Đời Có Phan An - Liễu Ức Chi - Chương 3: Họa triều đình
Biên tập: –.-…
Hiệu đính: Mày là bố tao
Đêm nay trăng tròn, Dương Dung Cơ lờ đờ đứng lên, bóp vai cho Dương thị, nói: “Mẫu thân, con đi nghỉ đây. Người cũng nên ngủ sớm, kẻo hại mắt”.
Dương thị cầm lấy áo choàng bên cạnh, khoác lên người nàng, dặn dò: “Trời tối rồi, cẩn thận. Về phòng nhớ uống canh gà, đừng uống quá nhiều trà”.
“Vâng.”
“Có phải hôm nay gặp A Nhứ không?”
“Vâng.”
“Hai đứa bình thường luôn luôn tan rã không mấy vui vẻ, Trương nương tử thì động một chút lại đến đây khóc lóc kể lể. Không ngờ nữ nhi đã xuất giá mà không bớt lo được. May thay, phụ thân con là người biết điều, nhưng cứ lâu lâu lại gây chuyện như thế, cũng đủ khiến người ta nhức đầu, đành để phụ thân con nghĩ xem nên ứng phó ra sao vậy.”
Dương thị săn sóc khiến nàng cảm thấy ấm áp, Dương Dung Cơ quấn chặt lấy áo choàng, đẩy cửa phòng ra. Trời rất lạnh, không còn ấm áp như ban ngày. Xung quanh sân trước của chính viện trồng trúc xanh, gió thổi lá cây xào xạc. Đằng trước nữa là đầm sen. Bài trí như thế lại phù hợp tính tình Dương Triệu, ông là nhà nho, rất coi trọng từ “khí tiết”. Có đôi khi Dương thị sẽ trách ông quá ngay thẳng, không hiểu được từ “khôn khéo”. Có người trách móc, tất nhiên cũng có người tán thưởng.
Dương Dung Cơ rất thưởng thức khí tiết và thái độ sống của phụ thân. Ông là người đối xử bình đẳng với con cái trong phủ, từ học vấn đến cách làm người đều nghiêm khắc. Ngay cả Dương Dung Cơ và hai ca ca học thi thư phú họa, không ai được nuông chiều, cũng không ai bị coi thường, ngoại trừ Dương Nhứ. Theo lời kể của Dương thị, vì Dương Nhứ vừa khóc lóc vừa làm ồn, không chịu học tập, cũng không cam lòng với thân phận thứ nữ, cả ngày chỉ hòng tính toán lấy lòng mọi người. Dương Triệu cũng hết cách, từ bỏ bồi dưỡng thi thư cho nàng ta, cũng tùy theo ý nàng ta, để nàng ta xuất giá.
Mỗi ngày trước bữa tối, Dương Triệu sẽ gọi ba người con đến thư phòng, bình thư họa, luận thời sự, cũng có xen kẽ đời sống bình dân. Lần duy nhất mà Dương Triệu tức giận là bởi vì phát hiện ngũ thạch tán ở trong nhà.
Hôm đó, tra ra là đại ca Dương Đàm mua về, chỉ là hiếu kì, may mà chưa dùng, nhưng cũng bị phạt. Nhân sĩ anh tuấn kiệt xuất đương thời chuộng ngũ thạch tán, Dương Triệu đành chịu, nhưng ông tuyệt đối không cho phép nhà mình dính vào.
Mỗi lần nói đến thời cuộc, Dương Triệu luôn luôn thở dài. Vì Tư Mã thị* soán quyền, áp dụng chính sách lôi kéo, ông phải tránh xa mọi việc để có thể giữ được mình. Dù biết rõ đây không phải là kế sách lâu dài nhưng ông cũng không còn cách nào.
*Dòng họ Tư Mã thống trị tàn bạo thời Tây Tấn, nhưng họ đã tìm mọi cách dùng lễ giáo để đánh phấn tô son cho mình, những trò hề của họ khiến người ta phải buồn nôn. Một số văn nhân thanh cao không muốn phục vụ cho tập đoàn Tư Mã, nhưng cũng không dám phản kháng nên đã có những thái độ tiêu cực. Họ sống giữa cảnh non nước, uống rượu ngâm thơ, thể hiện thái độ coi thường danh lợi, phản đối lễ giáo. “Trúc lâm thất hiền” chính là những đại biểu của những văn nhân này, gồm 7 người: Nguyễn Tịch (210-263), Kê Khang (223-263), Lưu Linh (221-300), Sơn Đào (205-283), Hướng Tú (221-300), Vương Nhung (234-305), Nguyễn Hàm (?-?).
