Cách Phá Huỷ Học Sinh Hệ Chuyên - Trang Quỳnh - Chương 28
Ấn tượng của mọi người đối với Hà là sự sôi nổi, hoạt bát. Hà xinh xắn, lanh lợi. Hà tốt bụng. Hà là một nữ chính điển hình của những bộ truyện tình cảm học đường. Mọi hào quang rực rỡ chiếu thẳng vào Hà. Nhưng lạ thay, người duy nhất Hà ấn tượng là một người kém nổi bật nhất trong lớp – Phạm Trúc Song.
Ngoại hình của Song nên đánh giá bằng hai từ sáng sủa, gọn gàng. Song không để tâm quá mức vẻ bề ngoài, thứ duy nhất khiến Song tập trung chính là thành tích học tập. Thế nên, anh Khải An của nó đã thành công có được sự chú ý của Song.
Hà thích tính cách sòng phẳng của Song. Song sẵn sàng giúp đỡ nó mà không đòi hỏi gì. Song dìu dắt nó từ chập chững đến tự tin tiến vào đội tuyển trong hai năm học. Hà tin rằng học lực của nó tốt như hiện tại phải kể đến công lao to lớn của Song.
Khi Song mở lòng và đón nhận sự tích cực và kết bạn từ Hà, nó dần dần nhận ra một Phạm Trúc Song mang vẻ đẹp tri thức và tâm hồn trong sáng, thuần khiết cuốn hút đến nhường nào. Có lẽ, anh họ Khải An của nó cũng đã tìm thấy một báu vật.
Nhưng câu chuyện của Hà ngày một tồi tệ kể từ khi Song chuyển đi, không phải do Song, mà là nó quá yếu đuối.
Lớp 11 trượt vòng loại chọn đội tuyển Quốc gia là khởi nguồn của mọi thứ. Những áp lực từ lúc thi vào lớp 10 chuyên trường X tưởng như đã chôn vùi hoàn toàn bỗng dồn dập và chồng chất vào thời điểm này. Mỗi ngày trở về nhà, bố Hà đều bắt nó phải hoàn thành gấp ba lần bài tập về nhà, bằng cách nào đó phải ngang hoặc vượt qua anh Khải An của nó. Hà tự nhủ nhịn được, chịu được, chỉ là thể trạng ngày càng yếu, ngay cả bản thân nó không để ý. Ngày bố đi công tác, Hà những tưởng cuộc sống nó thoải mái hơn chút. Ai dè, địa ngục thật sự của nó rộng mở.
Hà cãi nhau với mẹ Hiền từ ngày này qua ngày khác. Ban đầu vốn bất mãn với việc mẹ ép thằng em trai nó – Vỹ Nguyên học hành quá sức. Lâu dần, mẹ quá đáng hơn.
Đỉnh điểm, sau khi thi vòng thành phố lớp 12, mẹ Hiền tuyên bố rằng đã sắp xếp mọi thứ cho Hà, hiện tại, nó chỉ cần tập trung hoàn thành tốt kỳ thi A-level để đủ điều kiện đầu vào du học Anh như Khải An. Nhưng liệu mẹ có hiểu, Hà đâu có tài năng để học giữa chừng và song song như anh nó. Mẹ Hiền nhất quyết không nói với Hà mẹ đã làm gì, nỗi bất an trong lòng nó cứ lớn dần. Nó lo sợ hành động sai trái.
Mẹ Hiền cùng bác Đăng – bố của Tô Hải Minh chẳng biết đã thiết lập quan hệ hợp tác từ thuở nào. Nếu từ trước sự việc Minh thuê người đánh Khải An, thì chuyện này sốc hơn nữa. Minh là người duy nhất trong lớp biết về quan hệ họ hàng giữa nó và Khải An. Minh đã không nể mặt bác Đăng và mẹ Hiền mà thẳng tay giải quyết Khải An. Thằng này thật hết thuốc chữa!
Không hiểu sao dạo gần đây, chẳng ai trong lớp nói chuyện với Minh, đồng nghĩa với việc cậu ta không được “bợ đít” nữa. Minh mặc kệ và tìm ra thú vui tiêu khiển mới, đấy là trêu chọc Hà.
Dường như, Minh biết tất cả, hoặc cậu ta thích thể hiện ra như thế.
