôi phủi sạch mọi ân nghĩa, chị Ngưu làm lớn chuyện, thiên tử là người trọng đạo nghĩa, đến tai người tôi chỉ có nước chết!
Hồ Cẩm Tú thở phì phò, trong lòng ngậm đầy một cục tức. Bà ức ông chồng mình, hứa trả nghĩa thế nào không trả, lại cứ phải lấy chuyện hôn nhân con cái ra mà hứa. Con gái lớn của bà giỏi giang biết mấy, nó nhất định phải gả thật vẻ vang. Con gái nhỏ của bà mắt cao hơn đầu, nó nhất định không chịu gia đình đang xuống dốc đó.
– Ông làm như ông không biết, anh Ân đôn hậu bao nhiêu, mụ Ngưu lại cay nghiệt bấy nhiêu. Gả con gái tôi qua đó, cho mụ đay nghiến hử?
Quan ông đứng lên đập bàn, chỉ thẳng vào Hồ thị mà than
– Chứ bà muốn tôi thế nào đây? Ngày mai người ta quay lại chính là muốn câu trả lời của chúng ta!
– Ông học sĩ! Ông cũng không phải chỉ có con tôi là con gái! – Quan bà đứng bật dậy, rít lên từng tiếng
– Nhưng người ta muốn con dòng chính kia kìa!
– Vậy thì ghi tên cái Mai vào gia phả đi, ghi vào dưới tên tôi, cho nó làm con gái dòng chính!
Quan ông vỗ bàn, vung tay như định tát tới gương mặt điêu ngoa kia
– Không phải con mụ nên mụ không thương hử? Mụ đúng là…đúng là…
Ông Huỳnh Văn Hậu phất tay áo đi về phía thư phòng. Trong lòng ngổn ngang suy nghĩ. Vốn nghĩ từ sau khi ông Võ Đình Ân qua đời, chuyện hôn ước này sẽ đi vào quên lãng, nào ngờ hôm nay lại tìm đến cửa. Không phải là ông vong ơn phụ nghĩa, nếu cần ông sẵn lòng ra tay giúp đỡ cho hai đứa con trai của ân nhân thành tài. Nhưng gả con gái, là điều ông không muốn. Ông có cả thảy bốn cô, ông không muốn cô nào phải vì lời hứa bồng bột lúc thiếu thời của mình mà hy sinh.
Nhớ lại tháng ngày đó, khi ông còn là một học trò, ông đã từng tham gia một hội thơ ở quê nhà, trong lúc cao hứng đã kết giao một người bạn. Cả hai đều là đồng âm, tri kỉ, hiểu ý hiểu tình. Qua lại một thời gian, thiếu niên kia cáo từ ông về quê ở kinh thành. Sau đó ít lâu ông thi khoa cử, đỗ công danh. Đại nạn sảy đến lúc ông vừa mới nhậm chức tri huyện sa Lệnh được ba năm, đang tuổi niên thiếu tráng kiện, từng va chạm với không ít người. Năm đó lũ lớn, con đê Sa Lệnh đột nhiên vỡ tung, cuốn trôi đi một nữa hoa màu, gia súc, dân chúng khốn đốn lầm than. Bề trên hay tin, khiển trách ông tội không tu dưỡng đê điều. Ông kêu oan đến năm phủ sáu bộ nhưng chẳng ai hơi đâu mà ngó ngàng đến một ông tri huyện nho nhỏ. Nhưng rồi cuối cùng trời thương, lá đơn kêu oan của ông đã lọt vào tay người bạn kết giao năm đó. Ông Đình Ân không nề hà mà giúp ông kêu oan, giúp ông hóa giải, đi đến mòn cả gót giày. Sau khi ra khỏi chốn đại lao, gội rửa sạch thân thể, ông liền đến nhà họ Võ mà dập đầu cảm tạ. Chén rượu ngà say, hơi men đưa đẩy, trong phút chốc cả hai liền hứa hôn với nhau. Bẵng đi chín năm, ông Đình Ân bệnh nặng qua đời, để lại mẹ già con thơ, tiếp đó thì hai nhà dường như mất liên lạc. Nhớ đến người bạn cũ, mắt quan ông đỏ quạch, lòng dấy lên nổi chua xót. Hai đứa con gái dòng chính kia, Hồ thị nói không được thì chính là không được. Dù sao ông vẫn cần thế lực nhà mẹ đẻ Hồ thị, cha làm An phủ sứ, em trai làm chức Tuần phủ, không thể coi thường. Cái Chi thì còn quá nhỏ, chỉ còn cái Mai. Đứa con gái tội nghiệp của ông…
Quan ông đến phòng dì, ngồi một hồi lâu bên giường Văn Khải, một câu cũng không nói. Ông cứ ngồi như thế cho đến tối mịt, quan bào màu lục phủ đầy mệt mỏi. Ông quay người sang nhìn ta, mi mắt đỏ hoe. Mẹ ta thấy điều không hay, vội quỳ xuống bên giường, cầm lấy tay ông. Ông Văn Hậu thở dài một hơi, mở miệng nhưng chẳng có âm thanh nào, mãi đến một lúc sau ông mới tìm lại được giọng nói
– Ngày mai…ta và mẹ cả sẽ viết thư về quê nhà ở Vạn Ninh…ghi tên con vào dưới tên Cẩm Tú, nâng con lên thành con dòng chính…
Mẹ ta nghe đến đây, mặt mày rạng rỡ, bà siết chặt lấy tay quan ông, quay sang nhìn ta ra hiệu cho ta dập đầu cảm tạ
– Con gái tạ ơn cha và mẹ cả…nhưng con vô năng, không giúp được chi cho cha mẹ, sao có thể nâng con lên làm dòng chính…
Quan ông nhịn không được, xoa đầu ta mấy cái, vuốt mái tóc mềm như lụa, bóng như nhung
– Vì con sẽ được hứa hôn…cho nhà họ Võ ở kinh thành…