Đời Có Phan An - Liễu Ức Chi - Chương 17: Trận Tây Lăng
Biên tập: Mày là bố tao
Gần đây Lạc Dương bắt đầu có tuyết rơi như tơ liễu ngày xuân.
Hiện giờ là đầu tháng Mười một.
Phía tàn dư của Tôn Ngô, Tây Lăng đốc Bộ Xiển sợ bị mắc bẫy, đưa hai cháu trai là Bộ Ky và Bộ Tuyền đến Lạc Dương làm con tin, tự ý đầu hàng chính quyền nhà Tư Mã.
Tư Mã thị phái Dương Triệu đón rước Bộ Xiển, Xa Kỵ tướng quân Dương Hỗ tấn công Giang Lăng.
Lục Kháng nghe nói Bộ Xiển hàng phục quân Tư Mã, nổi cơn thịnh nộ, lập tức triệu binh, đến Tây Lăng thảo phạt Bộ Xiển.
Ba đội quân gặp nhau.
Quân Ngô có ba mươi nghìn người, quân Tư Mã có tám mươi nghìn người.
Lục Cơ là con trai của Lục Kháng, sống ở thành Lạc Dương, thích quảng giao. Lục Kháng lại đánh Bộ Xiển và giao chiến với quân Tư Mã.
Khi tin tức truyền tới Lạc Dương, Lục Cơ đang chơi cờ với người khác. Đối phương muốn mỉa mai Lục Cơ nên hỏi y: “Huynh rời nhà đến Lạc Dương lãng du, chẳng lẽ là đã đoán trước chuyện nước Ngô sắp bị diệt vong?”.
Lục Cơ đặt một quân cờ xuống, tỉnh như không, cúi đầu nói: “Nhà Tần thống nhất sáu nước, sau đó sụp đổ, Đại Hán thống nhất đất nước rồi suy vong. Huynh thấy đấy, trên thế gian này, có triều đại nào sẽ không bị tiêu diệt chứ? Trải qua một cuộc bể dâu, vạn vật đều có sinh diệt…”.
“Lạc đề rồi, ta hỏi lại huynh một lần nữa, quân Ngô ba mươi nghìn người, quân Tư Mã tám mươi nghìn người, huynh đoán xem, ai sẽ thắng?”
Lục Cơ ném quân cờ đi, đôi tay nắm chặt bàn cờ, đáp: “Ta không đánh cuộc!”.
Dương Dung Cơ nướng hạt dẻ trên chậu than, Tô Trường Ca và Trương Nhược Tử đều quây quanh nàng, còn Dương thị đang đóng đế giày ở góc khác trong căn phòng.
Tô Trường Ca nói: “Sau khi tuyết tan thì đường sẽ lầy lội, mang đôi giày sạch sẽ đi ra ngoài, đến khi quay về lại bẩn như trâu đầm”.
Trương Nhược Tử bảo: “Tính ra guốc gỗ khá là tiện, chỉ là tẩu đi không quen. Nghe nói ở phương Nam họ hay đi guốc gỗ, khi mẫu thân còn bé cũng xỏ guốc gỗ ạ?”.
Dương thị lấy kim châm day da đầu, đáp: “Đất Ngô nhiều mưa, đi guốc gỗ là thích hợp nhất. Có một cửa hàng làm guốc đi cực kỳ thoải mái, chỉ là từ khi tới Lạc Dương, ta không còn được thấy nữa. Mấy năm trước, phụ thân mấy đứa phái người mua cho ta mấy đôi, ta vừa thấy lại nhớ nhà…”.
“Trong thư, phụ thân nói là mình dẫn binh đi Tây Lăng, đã mấy tháng trôi qua, cũng đến lúc về nhà rồi.”
“Lần trước Hâm nhi kể rằng phụ thân dẫn tám mươi nghìn quân Tư Mã, đội quân của đối phương có ba mươi nghìn người là cùng. Phe ta còn có tướng quân Dương Hỗ đi cùng với phụ thân, lần này quân Ngô e là lành ít dữ nhiều.”
“Sắp đến cuối năm, không biết có bao nhiêu người sẽ bỏ mạng ở chiến trường. Gì mà quân Tư Mã với chả quân Ngô, bỏ qua danh nghĩa, chẳng qua đều là người Hán học Tứ thư, ăn ngũ cốc, tội gì phải tiêu diệt lẫn nhau?”
