Gả Cho Nam Nhân Bệnh Lại Là Phúc Của Ta - Lạc Ngôn - Chương 14: Động thủ
Dì Hằng ngồi trên phản gỗ, con dao bổ cau trong tay dì ta khéo léo uyển chuyển. Têm một miếng trầu cánh phượng, dì ta đưa vào miệng, hơi nồng ấm của trầu làm dì ta khoan khoái. Bà hầu Phương bước vào, cúi đầu thưa
– Bẩm dì, ông đã bắt đầu dọn hành lí, tuần sau sẽ đi đến trấn sắp xếp, bàn giao công việc, đi về dự là ba ngày.
– Được rồi, nhịn cũng đã nhịn cả một mùa hè, bây giờ nên cho mụ kia biết chút bản lĩnh của ta rồi.
– Dì định… – Bà hầu Phương kéo dài câu, dì Hằng là uống sữa bà ta mà lớn lên, đối với bà ta, dì cũng như con gái của bà. Ngày đó bà theo dì về phủ Huỳnh, sau không biết đã giúp dì làm bao nhiêu chuyện.
Diệu Hằng gật đầu, khóe miệng cong lên, hàm răng đen* hòa với màu đỏ của trầu, vô cùng đáng sợ.
– Không có thời điểm nào tốt hơn đâu, chức quan của ông đã định không còn phải e dè, nay ông rời đi, ta xem xem ai sẽ lên tiếng cho mụ. Bà cả ư? nằm mơ. Bà mau đến thôn Đoài, đưa bức thư này cho thầy Tám dặn thầy chuẩn bị đi!
* Ngày xưa, phụ nữ Việt có tục ăn trầu, nhuộm răng đen. Đến thời Lý-Trần tuy không còn phổ biến nhưng vẫn có người nhuộm răng, ấy là việc bình thường. Khoảng vào năm 1862, khi nền văn minh Tây phương xâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, và nhất là đầu những năm của thế kỷ 20, phong tục này mới bị mai một đi mất
Dì Hoa vô cùng yêu cây cỏ, phía sau phòng của bà có một cây liễu, cạnh cây liễu có một hồ sen nhỏ. Phía hành lang là vô số những chậu hoa. Mỗi ngày bà đều tự tay chăm bón cho chúng. Mùa thu hoa cúc nở rộ đủ sắc đủ màu, căn phòng trở nên rực rỡ sinh động. Bà cắt vài đóa cúc vàng, vài đóa cúc họa mi đem vào cắm trong phòng. Khí trời dịu mát làm cho ta ăn uống ngon miệng hơn, mùa hè kia qua đi, ta vậy mà lại tăng 4 cân.
– Lại còn ăn, con nhìn con xem, sắp béo thành con lợn rồi! – Mẹ nhìn đôi má phúng phính đỏ hồng và mấy ngón tay mập mạp của ta, không nhịn được mà mắng.
– Cái khăn vấn tóc kia đã thêu xong chưa?
– Còn một ít nữa, chắc chắn sẽ đưa cho cha trước ngày lên trấn.
Mẹ con ta cười đùa vui vẻ, sống an tỉnh cả một mùa hè, chúng ta không ngờ được sóng gió phía trước sẽ mau ập đến.
Quan ông bận bịu sắp xếp công vụ, lại chuẩn bị kiểm kê tài sản, cái gì bán được thì bán, qua mùa đông sẽ khởi hành lên kinh nhậm chức. Bận rộn nhiều ngày làm quan ông có phần mệt mỏi, vừa nằm xuống giường nghỉ ngơi, liền nghe một thằng hầu chạy vào thưa chuyện, mặt nó hớt hải mồ hôi nhễ nhại
– Bẩm..bẩm ông, chết rồi, chết rồi..
– Ai chết? Mi nói năng cho cẩn thận đường hoàng ta nghe.
– Vợ tá điền Hổ
– Vợ một thằng tá điền chết đi, thì can dự chi đến ông hử?
– Thị là chết trong phủ của ta, sáng nay thị đến đưa cá cho bếp, tự dưng đi đến đầu cổng thì lăn ra chết tươi.
– Có ai thấy chưa? – Quan ông đứng bật dậy, gằn giọng tức giận
– Bẩm chỉ có con và thằng Điền và dì Hằng biết thôi, bà cả hôm nay lên chùa không có nhà, dì Hằng tự mình làm chủ, kêu chúng con giấu xác nó vào kho rồi ông ơi.
– Bưng kín chuyện này, không cho ai biết! Chuyện này mà đến tai đám quan ngự sử, chức học sĩ của ông coi như tiêu tùng!!
Huyện thái gia mười năm chinh chiến, xử qua trăm vụ lớn nhỏ không phải là danh hảo, đầu tiên liền đi tra nguyên nhân cái chết của người đàn bà kia. Tra rồi lại tra, mới phát hiện thị là phát bệnh kinh phong* mà chết. Quan ông cho người gọi tá điển Hổ đến, đưa xác vợ nó ra, giải thích cặn kẽ, mới đầu thằng này không chịu, khóc khóc kêu la, quan ông đành phải cắt cho nó miếng ruộng nó đang cày, giấy trắng mực đen, thằng này mới chịu im miệng. Lòng quan ông đau xót khôn nguôi, vừa lo vừa sợ.
*Kinh phong: bệnh động kinh
Hôm sau, trời mưa tầm tã, mưa to bằng hạt đậu, gõ lên mái ngói râm ran, cơn mưa kéo dài cả ngày, làm lòng người ảo não. Quan ông đến phòng dì Hằng ngồi, lòng vẫn không khỏi lo lắng
– Sắp đến ngày lên kinh, vậy mà lại chết người ở trong nhà, cũng may có nàng bưng bít thông tin, nếu không sợ là lớn chuyện.
– Em cũng rất kinh sợ, chỉ định tản bộ một lát cho tiêu bữa sáng, ai dè lại thấy thằng Điền thằng Phùng hớt ha hớt hải như trúng tà, hỏi ra mới biết chuyện này, dọa em một trận kinh hồn bạt vía.
Quan ông Hậu xoa đầu mỹ nhân đang sợ hãi trong lòng, đưa tay với lấy chén trà thì nó trơn tuột, rơi vỡ tan tành
– Chén trà sao lại trơn như thế này, vỡ mất một chén trà quý – Quan ông tiếc nuối nhìn bộ ấm chén sứ Trung Hoa quý giá chỉ còn lại năm chén.
Hôm sau nữa, phát hiện phòng thờ tổ tiên rạn nứt một vết dài, bàn thờ thì bị mối mọt. Chuyện này liên tiếp chuyện kia, lòng quan ông không khỏi kinh sợ. Dì Hằng thỏ thẻ bên tai, chắc chắn nhà đang mắc vận xui, xin ông cho mời thầy cao tay đến phá giải. Lo lắng chuyện công danh bị ảnh hưởng, quan ông liền gật đầu đồng ý, giao hết thảy mọi việc cho dì Hằng lo liệu. Truyện Lịch Sử
__________
Lời tác giả: Bạn đọc thân mến! Nếu có ý tưởng, đóng góp gì, xin hãy bình luận cho tôi biết! Bình luận của các bạn đọc chính là niềm vui của tôi. Chân thành cảm ơn