Nhiều lần ngồi trong lớp, Minh với vẻ mặt ngây thơ, hồn nhiên, lướt qua Hà với câu nói lặp đi lặp lại “Cố gắng nhiều làm chi, đường ta đi có Hằng Điên phù trợ”. Con bé ngồi dãy bên cạnh tên Hằng. Hằng sửng cổ mỗi khi Minh nói thế mặc dù chẳng hiểu gì. Hằng hỏi Hà. Hà đâu dám giải thích nghĩa cụm từ Minh nhấn mạnh. Hà cảm tưởng chỉ trong một giây phút nào đó, tất cả sự thật đều bị bại lộ bởi chính miệng Minh. Minh biết sự run sợ bên trong Hà nên càng trái khoáy trêu đùa.
Càng ngày, tần suất tăng lên một cách đáng sợ. Đi học thường ngày, Minh mỗi lần ngang qua chỗ nó, đều nhai đến nát dòng chữ “không cần cố gắng”. Về nhà, mẹ Hiền cũng nói y chang. Nó vốn mang cảm giác tội lỗi, giờ đây bắt đầu có xu hướng ám ảnh bốn từ “không cần cố gắng”. Hà bị tiêm nhiễm vào đầu bởi chính sự vô dụng của bản thân. Hà cảm giác thiếu an toàn. Nó sống trong sự run rẩy, sợ sệt. Nếu mọi chuyện lộ ra, Hà không lo bản thân, nó sợ người đời chỉ trích mẹ nó. Đến chính nó còn ghét sự nhúng tay vô tội vạ, nói gì người khác. Thế rồi, nó quyết định lao vào học đến bao giờ ngất đi, đến bao giờ nó có giải, đến bao giờ cái cụm “không cần cố gắng” không còn dấu vết trong ý thức của nó. Trên hết, với một mục đích duy nhất, để mẹ nó không phải thực hiện những vụ trao đổi dơ bẩn như thế này. Nó nhận ra, chỉ có học không ngừng nghỉ thì đầu óc nó mới ngưng vang vọng đống âm thanh chết tiệt kia.
Hà có bắt đầu có xu hướng ghét giao tiếp, ngay cả Long cùng lớp quan tâm hỏi han, nó chỉ qua loa đáp lại, đôi lúc trả lời bằng sự im lặng. Nó khó chịu với sự tiếp xúc xung quanh. Nó muốn gói mình trong một thế giới riêng để nó cảm thấy an toàn hơn. Nó không còn quá mong chờ tin nhắn hỏi thăm từ Song. Nó thấy xấu hổ với bạn thân mình. Chỉ vì khao khát thi quốc gia, Song quyết định chuyển trường để có cơ hội thi tiếp. Vậy mà, nó chẳng khác nào một tên tham quan vô liêm sỉ cướp lấy đất của người nghèo. Hà không còn mặt mũi nói chuyện với Song. Nó thấy bản thân thật khốn nạn.
Chương trình học tập một tháng của đội tuyển Kinh tế tỉnh B mang theo hai người thân thiết của Hà. Hà bỗng nhẹ nhõm hơn khi Song xuất hiện. Thật may, Song vô tư hồn nhiên, như chưa từng có biến cố nào xảy đến. Và Khải An, qua bao nhiêu năm, vẫn được gọi là khắc chế của Minh. Hà đã có dịp hả hê khi Minh mất bình tĩnh trước đám đông của hai đội tuyển. Nhưng đó chỉ là một khoảnh khắc nhỏ, khi họ rời đi, mọi thứ trở về đúng quỹ đạo. Hà lại thu mình trong cái vỏ bọc nó tạo ra nhiều tháng này.
Hà đã tin những cái gật đầu lấp lửng của mẹ, rằng mẹ sẽ không can thiệp gì nữa. Hà đã tin mẹ sẽ mềm lòng khi nó quỳ lạy cầu xin mẹ đừng làm thêm chuyện gì đáng xấu hổ. Hà đâu muốn chứng kiến xã hội chửi bới và pháp luật nhốt giam mẹ nó. Nó vẫn còn phần người.
Cái ngày có kết quả cũng đã đến. Hà sốc nặng. Nó không nhìn nhầm, là giải Nhất. Nhưng chỉ Hà mới biết, nó đã tính sai ý ba điểm thì làm gì có chuyện được giải Nhất.
Nó thất vọng tràn trề, lại là mẹ.