Dương thị nhanh chóng ngắt lời họ: “Nào nào, chúng ta chỉ là khuê phụ, đừng đàm luận tình hình chiến trường. Quý Sơ sắp về rồi, hoa cỏ trong viện đã úa tàn, nhưng quả hồng lại đỏ rực một góc sân. Hôm nào mấy đứa đi hái hồng rồi mình làm mứt hồng và bánh hồng nhé, phụ thân mấy đứa thích ăn quả hồng nhất”.
Dương Dung Cơ vẫn luôn yên lặng nướng hạt dẻ và nghe họ nói chuyện, bấy giờ mới lên tiếng: “Vâng”.
Dương thị nhìn tuyết ngoài cửa, nói: “Đến khi tuyết ngừng rơi, chúng ta sẽ bắt đầu chuẩn bị đồ Tết. Phải may đồ mới, cũng phải mua hoa quả bánh kẹo, phải sắm cả thịt thà, rau củ nữa. Mới chớp mắt một cái, Lạc Dương đã sang năm mới”.
Dương Dung Cơ nhìn ra bên ngoài theo bà, nàng cũng sống ở đây được gần một năm.
Than nổ lách tách, Dương Dung Cơ đẩy hạt dẻ qua một bên, chuyển sang nướng thịt, Tô Trường Ca và Trương Nhược Tử bàn chuyện kiểu tóc mới nổi rất hợp trang phục mùa đông.
Ngoài cửa sổ, tuyết dần ngừng rơi.
Bên trong vườn Kim Cốc vẫn ấm áp như trước.
Thạch Sùng gọi tất cả các vị thiếp trong phủ đến, phát trang sức cho từng người một, sau lưng hắn ta vẫn còn vài rương trang sức chất đống. Ban đầu Thạch Sùng còn hào hứng, sau đấy lại bắt đầu cảm thấy chán, đưa khay cho Lục Châu, vươn vai: “Châu nương, nàng chia trang sức cho họ nhé, ta đi ngủ một lát”.
Đi được một đoạn, hắn ta bỗng quay lại, tiện tay ôm một mỹ nhân đi vào gian nhà bên cạnh, thỉnh thoảng vang lên tiếng kẽo kẹt hoặc tiếng thở dâm đãng.
Lục Châu thản nhiên như thường, cẩn thận phân chia trang sức cho các thiếp.
Đám thiếp lập tức tản ra sau khi nhận được đồ, Lục Châu cũng ra cửa theo, cô tựa vào khung cửa, nhìn chút tuyết còn sót lại trên nóc nhà.
Thạch Sùng không dùng than để sưởi ấm, hắn ta ngại khói than, không biết là dùng biện pháp gì mà có thể khiến cho căn phòng ấm áp như mùa xuân.
Năm ngoái, cô vẫn là ca kĩ Lục Châu, không phải sủng thiếp của Thạch Sùng. Khi đó cô đốt than trong phòng nhưng quên mở cửa sổ, suýt chút nữa khiến cô và ca kĩ ở chung phòng bị ngạt thở, thấy có vấn đề, họ lập tức mở cửa sổ ra rồi nằm trên giường tâm sự. Ca kĩ là gái làng chơi, vậy mà họ vẫn giữ được tấm thân trong trắng. Họ đều chờ đợi nhân duyên thắm thiết, phu quân như ý.
Phàm là nữ tử, ai không mong được nắm tay người đến khi bạc đầu?
Xem ra, đó chỉ là một thoáng mộng mơ.
Có điều, bây giờ cô không cần phải lang bạt hay phó mặc cho số phận nữa, bởi cô đã có vô số trái cây quý hiếm, vô vàn trang sức quý giá.
Đương lúc ngẩn ngơ, cô không phát hiện có tiểu thiếp đi đến trước mặt mình.
Tiểu thiếp này có khuôn mặt ngây thơ, lại không kém phần quyến rũ.
Lục Châu hoàn hồn, mỉm cười nhìn đối phương.
Tiểu thiếp đó nói: “Lục Châu, cô chia hết đống trang sức cho chúng ta, nhưng bản thân cô…”.
Lục Châu cầm trâm ngọc trong tay của tiểu thiếp đó lên rồi cài vào tóc của đối phương, giải thích: “Ta không thích mấy cái này”.
Phan An đóng cửa sổ xong, xoa tay, lại cầm bút lông lên, vẽ một nhánh hoa đào.
Ngày đầu tiên tới đây, chàng vẽ một thân cây và một cành đào lên giấy. Từ hôm đó trở đi, mỗi ngày chàng đều vẽ một nhành hoa. Trong tranh là cây đào nở rộ, bên ngoài lại là tuyết bay lả tả.
