Gả Cho Nam Nhân Bệnh Lại Là Phúc Của Ta - Lạc Ngôn - Chương 3: Ta tham gia một lớp khuê học
- Trang Chủ
- Gả Cho Nam Nhân Bệnh Lại Là Phúc Của Ta - Lạc Ngôn
- Chương 3: Ta tham gia một lớp khuê học
Quan bà năm nay hai mươi sáu tuổi, tên gọi là Hồ Cẩm Tú. Lúc ta bước vào trình diện, đã thấy bà ngồi ở ghé gỗ lim lớn chính giữ phòng, tay cầm một chén trà sen bằng sứ trắng men xanh, móng tay thon dài gẩy đi mấy lá trà nổi trên mặt, dáng điệu trầm ổn vừa phải. Bà mặc một thân viên lĩnh màu đỏ tía, thắt lưng dài thêu hoa, thắt nút giọt lệ, đầu cài chiếc trâm hoa đính hồng ngọc, khí thế át người.
– Năm nay, cái Mai cũng đã tròn tám tuổi, đến lúc cho nó đi học rồi! Tuy nói con gái chỉ cần biết tam tòng tứ đức, thêu thùa may vá, không cần học nhiều chữ, nhưng là con cái nhà quan, vốn nên biết đôi ba câu thơ, vài truyện điển tích, sau có ra ngoài cũng không làm mất mặt gia đình. Ví như em ba đây, cũng từng là tài nữ một thời vang bóng mới được ông yêu thích rước về. – nói đoạn bà nhìn sang dì Hoa đang ngồi bên ghế con. Dì giật thót mình, vội dắt ta đứng dậy, cúi đầu thưa
– Dạ bẩm bà, em nào dám, vài chữ cỏn con sao dám so bì cùng ai. Nói về học vấn uyên thâm, hiểu biết sâu rộng vẫn là bà cả nhà này. Cái Mai được phúc đi học cùng các chị nhà trên em thật quý quá ạ.
– Em đừng nói vậy, em cũng có thể dạy con chữ nghĩa thơ phú, chẳng qua ta thấy, người cùng một nhà vẫn nên cùng nhau đến lớp, đỡ cho em lo phần con nhỏ. Năm nay thầy mà ta mời tới dạy khuê học chính là bà Nguyễn Thị Lệ. Bà vốn là vợ của cố Ngự sử đại phu Trần Liễn, bà góa bụa thủ tiết nuôi dạy hai trai hai gái thành tài, vốn xuất thân con cháu nhà quan trong cung, lễ nghi một bụng, tiếng lành đồn xa, nay trong miếu thờ liệt nữ, đã sắp sẵn một chỗ cho biển tên của bà, mời được bà ấy về đây dạy khuê học chữ nghĩa, ta không biết đã bỏ ra bao nhiêu sức. Lần này học, còn có cô con gái độc nhất của tri huyện Lợi Bồng, cùng hai chị em con quan huyện Tư Dung, cái Mai cũng nên biết để giữ đạo chủ nhà.
Dì Hoa dập đầu cảm tạ, sau dắt ta lui về phòng. Lời nói này của bà cả chính là “thầy ta vất vả mời về cho hai cô lớn, con của cô là hưởng phúc thừa, nên biết an phận, đừng hòng lấn át”, mẹ ta về liền răng đe ta một hồi, nào là đến lớp nên nghe nhiều, nhìn nhiều, làm ít nói ít, dù cho biết cũng phải vờ như không biết, học tập chăm chỉ, nghe lời dạy bảo, không được thể hiện bản thân vượt mặt hai chị, rước họa vào người. Ta liền dập đầu nghe theo, một lòng mong mỏi ngày được đến lớp. Ở cái thời cổ đại này, con gái nào được lộ mặt, đi đây đó, suốt ngày quanh quẩn trong bốn bức tường, ta sắp muốn phát điên, nay được đến lớp, có bạn đồng niên, vui không kể xiếc, hận thời gian không thể nhanh thêm vài ngày.
