Đời Có Phan An - Liễu Ức Chi - Chương 8: Nước mơ giữa hè
Biên tập: –.-…
Hiệu đính: Mày là bố tao
Ban ngày trời nóng nực làm mọi thứ uể oải. Cây mơ trước sân đã rụng hết quả, chỉ có tường vi nở khắp vườn giữa mùa hè này.
Đằng sau viện của Dương Dung Cơ có con suối lượn quanh nhà, nếu có gió thổi qua thì dù là ngồi ở trong phòng cũng thấy mát mẻ không thôi.
Dương thị lại sai người đưa đá tới, bên trên còn có vài chùm nho.
Nơi nào ẩm ướt là nơi đó có nhiều muỗi. Có lần Dương đại ca nhìn thấy mặt mũi Dương Dung Cơ chi chít đốm đỏ, thế là có lòng vào cung xin thuốc bôi có hiệu quả rất tốt.
Cửa sân bị gõ vang, Y nhi buông quạt bồ quỳ xuống, đi mở cửa.
Cửa mở hoa rơi, hương tường vi lan tỏa.
Đó là hai vị thê tử của hai ca ca Dương Đàm, Dương Hâm.
Đều trạc tuổi với Dương Dung Cơ, nàng cũng thích tên của họ. Một người là Trương Nhược Tử – vợ của đại ca – nghe nói là bởi vì Trương gia chỉ sinh được con gái, nhưng họ muốn có con trai nên cố đẻ, lại sinh ra con gái, sau đó vợ cả không chịu được, thề không sinh nữa. Và Trương gia đã đặt tên đứa bé gái đó là Trương Nhược Tử, hi vọng nàng sẽ có tài giống nam nhi. Người còn lại thì họ Tô, tên Tô Trường Ca.
Hai người đi qua giàn tường vi. Có vài cánh hoa rơi vào giỏ trúc của họ.
Dương Dung Cơ đang ngủ trên giường, bỗng cảm thấy mũi man mát, khó thở, nàng từ từ mở mắt ra và vui vẻ nói: “Trường Ca”.
Trương Nhược Tử lắc giỏ trúc trong tay, nói: “Không nhìn thấy tẩu hả!”.
Dương Dung Cơ mang giày xong, mỉm cười kéo tay Trương Nhược Tử: “Nhìn thấy chớ”.
Dương gia là hào gia, Trương Nhược Tử và Tô Trường Ca được phân công quản lý vài việc, mà mùa hè lại là thời điểm công việc nhà nông bận rộn nhất nên mỗi ngày hai người họ đều bận bịu xem sổ sách, vì vậy, đã lâu rồi bọn họ chưa tụ tập với nhau.
Vì truyền thống gia đình, Dương Triệu không cho phép minh tranh ám đấu trong phủ, cho nên tất cả mọi người đều giữ hòa khí, chỉ có Dương Nhứ là ngoại lệ.
Trương Nhược Tử lấy một cái hũ từ trong giỏ trúc, lại lấy thêm ba cái bát sứ.
Dương Dung Cơ hỏi: “Gì mà thần bí vậy, rốt cục trong hũ đựng bảo bối gì?”.
“Nhìn đi.”
Mở nắp ra, hương mơ nồng đậm. Một chén nước màu nâu đậm bốc khói trắng. Xung quanh bát sứ còn đọng hơi nước.
“Trời nóng thế này, được uống một chén nước mơ là tuyệt nhất đó.”
Tô Trường Ca đưa bát cho Dương Dung Cơ: “Vài ngày trước, nhị ca muội đi tuần tra đồng ruộng, được tá điền cho một ít mơ. Họ nói là nó rất ngọt, nên tẩu và đại tẩu quyết định nấu nước mơ, sau đó để trong giếng một ngày một đêm, hôm nay mới lấy ra. Chúng ta đã uống hai bát rồi, còn lại cho muội đó”.