Chàng nhớ tuyết Lạc Dương, cũng nhớ người ở thành Lạc Dương.
Tháng Chín, Dương Triệu tới vùng phụ cận Tây Lăng để chi viện cho Bộ Xiển, phụng mệnh bổ nhiệm Bộ Xiển làm Đô đốc Tây Lăng chư quân sự, Vệ tướng quân, Khai phủ nghi đồng tam ty, Thị trung, kiêm Diêu lĩnh Giao Châu, Bộ Xiển cũng được phong làm Nghi Đô hầu.
Lục Kháng dẫn binh đến gần Tây Lăng, bao vây Bộ Xiển, phái người sửa chữa tường thành nhằm chống cự quân Tư Mã.
Dương Hỗ tới Giang Lăng, Lục Kháng bất chấp mọi kháng nghị, kiên quyết bỏ Giang Lăng thủ Tây Lăng.
Đầu tháng Mười, hai quân giao chiến, Dương Triệu thâm nhập Tây Lăng, cứu Bộ Xiển.
Quân chủ có lệnh là phải giúp đỡ Bộ Xiển, hứa hẹn rằng sẽ sắc phong quan tước, bảo vệ cho vả.
Mười ngày sau, Du Tán – thuộc hạ dưới trướng tướng lĩnh quân Ngô Lục Kháng, làm phản, bí mật đào tẩu sang quân Tư Mã, đi đến doanh trại của Dương Triệu, tiết lộ toàn bộ kế hoạch của Lục Kháng.
Dương Triệu chuẩn bị chiến mã, bố trí tinh binh, tính tấn công vào điểm yếu của đối phương.
Lục Kháng phát hiện Du Tán chạy trốn, nghĩ rằng gã sẽ nói hết kế hoạch cho phe địch, do đó Dương Triệu chắc chắn sẽ điều động binh mã tập trung tấn công điểm yếu quân Ngô.
Vì thế Lục Kháng đổi hết binh lính yếu ớt ở đó thành binh hùng tướng mạnh.
Trung tuần tháng Mười, lúc Dương Triệu dẫn quân tinh nhuệ tấn công chỗ phòng thủ yếu nhất ở Tây Lăng của quân Ngô, chợt thấy quả cầu lửa bay trên bầu trời. Bị tinh binh của quân Ngô đánh úp, Dương Triệu trở tay không kịp, binh tinh nhuệ bị tổn thất nặng nề, cho dù cố chống chọi, có tinh binh bổ khuyết nhưng vẫn không thể đánh bại quân Ngô.
Lục Kháng yêu cầu giao Bộ Xiển ra, Dương Triệu đáp ứng. Tuy vậy, ông âm thầm phái người hộ tống Bộ Xiển đến Lạc Dương, đồng thời quyết liệt đối địch. Bộ Xiển đi đường vòng, dẫn binh mã của mình tới cứu viện.
Đầu tháng Mười một, tuyết rơi dày đặc, Dương Hỗ bị mắc kẹt ở Giang Lăng, Dương Triệu liên tục bị thua trận, toàn quân của Bộ Xiển bị diệt.
Tuyết trắng vùi cốt, máu đỏ nhuộm tuyết.
Năm ngày sau, lương thực cạn kiệt, binh lính thương vong nghiêm trọng, Dương Triệu liều mạng che chở Bộ Xiển.
Mồng Một tháng Mười một, Dương Dung Cơ hái được hai sọt quả hồng, để ráo nước, rồi dùng chỉ xâu lại, treo dưới mái hiên.
Dương Triệu uống nước tuyết, ăn rễ cây, thề không ăn chiến mã.
Mồng Tám tháng Mười một, Dương Dung Cơ cho quả hồng vào lu, đợi kết lớp phấn trắng bên ngoài.
Gió Tây Lăng lạnh thấu xương, Dương Triệu và Bộ Xiển ngồi trong doanh trại, sau lưng là những quân lính còn sót lại, bọn họ thổi sáo trúc, hát dân ca.
“Chiến thành nam, địch thanh dương.
Ngã hữu thê, hậu lương nhân.
Lương nhân bất đắc quy, yến nhi triêu nam phi.
Đới ngã hồn, quy cố lý.
Nam phi bất hồi đầu.”
*tác giả sáng tác.
Dương Triệu nhắc đến trưởng nữ của mình, nói nàng là đứa con gái mà ông thương yêu nhất.
Nhắc đến Dương thị, nói bản thân thẹn với bà.