Ngụy Tấn thịnh hành đạo Lão – Trang, nhưng Dương Triệu lại theo đạo Nho. Nho gia có truyền thống kiến công lập nghiệp, đó cũng là tâm nguyện của ông, nhưng hiện tại đang có rắc rối chính trị, bất kể là tránh đi hay thuận theo thời thế đều liên quan đến hướng đi vận mệnh.
Sóng ngầm mãnh liệt trong triều không thể đưa ra ánh sáng, nên nếu không thể lôi kéo được đối phương thì phải tìm lý do đàng hoàng để diệt trừ. Vì vậy không ít người rời xa triều chính, giấu đi tài năng, cả ngày ca bài ca bi thương. Chẳng hạn như Kê Khang không chịu vào chầu, Nguyễn Tịch càn rỡ, mượn rượu hòng tránh họa…
Và sóng ngầm đã gây ra cuồng phong, Dương Triệu vẫn còn chưa trở về nhà.
Trúc xanh xào xạc, Dương Dung Cơ đón ánh trăng, càng chạy càng chậm.
Tiểu tỳ ở bên cạnh ngẩng đầu nhìn trăng, ngạc nhiên nói: “Cô nương nhìn kìa, trên trăng có bóng…”.
Dương Dung Cơ ngẩng đầu, nhưng phương xa lại có tiếng bước chân vội vã, là Dương Triệu với vẻ mặt hoảng hốt, không nghe thấy Dương Dung Cơ gọi “phụ thân” mà bước nhanh hướng về chính viện.
Hai vị ca ca thì vội vàng đi theo sau, khuôn mặt cũng đầy lo lắng. Dương Dung Cơ thấy vậy, ngừng lại bước chân, đi theo bọn họ.
Tháng tư năm 262 sau Công nguyên, đương độ cuối xuân, đêm trăng tròn, bóng tối bỗng bao trùm, trời bắt đầu nổi gió lúc nửa đêm, Kê Khang vào tù.
Chuyện là, Lữ An – người Sơn Đông và Kê Khang qua lại thân thiết, mỗi lần nhớ nhau là sai người đánh xe đến thăm, bất kể xa xôi ngàn dặm. Lữ Tốn là huynh đệ khác mẹ với Lữ An, vì lẽ đó mà cũng có quen biết với Kê Khang.
Thê tử Lữ An là Từ thị đẹp tựa thiên tiên. Lữ Tốn ham muốn sắc đẹp, nhân dịp chuốc say Từ thị, cưỡng hiếp người ta.
Lữ An phát hiện, lên án Từ thị, và muốn kiện cáo Lữ Tốn, y báo cho Kê Khang trước tiên. Nhưng Kê Khang không muốn chuyện xấu trong nhà truyền ra ngoài, ra mặt hòa giải, Lữ An cũng rút đơn kiện, gió êm biển lặng.
Lữ Tốn sợ bị người ta nắm thóp, lo lắng không thôi, không chịu nổi cuộc sống như vậy, vu cáo Lữ An tội bất hiếu.
Tư Mã Chiêu bắt Lữ An.
Kê Khang phẫn nộ minh oan, đồng thời viết “Dữ Lữ trưởng đễ tuyệt giao thư” nhằm trách mắng Lữ Tốn, làm cho Tư Mã Chiêu tức giận, bắt hắn vào tù.
Chung Hội, một sĩ tộc Dĩnh Xuyên, hâm mộ tiếng tăm Kê Khang nên đến thăm hắn, nhưng Kê Khang và Hướng Tú bận rèn sắt, không rảnh quan tâm.
Chung Hội bị làm lơ, không cam lòng, lúc rời đi, Kê Khang nói: “Đã nghe gì mà tới? Đã thấy gì mà đi?”.
Chung Hội giận dữ: “Tới vì nghe cái đã nghe, đi vì thấy cái đã thấy”. Hắn ta cũng hận Kê Khang từ đó.
Kê Khang vào tù, Chung Hội thừa cơ hãm hại, Tư Mã Chiêu giận dữ, trảm Lữ An và Kê Khang.
Dương Triệu xưa nay tán thưởng và yêu thích Kê Khang vốn có kỳ tài, nghe nói Kê Khang bị bắt, nhất thời kinh sợ.
Tư Mã Chiêu trảm Kê Khang và Lữ An vì tội bất hiếu, chứng tỏ đã có ý muốn giết Kê Khang từ lâu. Mà Kê Khang là nhân tài trăm năm có một, Tư Mã Chiêu lại lạm sát người vô tội như thế khiến toàn triều khủng hoảng. Họ sợ cái thời buổi muốn gán tội cho người khác bất kể lý do này. Họ sợ cái cảnh người có tội thì sống thoải mái, người vô tội thì khi không lại phải vào tù đó.