Bát sứ trắng đựng nước màu nâu đậm, nghe thấy từ “nước mơ” là nàng chảy nước miếng, Dương Dung Cơ bưng bát, gần như uống một hơi cạn sạch.
Tô Trường Ca buồn cười, gọi Y nhi tới: “Đừng để nữ lang uống nhiều quá, kẻo đau bụng. Ta thấy trong viện có con suối, lát nữa để cái hũ này vào đó, ngày mai uống tiếp”.
“Vâng.”
Có lẽ do đi đường dưới trời nóng, Trương Nhược Tử nhễ nhại mồ hôi.
Dương Dung Cơ cầm khăn lau giúp ả, lỡ tay lau sạch son phấn…
“Không sao, đằng nào lát nữa cũng trôi đi hết. Loại phấn này không chống được mồ hôi, không khéo lại thành diễn viên kinh kịch.”
Tô Trường Ca nói tiếp: “Đến khi hết hè, làn da tẩu chắc lại bị sạm màu, lúc đó mà thoa phấn hồng thì chẳng khác nào con khỉ”.
“Phụt… ha ha ha…”
Ba người tiếp tục nói cười một hồi, Trương Nhược Tử và Tô Trường Ca mới đứng dậy rời đi.
Y nhi đưa tiễn hai người xong, quay trở lại, ngồi vào bàn, tiếp tục phẩy quạt bồ quỳ, kể chuyện Can Tương Mạc Tà* phiên bản dân gian cho Dương Dung Cơ nghe.
*Can Tương Mạc Tà: là tên của hai vợ chồng thợ rèn kiếm Trung Quốc cuối thời Xuân Thu ở nước Ngô. Họ được coi là hai trong những thợ rèn kiếm giỏi nhất thời Xuân Thu với sản phẩm tiêu biểu là hai thanh kiếm Can Tương, Mạc Tà.
Chuyện xưa đến hồi cuối, chén nước mơ cũng hết.
Phan An nhận được thiếp mời từ Kim Cốc viên đưa tới, mời hắn đến thưởng thức quả an tức của Ba Tư mà đối phương mới có được.
Phan An đến Kim Cốc viên lúc trưa, cửa chính vừa mở đã có làn gió mát pha lẫn mùi thơm ngát của hoa quả, làm sự mệt mỏi bị quét sạch.
Thạch Sùng nằm trên giường ngọc trong phòng, thấy Phan An tới, cũng không đứng dậy nghênh đón, mà chỉ vào nệm êm bên cạnh, để Phan An qua đó ngồi.
Rèm châu khẽ động, gia nô mang lên một giỏ an tức. Theo sau đó là một vị mỹ nhân mặc y phục lộng lẫy. Cô hơi cúi đầu, trâm ngọc trai lay động, dường như mỗi một bước đi đều đã được cân đo đong đếm, bước chân nhẹ nhàng như lướt trên mây.
Phan An nhận ra đó là Lục Châu.
Cô cúi mặt, ngồi quỳ ở một bên.
Thạch Sùng hài lòng nhìn dáng vẻ ngoan ngoãn của Lục Châu, đưa cho nàng một con dao găm nạm ngọc, nói: “Châu nương, cầm lấy bóc vài quả đi”.
Đó là thứ mà Thạch Sùng thường xuyên mang theo. Việc hắn ta đưa nó cho Lục Châu đã đủ để chứng minh hắn ta rất ưng vị mỹ nhân này. Kẻ giàu sang và ngang ngạnh như Thạch Sùng dĩ nhiên sẽ thích cảm giác kiểm soát người khác, cho nên hắn ta cũng thích mỹ nhân biết nghe lời, dựa thùng dựa chão nhất.
Lục Châu nhẹ nhàng đáp: “Vâng”.
Phan An đang uống trà, có vẻ khựng tay lại.
Lục Châu hoàn toàn không giống một người dịu dàng ngoan ngoãn, vì ngày ấy trên du thuyền, ánh mắt của cô vô cùng bạo dạn. Bây giờ cô có vẻ đã thu lại sự sắc sảo của mình, từ mẫu đơn biến thành bách hợp, từ diễm lệ trở thành thanh nhã. Quả thật, sở trường của cô đúng là mưu cơ và thấu hiểu lòng người.