Ngay tức khắc, nó lao ra khỏi phòng để nộp đơn phúc khảo. Thấy vậy, mẹ nhốt nó lại, mẹ luôn miệng nói rằng đó là điều tốt nhất. Điều tốt nhất của mẹ đã hủy hoại nó. Hà trở nên tuyệt vọng với mọi thứ diễn ra xung quanh. Khoảnh khắc Hà muốn thoát ra khỏi vỏ bọc của bản thân, thì lại bị giam lại bởi bốn bức tường trắng đến chói mắt.
Một ngày… hai ngày… ba ngày… bốn ngày…
Hà không chịu nổi cảm giác bất lực này. Nó phải làm gì đó để chặn lại dòng cảm xúc như những con kiến ba khoang đang cấu xé từng lớp da thịt của nó. Hà lấy “màu nước” từ trên cơ thể viết lên bức tường trắng muốt cái đơn phúc khảo trong tưởng tượng. Trong giây phút ngất đi, mơ màng ngắm nhìn những vệt đỏ trên bức tường trắng, nó liên tưởng đến mành rèm và thảm đỏ của lễ tuyên dương học sinh giỏi Quốc gia.
Nó sực cười, loại người như nó làm sao xứng đáng đứng trên ấy.
Lúc tỉnh dậy, Hà nhìn thấy Khải An cạnh giường. Cổ tay nó có chút đau nhức. Nó không muốn nói gì thêm. Thức ăn cũng không nuốt nổi. Hà nhìn ra phía ban công bầu trời xanh ngắt, ánh nắng chan hòa, trái ngược với vẻ ảm đạm trong căn phòng, và trong tâm hồn nó lúc này.
Khải An trở lại tỉnh B thi học kỳ trong một tuần, không còn ai sa sả bên tai nó. Hà giống như một con búp bê chứa linh hồn. Thân người không chuyển động. Ý nghĩ tệ hại về bản thân như dây leo dằng dịt cuốn lấy tâm trí nó. Hà không còn tranh cãi với mẹ. Nó vô vọng. Nó phát ngấy, chẳng buồn mở miệng ăn, nói gì đến thốt ra dăm ba chữ. Từ phòng của Hà, thỉnh thoảng, nó vẫn nghe tiếng mắng chửi của mẹ cho Vỹ Nguyên. Mẹ đặt yêu cầu Vỹ Nguyên phải đạt vị trí thủ khoa kỳ thi vào 10 như anh họ Khải An, đừng kém cỏi như chị gái nó. Tiếng mạt sát như một hồi chuông dai dẳng, dấy lên nỗi lo sợ trong Hà rằng ngày nào đó, Vỹ Nguyên hoặc sẽ tham lam thành tích giống mẹ, hoặc bất lực, tuyệt vọng như nó.
Là một người chị, Hà đã không biết phải làm gì.
Nhìn mặt hồ trong vắt, thật đẹp đẽ, nhưng giờ nó sẽ không còn tinh khiết như trước nữa. Hà nhảy từ trên tầng hai. Cả thân mình vốn lạnh lẽo, tiếp xúc dòng nước lạnh không mang lại cảm giác gì cũng chẳng thể gột rửa tâm hồn bị vấy bẩn của nó. Chân trượt theo những hòn sỏi, Hà cố đắm mình trong làn nước xanh.
Hà tin cái chết của bản thân sẽ làm mẹ phải hối hận.
Tỉnh lại, nó chưa chết. Khải An một lần nữa ở bên cạnh nó. Anh cầu xin nó đừng suy nghĩ đến việc kết liễu bản thân. Anh hỏi Hà, nếu nó mất đi, ai sẽ chăm sóc Vỹ Nguyên, ngăn mẹ nó lại và giải thích mọi thứ cho Song. Hà chợt ngộ ra. Nó thật ích kỷ. Nó thật vô tâm.
Ít nhất, trong hiện tại, Hà hiểu ra, cái chết của nó chẳng có tác dụng gì ngoài việc trở thành gánh nặng.
Đến tận bây giờ, Khải An mới tiết lộ sự thật động trời – sự thay đổi giải của hai địa phương. Nó xuống giải Khuyến khích. Song từ giải Khuyến khích lên giải Nhất. Chuyện kỳ lạ này chắc ai trong gia đình nó cũng hiểu. Khải An không nói lên mối nghi ngờ của bản thân. Nó càng chắc nịch về suy đoán của mình.
Một ngày nọ, tất cả mọi người trong gia đình bị yêu cầu khóa tài khoản mạng xã hội và gỡ bỏ toàn bộ ứng dụng. Hà đâm ra khó hiểu. Điện thoại và máy tính của nó nếu không nát tan thì cũng bị ném ra ngoài cửa sổ. Nó đang trong trại giam rồi, lệnh cấm kia không tác dụng gì mấy.
