Gả Cho Nam Nhân Bệnh Lại Là Phúc Của Ta - Lạc Ngôn - Chương 25: Hai phần
Sau buổi tối hôm ấy, mẹ ta cho chị Ngô một túi bạc nhỏ, gả đi xa về phía nam cho một người buôn vải, cũng coi như trả lại cho chị ta những năm tháng vất vả. Từ ngày đó, ta thỉnh thoảng lại thấy bà ngồi trên bậu cửa, nâng niu một đôi búp bê bằng vải. Có lẽ trong lòng bà, chút lòng riêng ích kỉ muốn giữ lấy người bạn tâm giao bên cạnh mình là có thật. Nhưng ta tin, bà không phải vì muốn bỏ lỡ tuổi xuân của Thị Ngô. Không chỉ có mình bà buồn, ngày hầu Ngô gả cho người buôn vải, ta bắt gặp anh hầu Tỏi đứng thừ người dưới gốc cây trứng cá, đấy là lúc ta biết hóa ra con người ta có thể khóc dù trên mặt chắc có lấy một giọt nước mắt nào.
Sau việc của con hầu Ngô, mẹ ta đã chú ý hơn về việc quản lý kẻ dưới. Bà không còn hời hợt, phớt lờ như ngày xưa, mặc cho người tự tung tự tác. Bà hỏi ý cô hầu Nhài đang hầu bên phòng em Khải chuyện hôn nhân. Cô ta nói muốn gả cho anh Điền bên người quan ông, cả hai đã trao duyên, chỉ chờ ông bà gật đầu đồng ý, mẹ ta liền đem chuyện này thưa với cha. Cuối mùa thu năm đó, hầu Nhài gả cho hầu Điền, hầu Lan được nâng lên cho vào phòng hầu hạ cậu tư Khải. Hầu Sen trở thành người hầu mới của mẹ ta. Còn con hầu Đào, tuy trong câu chuyện này nó không hề sai, nhưng chúng ta kì thực không dám dùng nó thêm nữa, bèn sai người bán nó sang nhà khác.
Đó là chuyện của vài tháng sau này, còn hiện tại ta lại có thêm một rắc rối khác. Cha ta rất hài lòng về chiếc khăn vấn tóc mà ta làm, bằng chứng là ông rất hay dùng nó. Tuy lúc đó chỉ muốn lấy lòng ông, minh oan giúp mẹ, nhưng hiện tại thấy quan ông tỏ ra yêu thích lòng ta không khỏi vui sướng. Thế là ta bèn làm thêm một chiếc áo cừu* bằng lông chồn đỏ cho ông khi mùa đông đến. Tỉ mỉ mất nữa tháng trời, nhưng khi thấy được sự tán thưởng chân thành của ông, ta vui đến lạ. Hóa ra cảm giác được cha yêu thương là thế này! Quan ông khen ta ngoan ngoãn, hiếu thảo hơn tất thảy, liền thưởng cho ta hai sấp gấm hoa thượng hạng. Thứ đồ tốt này là do một lái buôn vải nghe tin quan ông thăng chức liền đem đến chúc mừng, cả thảy là hai cuộn, ông đều cho ta.
*Tác giả Phạm Đình Hổ, sống vào cuối thời Lê Trung hưng, trong cuốn “Bị khảo”, có ghi rằng: “Cừu là áo da chống rét, sản sinh ở Trung Quốc, có hai loại, loại sang trọng là Hồ cừu (áo lông cáo), Điêu cừu (áo lông chồn), thứ đến là Dương cừu (áo lông dê)… Áo cừu có hai kiểu bên trong là da bên ngoài là lông và kiểu bên trong là lông bên ngoài là da… Phía Nam vùng Giang Hoài không có tuyết, ít sương, loại áo cừu thường mặc là loại bên trong là lông bên ngoài là da. Nước ta cũng vậy”
Hôm sau, vừa tan học về, Khánh Ngọc đã đi theo ta, chị ta tức giận, ra hiệu cho con hầu Thảo chặn đường ta lại, sau đó tiến lên mắng chửi
– Mày hay ho gớm, nay còn biết nịnh bợ cha, định tranh dành với bọn tao phỏng? Dù mày có nịnh bợ đến thế nào, sau cùng cũng chỉ là đứa con vợ lẽ, còn mong tưởng được dường như tao hử? Ôi dào “Cú mà biết phận Cú hôi, Cú đâu lại dám đến ngồi cùng Tiên. Quạ mà biết phận Quạ đen, Quạ đâu lại đám mon men cùng Cò.”
– Chị chớ nói nặng lời, em nào có nịnh bợ tranh giành chi, mà chị ví em là cú là quạ! – Ta cúi đầu khẽ đáp
– Mày hết làm khăn rồi lại làm áo, cha tao lại thiếu ba thứ vớ vẩn ấy sao? Vì mày mà mẹ tao la mắng tao, nói tao không biết làm cha vui. Tao với mày sao giống được nhau chứ? Dù tao có chín sai mười sai cứ vẫn là con cha, còn mày thì phải nịnh nọt lấy lòng!
– Em thấy trời đông sắp đến, liền muốn làm chút đồ hiếu kính cha mẹ, em cũng có làm một chiếc mũ gửi cho quan bà, mong chị soi xét!
– Tao cấm tiệt nghe chửa? Còn nếu mày muốn làm, phải làm cả cho phần của tao, đương nhiên là phải đẹp hơn, quý hơn! – Chị ta quăng cho ta một sấp lông cáo đắt liền, hấc mặt nói – Làm một cái áo cừu nữa, đem đến cho ta!
Một điều nhịn, chín điều lành, huống chi chỉ là làm một cái áo, cũng không mệt bao nhiêu, ta liền gật đầu đồng ý. Chị ta khoái chí, thong dong đi thẳng. Con hầu Hồng giúp ta ôm đám lông mượt mà bóng bẩy, khẽ lắc đầu
– Bây giờ không giống như lúc trước, dì cũng có tiếng nói, cô chủ còn được ông yêu thích, sao vẫn phải nhịn cô ấy cơ chứ..
– Ta làm sao có thể so với cô ấy chứ!
Phải, ta làm sao có thể so với cô ấy. Cô ấy là đứa trẻ phú quý, sinh ra từ bụng quan bà, có cha là học sĩ, có ông ngoại là An phủ sứ. Tính tình kiêu ngạo của cô ấy chính là do phú quý sinh ra, làm sao có thể hiểu được kẻ hèn mọn ngày ngày toan tính như ta chứ.
Ta ôm mớ lông về, làm thành một chiếc áo cừu mới, đường kim mũi chỉ đều tỉ mỉ hơn gấp 2 lần, chỉ sợ khiến cho bà chị la sát kia không vui. Kể từ ngày hôm ấy, ta làm gì đều phải làm cho chị ta thêm một phần, còn phải là phần đẹp hơn. Trước mặt mọi người đều phải khen ngợi kĩ thuật thêu thùa của chị ta, khiến cho chị ta có mặt mũi, có thể diện. Cho đến một ngày, ta vì mệt mỏi mà để quên chiếc kim thêu trong cổ áo của quan bà.