Quả an tức còn có tên gọi khác là đan nhược và an thạch lựu. Nó vốn sinh trưởng ở Tây Vực, ngày xưa Trương Khiên đi sứ Tây Vực đã mang hạt giống của nó về, nên chỉ có cung đình nhà Hán có diện tích lớn mới trồng được, còn dân gian thì khó gặp. Thế mà Thạch Sùng lại có được một sọt lớn, còn là cống lễ của Ba Tư.
Như biết được suy nghĩ của Phan An, Thạch Sùng giải thích: “Lúc trước ta cho người đi cướp xe sứ thần ở biên cảnh, nhưng lại thấy tội nghiệp hắn phải đi sứ ở tận Ba Tư nên không những trả lại mà còn tặng thêm một vài thứ khác. Gần đây thì vị sứ thần đó hồi triều, hắn dụng ý tặng ta những thứ này”.
Vỏ lựu bong ra từng mảng, hạt lựu đỏ như máu rơi xuống mâm, ánh lên ngón tay tái nhợt, Thạch Sùng híp mắt hưởng thụ… Có vẻ cảm thấy lúc này không nên thất lễ, hắn đổi đề tài.
“Gần đây ta thấy mỗi lần ngươi hạ triều là vội vã đi về hướng tây, nhưng đệ trạch nhà ngươi rõ ràng ở hướng ngược lại…”
Phan An cười cười: “Mấy ngày nay sự vụ quấn thân, muốn gặp một người lại không tìm được lý do thích hợp, nếu tùy tiện gặp thì sợ làm phiền nàng, ta đành quanh quẩn ở cửa nhà nàng, hi vọng có thể bắt gặp nàng”.
Như thể nghe được chuyện cười Thạch Sùng phá lên cười: “Nếu thích mỹ nhân thì mạnh dạn lên, nếu đã dâng lên vàng bạc châu báu mà còn không lấy được thì nàng chỉ là thứ hạ tiện thôi, cần gì?”.
Lục Châu siết chặt tay nhưng vẫn tỏ ra bình tĩnh.
Thạch Sùng kéo Lục Châu qua, nâng cằm của cô lên, hỏi: “Đúng không, Châu nương?”.
Lục Châu mỉm cười.
Phan An đặt mạnh chén trà xuống, làm mấy hạt lựu lăn xuống đất.
Thạch Sùng nhìn hắn một cách khó hiểu.
“Ta đang muốn hỏi vợ chứ không phải lấy lòng mĩ nhân.”
Thạch Sùng sững sờ hồi lâu, giống như đang phán đoán ý tứ câu nói này.
Phan An đứng dậy, chuẩn bị rời đi.
Thạch Sùng đi theo, cầm chiếc hộp đựng mấy trái lựu, xuống nước: “Do ta thất lễ, xin lỗi”.
Phan An tiếp nhận: “Sau đừng nói mấy lời như thế nữa”. Vén rèm châu lên, hắn quay người lại: “Sau này khiêm tốn chút đi, đừng… Thôi thôi, tùy ngươi vậy”.
Mặt trời đã ngả về tây, gió đêm mát rượi, sau khi thăm hỏi mẫu thân, Dương Dung Cơ dẫn Y nhi rời phủ.
Họ đi tới chợ phía tây.
Trương nương tử đang làm son phấn.
Bên cạnh cửa hàng son phấn có một cây tử vi. Và hồ bên cạnh còn có hoa sen.
Trương nương tử ngồi dưới tàn cây xay bắp, bên cạnh còn có hồng hoa ép bánh.
Y nhi gọi: “Trương nương tử”.
Trương nương tử ngẩng đầu: “A, cô nương tới rồi, vào ngồi đi!”.
Bên trong cửa hàng thoang thoảng hương hoa.
Dương Dung Cơ ngồi trên ghế trúc.