Rồi một ngày khác, công an ập đến cái khuôn viên vốn yên tĩnh và ảm đạm. Hà và Khải An giống như những đứa trẻ sinh ra thời nguyên thủy, không hề hay biết có một thế giới hỗn loạn ngoài kia. Những người lớn trong đồng phục công an tất tả ra vào, thu thập điện thoại, máy tính, máy tính bảng của toàn bộ thành viên gia đình Hà và Khải An. Có vẻ, họ đang tìm kiếm bằng chứng phục vụ điều tra. Chỉ khi nghe một cô điều tra viên giải thích, hai đứa mới sựng người.
Giờ Hà chắc chắn, giải của nó thực chất là của Song, là nó cướp đi từ Song.
Cảm giác tội lỗi như con dao găm róc từng thớ thịt trên tim nó. Khi nhận thức về nỗi khổ sở của người mình yêu quý nhất gây ra bởi chính nó, Hà ân hận vì đã không quyết liệt với mẹ hơn.
Hà nhìn sang người anh trai bên cạnh. Đôi mắt Khải An trống rỗng một cách đáng sợ. Có lẽ, đó chỉ là một biểu hiện nhỏ của sự đau khổ đến tột cùng.
Hà quỳ xuống xin lỗi Khải An. Lỗi lầm của mẹ Hiền chính là lỗi lầm của nó. Anh chỉ đáp vỏn vẹn một câu khiến nó bừng tỉnh:
“Anh không phải người em nên xin lỗi.”
Khải An nuông chiều, yêu thương Hà như thế, để rồi, mẹ con Hà hết lần này đến lần khác tổn thương anh. Anh câm lặng từ khi ấy. Khải An vẫn bên cạnh và chăm sóc Hà như một nghĩa vụ. Không phải, anh thật sự thương nó. Còn nó đã phá hủy anh.
Sóng gió ngoài kia vẫn bủa vây, không khí trong nhà bình thản lạ thường. Biết hôm sau Khải An tham dự lễ tuyên dương, Hà đánh tiếng muốn gặp trực tiếp Song. Khải An lẳng lặng gật đầu. Hình như, Khải An cũng có điều muốn nói. Hà thấy được, anh nhớ Song rất nhiều.
Mọi thứ chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu trong cuộc trò chuyện với Song.
Chỉ cách một ngưỡng cửa nữa thôi, Hà sẽ nói ra hết sự thật, rằng mọi thứ là sự sắp đặt của mẹ nó, và nó đã bất lực chống trả ra sao, rồi trở nên tàn tạ như hiện tại.
Nhưng Hà và mẹ đâu khác gì nhau. Chính nó đã im lặng trước tội lỗi của mẹ. Giải thích, nói khác đi là tẩy trắng phần lỗi của nó. Hà nhút nhát nhưng không đê hèn. Cả mẹ và nó cần phải trả giá.
Dần dà, Hà không nghe thấy tiếng quát tháo từ phòng Vỹ Nguyên, cũng chẳng rõ tăm hơi của mẹ. Hà nghĩ mẹ nó đã đóng cửa trong phòng hối cải. Hoặc… mẹ nó đang suy nghĩ tiêu cực như cách nó từng. Hà sợ hãi, nó mở cửa chạy sang phòng tìm mẹ.
Cửa không đóng.
Những tưởng câu chuyện đang có dấu hiệu tích cực, lời mẹ thì thầm bên điện thoại như một cú tát vào thẳng mặt nó:
“Bác giúp em với ạ, em cảm ơn bác nhiều lắm. Em sợ thằng Nguyên nhà em bị ảnh hưởng chuyện gia đình nên ôn thi không tốt. Bác đỡ cho nó với. Em thu xếp mọi thứ rồi ạ. Sau khi thằng Nguyên thi xong, em sẽ sắp xếp thời gian đến thăm nhà bác ạ.”
Ngựa quen đường cũ. Mẹ nó muốn tự tay đắp nên một Trịnh Hoàng Hà thứ hai.
Hà thất thần. Mẹ nó không hối cải. Mẹ nó tiếp tục lựa chọn phá hủy tương lai Vỹ Nguyên.
Hà lại bất lực nữa sao?
Một ngày, Hà quyết định làm một chuyện người đời cho là “dại dột”.