Ngày mà ta mong mỏi cũng đến, bà Lệ đến phủ Huỳnh mang theo hai hòm ba rương, cùng hai đứa người hầu, theo dự tính bà sẽ ở chừng hai năm, dạy các cô ấm những thứ cần dạy. Bà cả sắp xếp cho bà ở gian nhà nhỏ phía đông, xung quanh có mấy khóm trúc xanh mềm mại gọi là Trúc Lâm viện. Ngày đầu đến lớp, bà không dạy gì nhiều, chỉ làm quen với các tiểu thư. Ấn tượng đầu tiên của ta về bà, chính là một người phụ nữ trung niên tầm bốn mươi tuổi, tóc đã có sợi bạc nhưng gương mặt vẫn rất thanh tú, đoan trang, cử chỉ nho nhã, không nhiều không ít, cầm một tách trà, lật một trang sách cũng đều tỏa ra khí thế trâm anh. Bà chẳng cần mở miệng dong dài, cũng khiến người ta thầm nghĩ “nữ phụ này quả không tầm thường”
– Các tiểu thư, ta đến hôm nay chính là dạy các tiểu thư, quy tắc đứng ngồi ăn ngủ, lễ nghi giao thiệp, đối nhân xử thế, trị gia, văn chương mà nữ nhi cần, đạo hạnh mà nữ nhi giữ. Có điểm nào không hiểu, xin tiểu thư cứ hỏi. Đầu tiên, các tiểu thư xin mời giới thiệu bản thân
Chị cả ta đứng lên, một thân áo xanh nhẹ nhàng lả lướt, động tác đoan trang, vừa đủ, dõng dạc thưa
– Con là Huỳnh Khánh Đoan, năm nay vừa được mười tuổi, con gái lớn của tri huyện Sa Lệnh, mong thầy chỉ bảo nhiều hơn ạ – Chị ta chính là bản sao nhỏ của quan bà, gương mặt tầm thường, không mấy xinh đẹp, nhưng cử chỉ, thần thái đều mang dáng dấp thanh cao, uy thế của bà lớn, cũng chính là đứa con mà ông bà tri huyện yêu mến nhất.
Kế tiếp là cô hai, cô này ngược lại với chị Đoan, tính nết không giống ai, lại giống ngay bà cô nhà nội – chị gái quan ông, yêu tiền tài, phú quý, tính tình cứng nhắc, ương bướng. Chị ta đi học lại bận một bộ giao lĩnh đỏ bốn tà, đai đeo thắt lưng ngọc phô trương, đầu cài một chiếc cài bằng ngà voi khảm đá.
– Con là Huỳnh Khánh Ngọc, năm nay chín tuổi, con gái thứ 2 của tri huyện Sa Lệnh, xin ra mắt thầy ạ
– Con là Huỳnh Khánh Mai, con gái thứ 3 của tri huyện Sa Lệnh, con chào thầy, em chào các chị ạ – Ta hít một hơi đứng lên, giới thiệu xong liền ngồi xuống, cô con gái lớn phía Tư Dung nhìn ta cười khẩy, ta cũng đoán chừng biết được tình cảnh này, so với y áo phú quý, đẹp đẽ trên người hai chị, ta chỉ bận một bộ viên lĩnh màu cam, quần trắng, thắt đai trơn không họa tiết, kẻ ngu khờ cũng nhận ra được “à đây là con dì nhỏ”
Cô gái lớn lúc nãy đứng lên, mỉm cười một cái, cảm tưởng như mấy đóa hoa ngoài sân phải e thẹn cuối đầu, xinh đẹp, quá đỗi xinh đẹp, bà Lệ cũng phải gật đầu một cái tán thưởng. Mạc Bình, chín tuổi chính là con cả nhà tri huyện Tư Dung. Bên cạnh cô ta là một bé gái, ăn bận đơn giản y hệt ta, dáng dấp khúm núm sợ sệt, đứng dậy ậm ừ một lúc mới dám thưa là Mạc Thư, bảy tuổi, con thứ nhà huyện Tư Dung. Cuối cùng là cô con gái độc nhất của tri huyện Lợi Bồng, trông cô ta thật sự không có quy củ, tay đang cầm một quả đào cắn dở, lãnh đạm nói tên rồi ngồi xuống, cô ta tên là Trần Hồng Yên, năm nay mười một tuổi, lớn nhất bọn. Ta khẽ thầm đánh giá một hồi, hai năm này còn phải trải qua với mấy người bọn họ.