Dương Triệu vào thư phòng, một lát sau, mặc triều phục bước ra, trong tay còn có một tờ đơn kiện, chắc chắn là muốn vào cung can gián.
Giờ phút này hẳn là không ít người trong triều cũng có cùng ý tưởng như thế, nhao nhao dùng ngòi bút làm vũ khí, muốn ngăn cơn sóng dữ này.
Dương thị hiểu được đại khái sau khi nghe Dương Đàm và Dương Hâm kể lại. Bà cũng biết luôn cả ý định của phụ tử bọn họ. Đồng thời, bà càng biết rõ hơn nếu để bọn họ ra khỏi phủ thì tất có chỗ liên luỵ.
Thế là Dương thị đã chắn trước Dương Triệu: “Quý thúc, ông không thể đi”.
Hai mắt Dương Triệu đỏ bừng, gắng sức áp chế cơn thịnh nộ: “Phu nhân, bà tránh ra”.
Dương thị quỳ xuống.
“Mẫu thân!”. Dương Đàm, Dương Hâm kinh hãi, muốn đỡ Dương thị dậy.
Dương Dung Cơ đứng ở cổng, thấy vậy muốn vào cũng không được, mà bỏ đi cũng không xong.
Chủ mẫu đã quỳ xuống, đầy tớ của cả viện cũng rối rít quỳ theo. Trăng khi tỏ khi mờ, bóng cây trúc cũng lung la lung lay theo.
“Quý thúc, bản tính ông cương trực, gây thù với quá nhiều người trong triều, may mắn được Tư Mã thị thưởng thức, mới có thể bo bo giữ được mình. Bây giờ nếu ông đi, tất có người sẽ giết ông nhằm đào tận gốc, trốc tận rễ, vì tối nay, ai tham gia giải vây có nghĩa là đối đầu với Tư Mã thị. Bọn họ chắc chắn sẽ châm ngòi thổi gió, kết cục của ông cũng sẽ giống Thúc Dạ…”
Dương Triệu đột nhiên trầm mặc, siết chặt nắm tay, thậm chí trán còn đổ mồ hôi.
Dương thị quỳ dưới chân, nét mặt chưa bao giờ kiên nghị như thế này. Một người luôn luôn thuỳ mị dịu dàng như nước, luôn luôn mỉm cười, lúc này lại nói ra đầu ra đũa.
Giờ Dương Dung Cơ mới biết là Dương thị không phải phụ nhân chốn khuê phòng bình thường, mà bà là người nhìn xa hiểu rộng, không thua gì nam tử.
“Quý thúc, kẻ ác gây nên chuyện hôm nay, trời cao có mắt, không bằng chờ thêm mấy năm để coi kết cục… Nhưng nếu hôm nay ông đi thì sống chết không rõ…”
Dương Triệu im lặng, nhắm mắt lại, bi thương vạn phần: “Phu nhân, Thúc Dạ có ơn với ta… Khi đó ta bị triều đình xa lánh, có tài mà không được thể hiện, là Thúc Dạ nhờ Vương Nhung, người của Vương thị ở Lang Gia nói đỡ lời cho ta, ta mới được trọng dụng. Vậy nên hết thảy hôm nay có được đều là nhờ công Thúc Dạ. Hắn có ơn tri ngộ với ta như vậy, bây giờ hắn gặp nạn, lương tâm ta khó có thể bình an…”.
Dương thị không hề bị lay động: “Kết cục Thúc Dạ đã định, nếu ông đi như thế, cũng chỉ là đi chịu chết một cách vô ích. Thúc Dạ lúc ấy thưởng thức tài năng của ông, chẳng lẽ bây giờ muốn nhìn ông chết vì hắn một cách vô ích sao? Nếu ông thật sự muốn báo đáp ân tình, không bằng sống cho thật tốt…”.
Nhưng Dương Triệu dường như bị kích động: “Phu nhân, ta không phải hạng người ham sống sợ chết, vì sao bà sắt đá đến mức như thế!”.
Dương Đàm, Dương Hâm khó xử, dường như bị Dương thị thuyết phục, nhưng lại do dự phân vân.
Chủ viện nhất thời căng thẳng, không ai nói gì nữa.
Dương Dung Cơ đi vào, đến bên cạnh Dương thị, không chút do dự quỳ xuống.