Trương nương tử mang đồ từ ngoài vào, tiếp tục nghiền bắp, nói: “Cái này càng mịn thì màu càng đẹp, phơi khô xong là lên màu được rồi”.
Dương Dung Cơ nói: “Ngoại trừ hồng hoa, chúng ta còn có thể dùng hoa khác để làm phấn má không?”.
“Lúc trước ta nghe lão nhân trong cung nói, màu lựu tự nhiên nhất, nhưng đi đâu mà tìm?”
Đến khi trời bắt đầu có rặng mây hồng, Dương Dung Cơ mới chuẩn bị trở về phủ. Trương nương tử đưa cho nàng một ống trúc đựng nước mơ, vẫn còn man mát. Nàng ta tiễn hai người ra cửa, nói: “Cô nương đã muốn về trước khi trời tối, sao không có người trong phủ tới đón? Đây là nước mơ, cô nương đừng ham lạnh mà uống nhiều quá, ối, ta không nói nữa, tối mất…”.
Dương Dung Cơ cười đáp: “Ta biết rồi. Y nhi đi thôi”.
“Vâng!”
Khi đi đến cầu Chu Tước, dường như có một vị lang quân đang đứng đấy nhìn hoa sen.
Sen ở đây không lộng lẫy như ở chợ tây, nhưng vị lang quân này còn tươi thắm và hiên ngang hơn cả sen.
Y nhi tập trung nhìn, thốt lên: “A, Phan lang?”.
Phan An quay đầu, có vẻ ngạc nhiên, sau đó mỉm cười.
“Không ngờ lại vô tình gặp nhau, thật là trùng hợp.”
Dương Dung Cơ lại gần nói: “Trùng hợp thật”.
Phan An đưa một cái hộp.
Dương Dung Cơ mở ra, là quả lựu đỏ tươi, đúng là vận may từ trên trời rơi xuống.
Hắn nói: “Nữ nhi thích ăn đồ ngọt, ta không thích, tặng cho nàng đó”.
Đây là lần đầu tiên Dương Dung Cơ cười một cách thoải mái như thế ở trước mặt hắn, như thể trời đất sáng bừng sức sống.
Nàng giơ ống trúc trong tay lên, kéo hắn đến cái quán nhỏ ở gần đó, mượn bát để rót nước mơ, rồi cẩn thận đóng ống trúc lại. Nàng để chén nước mơ vào trong tay hắn, cười mỉm: “Ừm, giữa hè như thế này, được uống nước mơ là tuyệt nhất”.
Phan An nhớ tới hai năm trước, khi hắn mười sáu tuổi, bạn đồng liêu thành thân, hắn đến tham gia hôn lễ. Đám lang quân say bí tỉ, nằm bò ra bàn lảm nhảm, mượn rượu nói lời thật lòng.
Có người hỏi: “Các ngươi muốn nội nhân là người như thế nào?”.
Có người lớn tiếng đáp: “Nên là con nhà tử tế, khôn khéo, biết hầu hạ cữu cô, toàn tâm toàn ý với ta, còn phải tìm cho ta tiểu thiếp xinh đẹp”.
Đám người cười to.
Còn Phan An nhíu mày.
Thế là có người hỏi: “An Nhân huynh thì sao?”.
Phan An lắc chén rượu trong tay: “Một gian hai người là đủ. Ta không cần nàng phải đẹp hay biết lễ nghĩa, hiền thục”. Hắn dừng lại, dường như nghĩ tới điều gì đó, tai chợt đỏ bừng, hắn cười cười: “Ta chỉ cần nàng mỉm cười rồi đưa cho ta một chén nước mơ giữa trời hè là được”.
…
Tiếng lá sen khẽ xào xạc bên tai.
Có mấy đứa trẻ cười đùa nhặt hạt sen.
Hoa sen cao hơn đầu chúng.
Chúng cúi đầu lấy hạt sen, hạt sen trong veo như pha lê.
*hoa mẫu đơn
*hoa hồng hoa