Mồng Mười tháng Mười một, Dương Dung Cơ đọc được một đoạn thơ Nhạc phủ: “Chiến thành nam, tử quách bắc, dã tử bất táng ô khả thực. Vị ngã vị ô: ‘Thả vị khách hào! Dã tử lượng bất táng, hủ nhục an năng khứ tử đào!’*…”.
*trích “Chiến nam thành”.
Thi thể rải rác Tây Lăng, có người cầm phấn má trong tay, có người ôm khăn tay trong lòng.
Lính ra trận chưa về, lính phòng thủ không đi.
Bộ Xiển đứng trước mặt quân Ngô, uống ba chén rượu, cười sang sảng.
Vả nói ba chuyện.
Thứ nhất, con gái Dương Triệu chắc chắn sẽ kết mối lương duyên, cả đời an bình, phu nhân ông chắc chắn sẽ sống an khang hết quãng đời còn lại.
Thứ hai, sớm muộn gì Tôn Ngô cũng sẽ bị diệt vong.
Thứ ba, vả chân thành xin lỗi con dân cố quốc.
Lục Kháng bắt sống Bộ Xiển, tru di tam tộc.
Mười lăm tháng Mười một, cùng đường bí lối, chiến mã gầy yếu tới chết, tướng sĩ ra đi vì đói rét. Viện quân chưa tới, rốt cuộc quân Tư Mã bị thảm bại, bỏ giáp chạy lấy người, Dương Triệu lánh đi nơi khác, Dương Hỗ dẫn quân về Lạc Dương.
Trong trận chiến Tây Lăng, quân Ngô chiến thắng quân Tư Mã với ba mươi nghìn quân, chiếm được Tây Lăng, quân Tư Mã bại trận.
Tin tức truyền tới Lạc Dương vào cuối tháng Mười một, quân chủ giận dữ, triệu quần thần trong đêm.
Đương lúc Thạch Sùng và Hạ Hầu Trạm nói tới chuyện này, Lục Châu bê mì từ dưới bếp lên, nghe thấy cuộc trò chuyện của họ ở ngoài phòng.
“Dương Triệu và Dương Hỗ thua trận, quân vương giận dữ, lập tức giáng Dương Hỗ xuống Bình Nam tướng quân, Dương Triệu bỏ trốn, quân vương biếm làm thứ dân. Mà Cố thị lại đổ thêm dầu vào lửa, nói là Dương Triệu không chỉ gây tổn thất tám mươi nghìn binh lính, còn làm mất sĩ khí, tướng sĩ vốn nên thà chết không lui, dường như khuyên quân vương xử tử Dương Triệu…”
“Dương Triệu và Cố thị có mâu thuẫn à? Chẳng phải xưa nay bọn họ không có qua lại với nhau sao?”
“Ai biết, trên đời thiếu gì người giậu đổ bìm leo…”
“Cuối cùng như thế nào?”
“Dương Hỗ bị truất xuống Bình Nam tướng quân, còn Dương Triệu… Quân thượng không đành lòng hạ thủ, bị lưu đày.”
Có tiếng bát đũa loảng xoảng, Thạch Sùng quay đầu lại, thấy Lục Châu đang ngồi xổm xuống.
“Châu nương?”
“Thiếp sơ ý, sẽ thu dọn ngay.”
“Đừng để canh làm bẩn tường.”
“Vâng.”
Lục Châu lấy hết lòng can đảm, hỏi: “Phu quân có biết… Phan lang ở đâu không, lâu rồi thiếp không thấy hắn đối ẩm với chàng”.
Thạch Sùng bỗng liếc cô, ánh mắt sắc như dao cau.
Lục Châu vẫn giả bộ nghi hoặc.
Thạch Sùng nhìn cô một lúc lâu, rồi mỉm cười, nói: “Trên núi đang có tuyết lớn, không biết hắn có kịp về trước Tết không”.
Lục Châu nhắm mắt lại, trán lấm tấm mồ hôi.
Cô đáp: “À, ra vậy…”.
Tác giả có lời muốn nói:
Tôi đẩy thời điểm trận Tây Lăng diễn ra lên, có sửa lại một chút nhưng nhân vật vẫn vậy.
Đi sâu vào cốt truyện nào!
Thực ra mãi không ra chương vừa do mình lười vừa do chương này dính dáng hơi nhiều đến lịch sử có thật, mà phần lịch sử này lại không có bản tiếng Việt hoàn chỉnh nên mình đành phải tham khảo nhiều nguồn rồi biên tập lại.