“Dung nhi…”
“Muội muội…”
“Phụ thân, con từng nghe bà vú già trong phủ nói, mẫu thân vừa gả tới không bao lâu, phụ thân đã ra ngoài đánh trận, gần như hấp hối trở về. Khi đó mẫu thân đang mang thai đại ca, phụ thân lại sống chết không rõ, ngự y đều bó tay, lắc đầu rời đi, là mẫu thân túc trực bên giường bệnh của phụ thân suốt ba tháng, nhờ thế mà phụ thân giữ được tính mạng. Sau đó, bởi vì vất vả quá độ, lúc sinh đại ca, mẫu thân suýt nữa mất mạng. Nếu nói tới ân tình là Kê Khang có ơn tri ngộ với phụ thân, thì mẫu thân có ơn cứu mạng với phụ thân, có ơn sinh dưỡng với đại ca nhị ca. Bây giờ, mọi người muốn xả thân vì nghĩa khí nhất thời, thì ai xứng đáng với ơn cứu mạng của mẫu thân, ai xứng đáng với ơn sinh dưỡng của mẫu thân?”
Dương Triệu bị kinh sợ trước những lời này. Dương Đàm, Dương Hâm lập tức kinh hãi nhìn về phía Dương Dung Cơ.
Dương Dung Cơ dập đầu một cái: “Phụ thân không phải hạng người ham sống sợ chết, nhưng con là hạng người ham sống sợ chết. Phụ thân nên biết giữa không thể làm và không làm khác nhau như thế nào, cho nên hiện tại tiếp tục sống sót mới là sự báo đáp cho Kê Khang thúc và mẫu thân…”.
Dương Triệu chậm rãi buông tay, run rẩy đỡ Dương thị dậy, nước mắt rốt cục chảy xuống: “Phu nhân…”.
Ông quay người, lưng còng xuống, chậm rãi nói: “Thôi thôi…”.
Dương Đàm kéo Dương Dung Cơ, nắm thật chặt áo choàng trên người nàng: “Huynh đi xem phụ thân, muội và Hâm nhi chiếu cố mẫu thân đi”.
“Vâng.”
Buổi trưa cứ thế trôi qua, trời càng ngày càng lạnh, Dương thị nắm chặt tay Dương Dung Cơ, khẽ nói: “Trễ rồi, hôm nay ngủ cùng mẫu thân đi, mẫu tử chúng ta nói chuyện…”.
Tháng tư, cỏ mọc én bay, vạn vật sinh sôi, khi Dương Dung Cơ tỉnh lại, bên ngoài trời quang mây tạnh.
Tư Mã Chiêu thậm chí còn không chờ đến mùa thu, xử trảm Kê Khang và Lữ An vào hôm nay.
Kê Khang bây giờ mới ba mươi chín tuổi, dù tiếng tăm có lớn hơn nữa cũng không thay đổi được cục diện bây giờ.
Lần đầu tiên, Dương Dung Cơ cảm nhận sâu sắc cái gọi là bất lực.
Nàng mất hồn mất vía mà thức dậy, không thấy phụ mẫu và ca ca đâu, Dương phủ hoàn toàn yên tĩnh, ngay cả người giữ cửa cũng biến mất tăm.
Nàng đẩy cửa ra, tơ liễu ngoài cửa bay tán loạn, hoa đào nở rộ.
Dương Dung Cơ còn mặc y phục hôm qua, tóc chưa chải, đi theo biển người về phía trước.
Người đi đường đi lại vội vã, rất giống lúc mười lăm tháng giêng, nhưng khi đó bọn họ đi vì lễ mừng năm mới kết thúc, còn nay thì là đi chứng kiến một người ra đi.
Nàng hốt hoảng đi vào nơi đám đông tụ tập, trên đài cao, công cụ đã được dọn ra, trong đoàn người có người yên lặng lau nước mắt.
Đám đông đột nhiên di chuyển, Dương Dung Cơ đi theo, cảm thấy hơi khó chịu vì bị chen lấn. Nàng cử động một chút, chợt kinh ngạc quay đầu nhìn, hóa ra là Phan An.
Hắn ngăn cách đám đông cho nàng, Dương Dung Cơ nói lời cảm ơn theo bản năng.
Tuy hắn mím chặt môi nhưng mắt hắn sáng tựa vì sao, lần đầu tiên Dương Dung Cơ muốn dùng câu nói “da trắng như tuyết, đẹp tựa trăng rằm” để hình dung một nam tử.
Sao hắn biết mình ở đây? Vô tình nhìn thấy, hay…
Suy nghĩ lúc này bị ngắt ngang bởi đám người bắt đầu sục sôi.
Kê Khang đi lên đài hành quyết.
Bình tĩnh ung dung, dáng người mảnh khảnh, thậm chí mỉm cười với đám đông.
*đầm sen